Để Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn

Thứ Sáu, 10/05/2024, 14:27

Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh tranh cãi giữa bà Nguyễn Thị Thành - người bán hàng rong đã bán 3 quả dứa cho 2 du khách nước ngoài ở khu phố cổ Hà Nội.

Sự việc thu hút sự chú ý của nhiều người dùng mạng xã hội, trong đó có một bộ phận không nhỏ đã vào bình luận, chĩa mũi dùi vào người phụ nữ bán hàng rong bằng những lời lẽ thiếu thiện chí, thiếu sự tôn trọng, cho rằng người phụ nữ bán hàng rong đang "chặt chém" du khách, làm xấu hình ảnh ngành du lịch Thủ đô. Nếu thông tin được đăng tải đúng như vậy (người phụ nữ bán 3 quả dứa với giá 500 nghìn đồng) sẽ làm ảnh hưởng tới nỗ lực gây dựng hình ảnh đất nước văn minh, con người thân thiện của đại đa số người Việt Nam chúng ta đang hướng đến trong mắt du khách nước ngoài.

image001.jpg -0
Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch thế giới.

Ngay sau đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã làm việc với người bán hàng rong cùng các nhân chứng và đã thông báo bà Thành chỉ bán túi dứa cắt sẵn với giá 50.000 đồng/quả. Nội dung lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật. Rõ ràng, khi tin đồn thất thiệt được đăng lên, không chỉ gây tổn hại về danh dự, uy tín của cá nhân mà đôi khi cả một ngành nghề, một lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề.

Du lịch đang mang đến cho Việt Nam hàng triệu việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Tại các nơi phát triển du lịch, cư dân địa phương có thu nhập cao hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên nhờ vào việc phát triển, tiêu thụ được các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, các giá trị văn hóa bản địa được khai thác tạo ra thu nhập lớn. Vì vậy, khai thác và phát triển du lịch bền vững, khắc phục ngay những biểu hiện dù vô tình hay cố ý bôi xấu về Việt Nam sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt được các mục tiêu lớn mà ngành du lịch đã đặt ra.

Ngành du lịch đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 nhờ việc thực hiện các chính sách thông thoáng, các chương trình kích cầu du lịch cùng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam liên tục được báo chí quốc tế, đặc biệt là được các chuyên trang du lịch gọi tên, với những bình chọn tôn vinh ẩm thực và có những điểm đến không thể bỏ qua. Đây là những tín hiệu lạc quan đầy phấn khởi.

Mạng xã hội là phương tiện kết nối, chia sẻ, quảng bá du lịch nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, việc kiểm chứng thông tin trên môi trường mạng thật sự là khó khăn bởi bên cạnh các kênh thông tin chính thống thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với Zalo, Facebook, Telegram, X, YouTube... là những kênh truyền thông mạnh không kém các kênh chính thống và đây cũng là mảnh đất màu mỡ để những người thích câu like, câu view, thậm chí chỉ vì vui đùa mà loan tin sai sự thật, thiếu chính xác đã làm sứt mẻ lòng tin của du khách, gây tác động xấu tới thương hiệu du lịch quốc gia, biến hình ảnh đất nước Việt Nam không còn là "điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách" và ảnh hưởng đó không chỉ trong nước mà còn cả với thị trường khách quốc tế. Phải chăng, người Việt Nam chúng ta đang tự làm hại chính mình?

Để hạn chế những mặt trái của truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước, trong đó quy định cụ thể những điều cần làm với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Tuy nhiên, chế tài xử phạt cho những hành vi vi phạm lại chưa có mà chủ yếu chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, nên một số người chẳng cần nghĩ, chẳng cần quan tâm tới việc giữ thể diện bản thân cũng như hình ảnh quốc gia mà vẫn "hồn nhiên" hành xử tùy tiện, bất chấp nội quy, quy định. Do vậy, cần sớm có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc người vi phạm và cả người quản lý bởi những đốm lửa tàn nếu không được dập tắt có thể thiêu rụi cả cánh rừng.

Tạo dựng một hình ảnh đẹp đã khó, biết cái xấu của mình mới khó, xóa bỏ những ấn tượng xấu lại càng đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều, nhưng khó mấy cũng phải làm để hướng tới xây dựng ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.