Để yêu ngôi nhà của mình

Chủ Nhật, 08/08/2021, 11:04

Trước đây, lắm lúc tôi thấy ái ngại bởi có nhiều người bạn chơi thân đã lâu mà tôi chẳng rõ nhà họ ở phố nào? Ban đầu, thấy mình thật tệ nhưng rồi lại tự an ủi: Thì họ cũng có mấy khi ở nhà, toàn những người có “hoa chân”, nhà chỉ là nơi để họ tắm, giặt, ngủ nghỉ; con người hiện đại luôn hướng ngoại để kết nối và trải nghiệm.

Giờ thì, để được ở nhà, có người vượt qua cả trăm cây số và thầm cảm ơn những người đang hàng ngày bám trụ tại các chốt, các bệnh viện dã chiến. Hơn một năm qua, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID - 19, chúng ta  bắt đầu phải quen với một việc chưa từng xảy ra đó là ở nhà. Ban đầu, việc phải ở nhà để tránh dịch, để làm việc như một sự cố kiểu transit ở sân bay hay một hiện tượng nghỉ lễ dài dài. Ở những lần giãn cách tiếp theo, bắt đầu thấy tâm trạng hơi bí bách. Hóa ra, ở nhà  với vợ con, bố mẹ, anh em cũng đâu có đơn giản. Thậm chí, nhiều người chỉ một mình trong căn nhà cũng cảm thấy bị xáo trộn như đang phải chứa chấp một người khách lạ.

Ở lần giãn cách này, từ những kinh nghiệm tích lũy được của bản thân và những gì có được sau khi lắng nghe, quan sát cách ứng xử của nhiều người, chúng ta nhận ra đây là một đề tài khá thú vị: không phải cứ sở hữu được một căn nhà là bạn đã thực sự được sống trong không gian ấy. Bạn không chỉ cần học cách vui vẻ ở nhà mà còn phải làm thế nào để chuyển hóa không gian sinh hoạt bấy lâu nay thành một không gian văn hóa mới.

Để yêu ngôi nhà của mình -0
Làm việc ở nhà vẫn đem lại hiệu quả công việc. 

Nhà giờ đã trở thành không gian làm việc-một xu thế bắt buộc dần quen thuộc và đem lại hiệu quả. Có một thống kê đã nói lên điều này: “Kinh nghiệm từ các nước cho thấy nếu làm việc từ xa thì có thể giảm được từ 20-30% chi phí trực tiếp. Ngoài ra những tác động đến môi trường và giao thông cũng sẽ được giảm. Theo thống kê tại một số nước, nếu 1 tuần có 2-3 ngày làm việc từ xa thì có tăng năng suất lao động lên từ 20-25%” (theo Báo Lao động). Nếu nhìn rộng ra, việc không phải đến công sở cũng giảm thiểu được việc sử dụng đồ uống có cồn, gắn kết gia đình, trật tự xã hội, kiểm soát tốt hơn các tệ nạn xã hội.

Để yêu ngôi nhà của mình -0
Khu vườn của vợ chồng anh Võ Hồng Đức - Thái Bảo Trân (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong những ngày giãn cách - Nguồn ảnh Báo Người Lao Động 

Nhưng khi tất cả thành viên trong gia đình đều ở nhà, đều đem công việc về nhà làm sẽ tạo xung đột trong không gian họ chung sống. Tác giả Cẩm Hà trong bài: “Làm việc tại gia” từng có một nhận xét về sự thay đổi này: “Kể từ khi dịch COVID -19 bùng phát, thế giới chứng kiến xu hướng "về nhà" chưa từng có. Các gia đình biến bếp ăn thành trường học, phòng ngủ thành nơi làm việc và sân nhà thành công viên” (vnexpress.net). Đây là một thực tế dang diễn ra ở nhiều gia đình. Phải chăng, không gian sinh hoạt của gia đình là nơi không thể dung nạp được các hoạt động khác như làm việc, học tập, kết nối… Hay nói cách khác, các hoạt động công sở không thể có đất trong không gian văn hóa sinh hoạt. Bởi lẽ, một bên dựa trên nguyên tắc kỉ luật, tuân thủ quy tắc của cộng đồng, một bên đề cao tự do, sở thích cá nhân...

Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu được toàn quyền với 24 giờ của mình cũng rất thú vị đấy chứ. Khi những áp lực trong giao dịch dân sự hàng ngày được giảm bớt, con người có thể thực hiện những ý tưởng mà lâu nay vẫn nghĩ chỉ khi về hưu mới có cơ hội để làm. Từ việc áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, điều độ đến việc bổ sung nguồn “dinh dưỡng” rất cần thiết cho tâm hồn như nghe nhạc, vẽ tranh, đọc sách… sẽ đem lại một sức sống mới. Điều quan trọng hơn đằng sau sự tự do ấy là một tâm thế mới, một cơ hội mới nhưng đầy thách thức: bạn có dám dấn thân vào ngôi nhà mình không?

Mỗi ngày có 24 giờ để chúng ta sống thành thật với nhau. Trước đây, nhiều  chuyên gia lo lắng về chất lượng cuộc sống gia đình bị giảm sút vì chúng ta ít có thời gian dành cho gia đình. Trên báo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai (Đại học Văn hóa) nhận định: “Những giá trị truyền thống trong quan hệ vợ chồng, gia đình Việt Nam như đạo đức, tình yêu, lòng chung thủy… có vẻ bị coi nhẹ hơn so với nhiều năm về trước. Sức ép từ cuộc sống hiện đại khiến cuộc sống hôn nhân của nhiều người, nhất là giới trẻ gặp nhiều trở ngại. Nhiều người mải mê theo đuổi sự nghiệp, quên mất sự chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, chất lượng cuộc sống hôn nhân, gia đình cũng giảm sút...”. 

Khi các thành viên trong gia đình đều phải giãn cách xã hội, cũng đồng nghĩa với việc phải đối diện với những mâu thuẫn, những khúc mắc bấy lâu đang né tránh, còn dang dở. Đây là dịp để vợ chồng, con cái hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau hơn. Dẫu có những mâu thuẫn đỉnh điểm nhưng cũng là cơ hội để tháo gỡ. Tạo lập lại không gian sống về tinh thần thiết nghĩ còn khó hơn xây một ngôi nhà mới. Từ việc ở nhà đến chỗ có thể yêu được nhà mình là một câu chuyện không hề dễ dàng như thế. Từ các góc độ ấy, người viết có đôi lời chia sẻ như thế này:

1. Chỉ khi có một  tâm thế tốt bạn mới có tình yêu với chính ngôi nhà của mình. Biết yêu cuộc sống của mình thay vì chạy theo những thú vui vá víu tâm hồn tạm bợ cũng là một cách để thanh lọc tâm hồn. Tâm thế chủ động ấy cũng tựa như thiền để sống chậm lại, nghĩ lắng lại, tách bạch suy nghĩ ra khỏi các xu thế dư luận. Ở nhà có nghĩa là tạo lập cho mình một chính kiến để nhìn nhận ra xã hội, một sự lựa chọn cách sống chứ đâu phải bạn đang bị đẩy ra ngoài guồng quay cuộc sống hay đang bị cô lập với xã hội. Việc bạn tự tạo lập những gì hợp với hoàn cảnh, nền tảng gia đình đâu phải bạn đang tự tách mình ra mà là cơ hội để soi vào chính mình, nhận diện những gì bấy lâu tưởng đúng mà hóa sai. Một tin tức, một việc làm ngày thường phải dựa theo dư luận mà nghĩ thì nay có dịp nhận ra bản chất.

2. Ở nhà là cơ hội để thành thật với chính mình. Nhắc đến điều này, chắc hẳn nhiều người phụ nữ sẽ liên tưởng đến kì nghỉ hè, nghỉ Tết dài vô hạn, với việc phải đối diện với chính món ăn mình nấu, với sàn nhà mình lau, đến những đứa con không có cô giáo trông… kì thực, vẫn phải có lúc cần đến chính bàn tay mình mới cảm nhận được giá trị của hạnh phúc, cảm nhận đầy đủ các mặt của tham vọng mưu sinh.

3. Yêu ngôi nhà của mình là sự lựa chọn bền vững trong một xu thế xã hội mới. Một cơ quan, công ty đều cần đến không gian gia đình của bạn để nhận được sự cống hiến từ bạn. Ngôi nhà là một căn cứ vững chắc, giúp an toàn xã hội để đối diện với những biến động chứ đâu phải là giải pháp tình thế để đối phó với khó khăn trước mắt. Một không gian sống tinh gọn, hiện đại, linh hoạt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cá nhân, vừa có thể kết nối và triển khai công việc. Nếu bạn là người lao động chân tay, chưa thể trở lại làm việc, bạn cũng đừng quên ngôi nhà luôn cần đến sự chăm chút, sửa chữa của bạn. Một vật dụng, một chi tiết nhỏ được cải thiện sẽ đem đến cho các thành viên gia đình bạn một sự ấm áp, tin tưởng, làm điểm tựa tinh thần cho bạn trong cuộc đời.

Yêu ngôi nhà của mình là cách để vượt qua những ngày giãn cách, để không lãng phí khoảng thời gian trong cuộc đời bởi những hoang mang, lo âu, chán nản. Trong muôn vàn khó khăn nảy sinh luôn chứa đựng những sáng tạo, gợi mở những cách nhìn khác, suy nghĩ khác, đánh giá khác. Biết đâu bấy lâu nay chúng ta hướng  ngoại, lao vào guồng quay cuộc sống như một thói quen, biết đâu sự thay đổi theo chiều ngược lại lại giúp mình khai thác thêm những tiềm năng sáng tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Bởi thế, để yêu được ngôi nhà của mình không hề đơn giản mà cũng vô cùng thú vị…

Phương Việt
.
.