Để trở thành giá trị sống

Thứ Năm, 23/11/2023, 14:43

100 USD (khoảng 2,5 triệu đồng)/ tô phở, điều mà người viết thật sự ngạc nhiên không phải là giá cả mà ở câu nói của Peter Cường Franklin, người sáng lập và làm bếp trưởng tại Anan Sài Gòn, nhà hàng 1 sao Michelin: "Quy tắc ngầm của phở là: Đừng đùa với phở". Đúng, đừng đùa với phở. Phở Việt đã trở thành một danh từ trong từ điển Oxford của nước Anh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng nói: "Phở đã quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ra thế giới, gặp nhiều hàng phở, có thể chủ nhân là người Việt, cũng có thể là chủ nhân người nước ngoài. Nhưng đặc biệt cái tên không thể nào thay đổi. Vì thế tôi nghĩ rằng, đó là một trong những đại sứ Việt Nam ở nước ngoài gần gũi nhất, thân thiện nhất với mọi người" (theo: Châu Anh-Khánh Hà/VOV1).

tô phở 100 usd tại một nhà hàng ở tp hcm và câu chuyện tạo ra giá trị-ảnh joshua..jpg -2
Tô phở 100 USD tại một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh và câu chuyện tạo ra giá trị.

Trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác phát triển, cùng tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có những đại sứ du lịch, đại sứ thể thao như năm 2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bổ nhiệm 10 vận động viên và quan chức thể thao nổi bật làm “Nữ Đại sứ thể thao ASEAN” trong chiến dịch thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực. Bởi thế, điều cần thiết và có vai trò quan trọng nhất là để truyền tải những thông điệp, chúng ta cần đến những giá trị được khẳng định để thúc đẩy quảng bá. Nhưng liệu có phải tất cả những gì có giá đều thành giá trị và giá trị ấy có đủ sức hút.

Cách đây gần một thế kỉ, Henry Ford (1863-1947) đã cho rằng “một doanh nghiệp mà không tạo ra gì khác ngoài tiền là một doanh nghiệp không có giá trị”. Thứ “giá trị” mà ông nói đã vượt ra ngoài lợi nhuận của một bát phở hay một chiếc ô tô. Vậy đâu là con đường để đạt đến giá trị đó.

Người viết cho rằng cũng như việc ăn mặc lịch sự, nói năng đúng mực hay tuân thủ các quy tắc xã hội, thượng tôn pháp luật… đều cho thấy chúng ta tôn trọng bản thân mình và sau đó là tôn trọng người khác, nhận được sự trân trọng của cộng đồng. Một câu hỏi mà giới trẻ-những người đang tạo ra thời đại cho mình- luôn băn khoăn là: Chúng ta phải làm gì để giàu có? Bài học sử dụng đồng tiền còn khó hơn việc kiếm được tiền. Ông Trần Văn Lê, người được mệnh danh là "vua quạt đất Bắc" từng chia sẻ về bí quyết của mình trên talkshow ChatToday của Báo Dân trí: "Cuộc đời này có tiền núi rồi cũng hết nếu như các bạn không biết tiết kiệm, không biết điều tiết trong vấn đề ăn chơi của mình. Cuộc đời bạn chắc chắn sẽ đi xuống hố, không thể khác được".

Ngẫm ra, việc tiết kiệm tiền khác biệt so với việc sưu tầm một món đồ cổ bởi sớm muộn gì bạn vẫn phải dùng vốn liếng tích góp đó để lo cho cuộc sống. Hay nói cách khác, tiết kiệm tiền bạc là chuyện tiêu lúc nào và tiêu như thế nào. John Wesley (1703-1791), nhà thần học người Anh từng triết lý: “Kiếm nhiều hết sức có thể. Tiết kiệm nhiều hết sức có thể. Đầu tư nhiều hết sức có thể. Cho đi nhiều hết sức có thể”. Thật ra, cả bốn đồng tiền mà chúng ta được tiếp cận trong câu nói này như: “kiếm”(thu nhập), “tiết kiệm”, “đầu tư”, “cho đi” tuy có ý nghĩa khác nhau nhưng đều mang một bản chất đó là giá trị sống.

Quay trở lại với câu chuyện tô phở 100 USD ở trên, điều thú vị không nằm ở việc chúng ta bán được tô phở có giá trị cao (so với thu nhập của người dân Việt Nam) cho khách nước ngoài, cho người có tiền hay việc phở Việt Nam đã có mặt ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà ở chính giá trị mà chúng ta đã tạo ra. Trong cuộc sống, ấn tượng của con người đến từ những gì đáng tin, đáng giá, đáng thụ hưởng và đáng chia sẻ. Một Việt Nam thân thiện, mến khách và bình an đến từ các loại hình nghệ thuật mà trong đó không thể thiếu ẩm thực.

Nhưng, liệu trong cuộc sống này ngoài những món ăn nổi tiếng như Hamburger (Mỹ); kimchi (Hàn Quốc); bánh nhân thịt (Úc); dim sum (Trung Quốc); thịt hầm (Ireland); sushi (Nhật)… là những thứ có thể kinh doanh, thu hút khách du lịch, chúng ta còn điều gì làm nên giá trị.

Nếu bạn được đến du lịch ở một quốc gia mà mỗi người dân sở hữu đến 1,3 chiếc xe đạp như Hà Lan, bạn sẽ bị cuốn hút bởi nét độc đáo đó. Chính bầu không khí trong lành, sự an toàn trong giao thông và việc rèn luyện thân thể đã tạo ra giá trị để rồi nó trở thành tiềm năng thu hút du lịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hàng năm chính phủ nước này đã phải chi đến 400 triệu euro để bảo dưỡng tuyến đường dài 35.000km cho văn hóa xe đạp phát triển. Đây là con số không hề nhỏ nhưng đã tạo ra một giá trị trong sự phát triển đúng hướng, phù hợp với đất nước và đem lại một ấn tượng cuộc sống cho nhân loại.

hà lan - thiên đường của xe đạp-ảnh ttxvn.jpg -1
Hà Lan - thiên đường của xe đạp.

Mới đây, người viết được biết tỉnh Đồng Tháp vừa thông qua đề án bảo tồn đàn sếu đầu đỏ với tổng đầu tư 185 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm. Trên vnexpress.net, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch Đồng Tháp đã chia sẻ: “185 tỷ đồng không dừng lại ở đàn sếu 50 con mà còn nhiều lợi ích lâu dài về kinh tế, xã hội, văn hóa khi hệ sinh thái tự nhiên phục hồi". Quả thật, lợi ích lớn nhất nếu như đề án này được thực hiện tốt chính là “hệ sinh thái tự nhiên phục hồi". Chúng ta cần hệ sinh thái đó không chỉ đề bảo tồn một giống, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng phục vụ cho du lịch mà sâu xa để giữ lại thiên nhiên lành lặn cho các thế hệ mai sau. Thử hỏi, nếu như con cháu chúng ta mai sau chỉ được biết đến chim trời, cá nước trên sách vở, phim ảnh như nhà sử học người Anh Thomas Fuller (1608-1661) từng nói: “Chúng ta chẳng bao giờ biết được giá trị của nước cho tới khi giếng cạn khô”.

Trong cuộc sống này có người đã nói với tôi: “Mình có rất nhiều ý tưởng nhưng lại chẳng thể thực hiện được điều gì”. Người viết cho rằng mọi ý tưởng thực ra chỉ tồn tại khi ta bắt tay vào công việc. Giá trị của một quốc gia, dân tộc, một cộng đồng sẽ bắt đầu từ sự tạo lập của từng công dân có trách nhiệm. Trong suốt 27 năm qua, chỉ với một cánh tay, cô Võ Thị Tuyết (56 tuổi, làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã chăm sóc những đứa trẻ tự kỷ.

cô võ thị tuyết dùng cánh tay duy nhất của mình để soạn giáo án, theo dõi hành trình tiến bộ của học sinh-ảnh lệ nguyễn.jpg -0
Cô Võ Thị Tuyết dùng cánh tay duy nhất của mình để soạn giáo án, theo dõi hành trình tiến bộ của học sinh-Ảnh Lệ Nguyễn.

Cho đến hôm nay, trong lòng cô vẫn nguyên vẹn một cảm giác khi đến với công việc này: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm tốt công việc này, thâm tâm tôi thôi thúc phải tìm cách giúp đỡ những em bé khuyết tật trí tuệ" (theo: vnexpress.net). Với một người khuyết tật, để tự lo cho bản thân đã là sự nỗ lực hết mình chứ chưa nói đến việc giúp đỡ một người khác. Theo dõi trên các phương tiện thông tin, chúng ta cũng bắt gặp những người có lối suy nghĩ, cách làm đột phá. Nhân dịp 20/11 này, Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP Hồ Chí Minh đã viết thư mong phụ huynh thay vì tặng hoa dịp 20/11 thì đóng góp để mua bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn. Sau đúng 3 ngày, trường đã nhận được 130 triệu đồng, tương đương 200 thẻ bảo hiểm y tế.

Những người như cô Tuyết, thầy Cường hẳn không cốt đánh bóng tên tuổi của mình cũng như nghĩ đến danh tiếng cho tổ chức, tập thể mà đơn giản là thấy điều gì có ích cho xã hội thì hành động. Những giá trị không phải lúc nào cũng đến từ sự đầu tư tiền bạc mà bắt nguồn từ khát vọng về một xã hội tiến bộ. Để rồi từ đó, giá trị sống mà chúng ta tạo ra có sức lan tỏa hơn cả những gì họ đã và đang thực hiện hàng ngày.

Thu Trang
.
.