Để trẻ mồ côi không bơ vơ

Thứ Năm, 28/10/2021, 13:15

Kết hợp hỗ trợ khẩn cấp với lâu dài, tìm mọi cách tạo điều kiện để trẻ mồ côi do COVID-19 ở lại cùng người thân, họ hàng là những giải pháp ấm áp tình người mà chính quyền, đoàn thể cùng nhiều tổ chức xã hội, thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện trong giai đoạn này.

Mất cả bầu trời

Dịch COVID-19 vừa cướp đi người mẹ chịu thương, chịu khó của hai anh em V.H.M.K và V.H.M.Q. (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Mới hôm nào gian bếp nhỏ còn rộn ràng tiếng hai anh em chuyện trò trong lúc mẹ lặt rau, nấu nướng, giờ trống trải đến quạnh hiu. Phát hiện dương tính không lâu, mẹ trở nặng, phải đưa đi điều trị. Không lâu sau, mẹ K. ra đi đâu kịp trăng trối hay nhìn mặt hai anh em lần cuối. Từ ngày ông nội và mẹ mất, ba của K. và Q. trầm tính hẳn, chỉ im lặng nhìn xa xăm. Giờ thì ba thay mẹ chăm hai anh em nhưng căn nhà nhỏ bỗng lạnh lẽo bất thường.

246948164_466819954663261_237001139761889868_n.jpg -0
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thăm hỏi, tặng quà cho cháu N.H.Kh. và N.T.V.. Ảnh: Việt Dũng

Q. bị thiểu năng trí tuệ nên chưa thấm thía nỗi đau mồ côi giữa ngày dịch dã, vậy nên K. thương anh lắm. Nhớ ngày mẹ mới vào viện điều trị, K. gọi điện mãi vì sốt ruột nhưng đầu dây bên kia chỉ lặng im. Những lúc chông chênh như vậy, K. và ba vẫn cầu nguyện cho mẹ mau khỏi bệnh để về nhà. Vậy mà, chuyến đi ấy thật xa nên mẹ không kịp trở về. Gần hai tháng kể từ ngày mẹ mất, K. vẫn chưa tin mình trở thành trẻ mồ côi. Mọi thứ chuyển biến quá nhanh, đến nỗi giờ thi thoảng K. vẫn quen miệng gọi "Mẹ ơi!". K. cố gắng duy trì việc học và phụ ba chăm cho anh trai dù trong lòng em đau đớn vô cùng.

Trong căn nhà chưa tới 30 mét vuông nằm lọt thỏm ở con hẻm sâu ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, N.T.K.P (học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bé) đang sống cùng 7 người thân nhưng thiếu bóng dáng mẹ cha. Gia cảnh quá khó khăn, ba mẹ phải ngược xuôi khắp nơi làm thuê vẫn không đủ lo kinh tế, P. được dì chăm sóc, cưu mang. Ngày dịch chưa bùng phát trở lại, cứ cuối tuần, mẹ lại đón P. về phòng trọ để chăm nom. Thế nhưng, từ hôm TP Hồ Chí Minh tiến hành giãn cách xã hội đến nay, P. không còn được qua thăm ba mẹ hay được đi chơi cuối tuần, em buồn lắm. Hôm mẹ điện báo cả ba và mẹ đều thành F0, P. ngồi sát dì, nước mắt ngắn dài. Em sợ ba mẹ đau, sợ không ai chăm sóc.

Nhớ quá, P. hay gọi điện hỏi thăm ba. Thay vì rổn rảng cười nói với con, từ ngày mắc COVID-19, cuộc gọi của hai cha con cứ ngắn dần. "Bữa đó, ba đang nói chuyện với con thì cúp máy, chắc lúc đó ba mệt mà con không biết. Rồi ba mất luôn, con không được gặp ba, không được ăn cơm với ba nữa. Mấy nay mẹ con chẳng chịu ăn uống gì, cũng mệt, con thấy lo", mắt P. ngấn nước khi nhắc lại chuyện buồn vừa xảy ra. P. bị yếu thần kinh nên chậm chạp hơn bạn bè đồng trang lứa. Giờ ba mất, mẹ ốm yếu, tâm trạng của em càng thêm nặng nề.

Chị Trương Trần Thu Tiên, dì P., lo sự mất mát quá lớn lần này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần vốn đã quá yếu ớt của cô cháu gái kém may mắn. "May là từ ngày ba P. mất, địa phương cũng quan tâm nhiều, tặng quà, trao học bổng, coi như chia sẻ phần nào khó khăn với con. Giờ tôi chỉ mong mẹ bé P. khỏe, chuyển về đây sống để con bé bớt đơn côi. Mình khó khăn mấy cũng phải ráng lo cho cháu học hành tới nơi tới chốn, nhìn thương lắm", chị Tiên chia sẻ.

Trong đợt dịch bùng phát dữ dội này, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.500 trẻ mồ côi. Anh Phương, cán bộ lĩnh vực chăm sóc trẻ em tại phường 26, quận Bình Thạnh chia sẻ, có nhiều trường hợp mồ côi khiến anh không cầm được nước mắt. Mất cha, mất mẹ, thậm chí mất luôn cả cha mẹ, ông bà, những đứa trẻ bơ vơ trong ngôi nhà thân thương của mình. Khi địa phương tiếp nhận thêm thông tin mới, là người đến các gia đình xác minh, hỗ trợ, không ít lần anh Phương thấy lòng mình quặn thắt.

Anh nói, thương nhất là những em bé mới 2-3 tuổi, chưa biết chuyện gì đã xảy ra với cuộc đời mình. Nhiều người rời quê tới TP Hồ Chí Minh mưu sinh, vậy mà COVID-19 nỡ bắt họ ra đi mãi mãi mặc cho những đứa trẻ ngắc ngoải đợi mẹ cha trở về trong căn phòng trọ chật chội, buồn hiu.

"Dù rất bận nhưng nghe em nhỏ nào mồ côi do COVID-19, chúng tôi khẩn trương đến động viên, trao những món quà thiết thực. Những lúc như vậy, các em rất cần sự thấu hiểu, sẻ chia. Tôi mong rằng bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, những trường hợp đặc biệt này sẽ được cộng đồng đồng hành về mặt tinh thần", anh Phương chia sẻ.

Không tách trẻ ra khỏi cộng đồng

Ngay sau các chương trình hỗ trợ khẩn cấp, TP Hồ Chí Minh đã lên phương án giúp đỡ, cưu mang đường dài cho các em nhỏ chẳng may trở thành trẻ mồ côi do COVID-19. Theo đúng tinh thần "không tách trẻ ra khỏi cộng đồng" của thành phố, quận Bình Thạnh cũng tìm mọi cách để giữ hơn 80 trẻ mồ côi sau dịch được ở lại với người thân, họ hàng. Bà Huỳnh Ngọc Phương Thanh, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, quận Bình Thạnh cho biết, bên cạnh những hỗ trợ về vật chất, địa phương đang kết nối để tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về tinh thần, đặc biệt là ổn định tâm lý cho nhóm trẻ cần sự quan tâm đặc biệt này.

de-tre-mo-coi-1---d-ch-covi.jpg -0
Dịch COVID-19 bỗng chốc biến nhiều em nhỏ thành trẻ mồ côi.

Chính thức triển khai các hoạt động hỗ trợ từ đầu tháng 10 sau hơn một tháng chuẩn bị lực lượng, nguồn lực, kết nối và sàng lọc, Trung tâm trợ giúp xã hội nuôi dạy trẻ mồ côi do COVID-19 POWAI (Chính Tuệ) sẽ triển khai đồng loạt 5 dự án. Với hơn 600 tình nguyện viên là những cá nhân có chuyên môn sâu thuộc nhiều lĩnh vực, trung tâm này mong muốn tạo ra một ngôi trường lớn, dùng sức mạnh cộng đồng nâng đỡ, dìu dắt những đứa trẻ kém may mắn, cần được bảo bọc đúng cách này.

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành POWAI, chỉ trong vòng 10 ngày kết nối, trung tâm đã nhận về hơn 800 lời cầu cứu của trẻ mồ côi do COVID-19. Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm, bà Quyên cùng các cộng sự, tình nguyện viên biết, điều cần làm nhất bây giờ là cố gắng duy trì mối liên kết giữa trẻ với những người xung quanh trong cộng đồng.

Với "POWAI Blue", trung tâm trợ giúp xã hội này xây dựng đội ngũ chuyên biệt để theo dõi, hỗ trợ việc học tập và thăm khám sức khỏe, tâm lý định kỳ cho trẻ mồ côi do COVID-19. "POWAI Downy" thì chịu trách nhiệm kết nối bảo trợ, hỗ trợ hiện kim dài hạn để trẻ được tiếp tục học hành, thực hiện các ước mơ. Trong khi đó, "POWAI Rainbow" gồm các hoạt động hướng nghiệp, tài trợ du học, hỗ trợ dạy nghề và tìm việc làm cho trẻ mồ côi nhằm giúp các em có đủ năng lực tự lo cho bản thân trong tương lai. Dự án "POWAI Fly" sẽ đào tạo kỹ năng, nghệ thuật, thể thao… nhằm giúp nhóm trẻ đặc biệt này phát triển toàn diện. Trong trường hợp trẻ không đủ điều kiện để được dưỡng nuôi, giáo dục tại mô hình kiểu gia đình, dự án "POWAI Home" sẽ giúp các con có được nơi ở nội trú với những hỗ trợ về tinh thần, giáo dục và vật chất đến khi trưởng thành.

Theo bà Quyên, "POWAI Home" được xếp vị trí cuối cùng trong chuỗi dự án hỗ trợ vì trung tâm muốn hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện chứ không chỉ dừng lại ở việc tặng quà, trao tiền hay dồn các em về "một mối" để tiện quản lý, giúp đỡ. "Chúng tôi không tập trung tất cả các con về nuôi tại một điểm. Không phải cứ trẻ mồ côi là đưa về trung tâm xã hội hay chuyển đến nhà cha mẹ đỡ đầu ở. Các con có thể ở với người thân, họ hàng mà vẫn nhận sự hỗ trợ của cộng đồng", bà Quyên cho hay.

Ông Trần Công Bình, Chuyên gia Quan hệ đối tác chương trình, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam cho rằng, trẻ mồ côi do COVID-19 cần những hỗ trợ kịp thời và xuyên suốt từ cộng đồng để có thêm điều kiện phát triển toàn diện. Theo đó, các em cần được ưu tiên bằng giải pháp chăm sóc thay thế. Với giải pháp này, trẻ được cung cấp dịch vụ chăm sóc trong bối cảnh gia đình hoặc gần với gia đình. Thí dụ như trẻ mồ côi cha sẽ được sống với mẹ hoặc mồ côi cha lẫn mẹ thì có cô chú, ông bà có thể tiếp nhận các em. Trong trường hợp thứ 3 nếu khó khăn hơn các em có thể được chăm sóc, nhận nuôi bởi những người trong cộng đồng để đảm bảo môi trường gần gũi, thân thương và giữ mối liên kết với gia đình. Các em cũng có thể được người đủ khả năng nhận nuôi để tiếp tục được chăm sóc, tạo điều kiện học hành.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chương trình hỗ trợ cho các trẻ em này cần nằm trong chiến lược tổng thể về an sinh và bảo vệ trẻ em của thành phố với những can thiệp đặc thù, kịp thời để hạn chế độ chênh hay bất bình đẳng trong trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung: "Trẻ em cần được sống trong môi trường gia đình mới có thể phát triển toàn diện. Do vậy cần hạn chế tối đa đưa các em vào các viện tập trung và chỉ xem đó là biện pháp cuối cùng nếu như không có các biện pháp thay thế khác. Mỗi trẻ có hoàn cảnh khác nhau nên tùy theo từng nhu cầu, đánh giá và các vấn đề các em gặp phải chúng ta áp dụng các biện pháp can thiệp và sự trợ giúp cụ thể".

Gia Mỹ
.
.