Đề xuất mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND: Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Thứ Năm, 09/06/2022, 16:32

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung mới được đưa ra bàn thảo trong dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) là đề xuất bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả trong lĩnh vực sân khấu. Điều này vẫn đang khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau...

Theo quy định hiện hành, danh hiệu NSƯT, NSND chỉ dành xét tặng cho những người tham gia hoạt động biểu diễn trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim...

Một trong những nội dung mới trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được các đại biểu quốc hội quan tâm, dành thời gian thảo luận là bổ sung đối tượng được xét danh hiệu NSƯT, NSND trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả trong lĩnh vực sân khấu. Liên quan đến đề nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án về Điều 66 để đại biểu thảo luận và cho ý kiến. Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu NSƯT, NSND. Phương án 2: giữ như quy định của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

lễ trao tặng danh hiệu nsnd, nsưt lần thứ ix.jpg -0
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX năm 2019.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc bổ sung các đối tượng. Trong đó, cụ thể như đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đưa ý kiến Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu "Kiến trúc sư nhân dân", "Kiến trúc sư ưu tú" hoặc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho những người xứng đáng. Đại biểu này lý giải vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm nghệ thuật này có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, ở lĩnh vực văn học, những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước và những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Vì vậy, hơn ai hết, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc họ là đối tượng được xem xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND nếu đáp ứng đủ các tiêu chí là phù hợp.

Ngoài ra, các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), đại biểu Nguyễn Huy Thái (ĐBQH tỉnh Cà Mau), cho rằng việc thêm một đối tượng, thêm lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu sẽ thể hiện sự quan tâm, trân trọng và ghi nhận những nỗ lực cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ ở tất cả các lĩnh vực sáng tác và biểu diễn, tạo thêm động lực cho họ lao động hết mình.

Những đại biểu đưa ra đề xuất cũng như nhất trí với phương án mở rộng đối tượng được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho rằng điều này phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, góp phần xóa đi phần nào những phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Việc này cũng sẽ tạo động lực lớn cho sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức thành công vừa qua. Ngoài ra, những danh hiệu này sẽ là nguồn động viên lớn lao để những nghệ sĩ tiếp tục say mê lao động tạo ra những tác phẩm có giá trị, đóng góp vào nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Phần thảo luận của Đại biểu quốc hội đã nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó, ở lĩnh vực nhiếp ảnh nhận được khá nhiều sự đồng thuận, nhất trí của những người trong ngành. Được biết, trước đó Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tỉnh Tiền Giang đã gửi kiến nghị đến Đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh bổ sung nghệ sĩ nhiếp ảnh vào đối tượng được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.

Thực tế, cho đến thời điểm này, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chính thức ra nhập FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế) từ 1991. Từ đó đến nay, số lượng tác phẩm dự thi cũng như đoạt giải của các NAG Việt Nam ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, từ lâu nay, ngoài các tước hiệu của FIAP được xem như là thước đo khẳng định đẳng cấp của các NAG Việt Nam thì cách đánh giá thành tích của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam cũng có tiêu chí gần giống FIAP.

Các chuyên gia ở lĩnh vực này cho rằng, các Nhiếp ảnh gia Việt Nam chưa có danh hiệu chính thức của Nhà nước trao tặng. Mặc dù Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã từng có ý kiến về việc này. Bảo vệ quan điểm cần phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho các NAG, các ý kiến cho rằng, Nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật có nét đặc trưng, mang tính chân thực, sáng tạo của người nghệ sĩ, đây cũng là loại hình nghệ thuật có tính trực quan dễ tác động đến cảm xúc, mang tính giáo dục và sức lan tỏa cao. Lao động của các NAG khá vất vả, cực nhọc. Lịch sử lĩnh vực nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi nhận có nhiều tác phẩm mang ý nghĩa to lớn trong các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước.

cùng với kiến trúc sư, nhà văn, soạn giả sân khấu, nhiếp ảnh gia là đối tượng được đề xuất bổ sung xét tặng danh hiệu nsnd, nsưt tại kỳ họp lần này.jpg -0
Cùng với kiến trúc sư, nhà văn, soạn giả sân khấu, nhiếp ảnh gia là đối tượng được đề xuất bổ sung xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Tuy nhiên, ngược lại với lĩnh vực nhiếp ảnh, trước đề xuất trao tặng danh hiệu Nhà văn Nhân dân, Nhà văn ưu tú, dư luận có những ý kiến trái chiều. Dù bản thân các nhà văn khi được hỏi ý kiến đều rất cảm ơn các đại biểu quốc hội đã đề xuất việc này như là sự quan tâm, khích lệ với những người lao động nghệ thuật. Nhưng đa phần ý kiến còn băn khoăn, việc trao danh hiệu cho các nhà văn có là điều cần thiết. Nhà văn của nhân dân chính là người mà những tác phẩm của họ sau khi ra đời vẫn có nhiều người tìm đọc, ngay cả khi tác giả không còn nữa. Việc nhà văn được phong danh hiệu nhưng tác phẩm đó không được ai nhớ đến, không có người tìm đọc thì danh hiệu đó liệu có giá trị gì không?

Trước đó, tại kỳ họp lần trước, một số ý kiến cũng cho rằng họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn… có cống hiến đã được ghi nhận ở Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đó là minh chứng cho thấy các thành phần sáng tạo trong nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm và ghi nhận kịp thời những nỗ lực trong hành trình sáng tạo, cống hiến. Việc trao danh hiệu NSƯT, NSND sẽ phù hợp với nghệ sĩ biểu diễn, còn với các công trình, tác giả, tác phẩm có thể hướng sang Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là điều hợp lý so với thực tế ngành nghệ thuật hiện nay.

Tương tự, đề xuất phong tặng danh hiệu Kiến trúc sư (KTS) Nhân dân, KTS ưu tú hoặc phong tặng là NSƯT, NSND ở lĩnh vực này cũng khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Về lý thuyết, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật nhưng thực tế hiện nay, không nhiều công trình kiến trúc đáp ứng đúng tiêu chí này. Chủ yếu vẫn là các công dân sinh hơn là công trình kiến trúc mang tính tầm cỡ, có giá trị thẩm mỹ.

Đặc biệt, điều mà dư luận và chính những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả sân khấu cũng đang băn khoăn là khi đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu trong Luật Thi đua, Khen thưởng thì tiêu chí đánh giá là gì? Mỗi danh hiệu cần có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng do 1 Hội đồng nghệ thuật xét duyệt. Mỗi chuyên ngành nghệ thuật lại có những đặc thù riêng, vậy cần có những tiêu chuẩn riêng đối với từng nhóm đối tượng. Lâu nay, ở lĩnh vực thi đua khen thưởng vẫn tồn tại một nguyên tắc "Không sợ thiếu, không sợ thừa, chỉ sự không công bằng". Rõ ràng, không có không sao nhưng có mà xét duyệt không công bằng, không đúng người thì sẽ tạo ra dư luận không tốt.

Có thể nói, đề xuất mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND mang một mục đích tốt đẹp là tôn vinh, tri ân với lao động sáng tạo của những người làm nghệ thuật tuy nhiên, để tiêu chí xét tặng danh hiệu công bằng, xác đáng với mỗi lĩnh vực nghệ thuật là điều không hề đơn giản. Thậm chí có lo ngại, những danh hiệu mới đưa ra có thể vô tình tạo ra những tranh cãi, hiềm khích không đáng có. Hoặc, tác giả mải chạy theo những quy chuẩn của danh hiệu mà quên mất điều quan trọng nhất với người làm nghệ thuật là có tác phẩm được công chúng ghi nhớ. Vì vậy, những điều Luật đưa ra phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi hơn bao giờ hết ở lĩnh vực nghệ thuật thì nguyên tắc "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" luôn chính xác.

Khánh Thảo
.
.