Để những đứa trẻ được tự lập
Không như những xung đột, va chạm khác ngoài xã hội, những điều đáng tiếc xảy ra trong nhà trường luôn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng các em đang thiếu sự quan tâm dạy bảo từ phía bố mẹ, các em phải tự mình đối diện với sự lôi kéo của những thói xấu hay chính người thầy cũng đang đơn độc khi thực hiện sứ mệnh của mình. Giáo dục đâu chỉ có nhà trường, giáo dục còn cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội.
Trong cộng đồng mạng xã hội được kết nối chặt chẽ, chắc chắn, khi xuất hiện một ứng xử thiếu văn hóa sẽ bị lên án, dù đó là người lớn hay trẻ nhỏ, người yếu thế hay người có quyền hành. Bởi thế, những vụ thầy đánh trò, cô giáo tát học sinh; nam sinh xưng "tôi" với giáo viên Trường Cao đẳng FPT … hay gần đây nhất là trường hợp nữ sinh xưng hô "mày - tao" với thầy ở trường THPT Nguyễn Chí Thanh, (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) không chỉ được các cấp quản lý trong ngành xử lý nghiêm khắc, báo chí thông tin mà dư luận mạng xã hội cũng không đứng ngoài cuộc.
Nhưng nếu để ý bạn sẽ nhận ra một điều: Nếu như trước đây những va chạm, xung đột ấy diễn ra trong từng lớp, từng trường, đôi lúc có khiến cho người trong cuộc ấm ức, buồn bực thì nay cả hai phía (đúng và sai) đều phải chịu một áp lực dư luận không hề nhỏ.
Không như những xung đột, va chạm khác ngoài xã hội, những điều đáng tiếc xảy ra trong nhà trường luôn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng các em đang thiếu sự quan tâm dạy bảo từ phía bố mẹ, các em phải tự mình đối diện với sự lôi kéo của những thói xấu hay chính người thầy cũng đang đơn độc khi thực hiện sứ mệnh của mình. Giáo dục đâu chỉ có nhà trường, giáo dục còn cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội.
Một ông cụ từng nói với tôi: "Theo anh, liệu bọn trẻ lớn lên có nói theo Youtube không?". Tôi trả lời ông rằng, tôi tin là không bởi không ai sống trong một không gian đóng kín, không ai chịu sự tác động bởi một mẫu hình duy nhất. Điều quan trọng là từ những luồng tư tưởng ấy con người ta sẽ chắt lọc và lựa chọn cách sống như thế nào? Một thầy cô giáo, một nhà trường cũng chỉ có nhiều nhất là 7,8 tiếng đồng hồ trong ngày để kèm cặp, dạy bảo học sinh, trong khi các em lại cần nhiều hơn thế.
Giáo dục đã và đang có những biện pháp nào để răn đe, điều chỉnh hành vi của trẻ? Chúng ta không có gì bất ngờ với những hình thức nhắc nhở, viết kiểm điểm hay nặng hơn là đình chỉ học không quá hai tuần. Vốn dĩ, học trò luôn thích được nghỉ học nhưng khi bị đình chỉ học vài ba ngày, dù là đứa trẻ ngỗ ngược hay vô tâm nhất cũng sẽ phải suy nghĩ, cảm thấy bị phân biệt, bị bỏ rơi là điều không tránh khỏi. Hình thức xử phạt này có phải là liều "kháng sinh" hữu hiệu chặn đứng mầm bệnh hay đã khiến các em "nhờn thuốc".
Khi nói điều này, hẳn nhiều người sẽ không đồng tình với người viết bởi sự xuống cấp trong đạo đức học sinh. Đâu đó vẫn có những cuộc gây gổ theo kiểu nhóm, hội, thậm chí sử dụng vũ khí gây phẫn nộ với nhiều người và lo sợ với nhiều em học sinh khác. Nhưng thử hỏi, các em làm thế vì điều gì? Chắc chắn sự ngỗ ngược đó không hề có tư tưởng, có tinh thần tự giác với mưu đồ, tính toán của người trưởng thành. Sự nỗi loạn, sự gai góc, bột phát của những em bé đang "lớn nhanh như thổi" nhưng lại đang mặc một "chiếc áo" quy tắc quá chật ấy là một bất cập mà lâu nay chúng ta chưa nhìn ra. Có lẽ, học trò cần nhiều hơn thế ở những người thầy để làm một người trưởng thành. Chúng cần cả một nhà sư phạm am hiểu chuyên môn, tâm lý học và tất cả những gì mình muốn hiểu, muốn biết và có thể lựa chọn thay vì một người thầy chỉ biết truyền thụ kiến thức đơn thuần.
Nghĩ đến đây, người viết bất chợt nghĩ đến bài viết "Hậu quả của thói quen cứ ho, sốt là mua kháng sinh" của TS Quan Thế Dân (Báo Dân trí), trong đó ông có những phân tích khiến người đọc giật mình: "Việt Nam là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh nhiều nhất thế giới. Một số nghiên cứu cho biết nhiều kháng sinh thông dụng ở Việt Nam đã bị kháng từ 70 - 90%". Hai câu chuyện tưởng chẳng có chút liên quan nhưng lại có một sự tương đồng kì lạ: Đã bao giờ chúng ta nghĩ đến việc nhân cách, tâm hồn cũng cần được chăm sóc, lắng nghe và cần liệu trình phù hợp hay chỉ có "liều kháng sinh" chung chung theo kiểu: Nếu con học được điểm cao thì muốn gì bố mẹ cũng chiều chuộng hay thi đỗ là do năng lực của con mình còn thi rớt là tội của… thầy cô và nhà trường.
Trong cuộc sống, không phải thói quen nào cũng là chân lý. Khi xem lại những tình tiết trong câu chuyện trò xưng mày - tao với thầy, là một người từng đứng trên bục giảng người viết vẫn cảm thấy băn khoăn một điều: dường như cô bé đó đang sống thiếu hiểu biết, kĩ năng để làm một con người đúng mực thay vì cái ấn tượng hỗn, láo, vô văn hóa thông thường mà chúng ta nhìn thấy bên ngoài. Phản ứng của một đứa trẻ trước các tình huống nói lên chính chất lượng sống, đến cách thức giáo dục của người lớn. Trong sự trăn trở ấy, người viết bắt gặp câu trả lời từ bài báo "Giúp việc cho con" của nhà báo Đặng Huyền: "Dung dưỡng cho thói quen ỷ lại của con cái, bằng cách tự mình làm "osin" hoặc giao phó cho giúp việc, cũng là đánh mất của con cơ hội được thực hành tự lập để chống chọi với biến cố trong cuộc sống đầy đổi thay phía trước" (vnexpress.net). "Tự lập" chính là từ khóa, là đáp án trả lời cho rất nhiều lo âu, thắc mắc về những phản ứng gây phẫn nộ về trẻ. Trẻ đang ngày càng được cha mẹ tạo lập về điều kiện vật chất nhưng lại thiếu tự lập về ý thức, về trách nhiệm với cộng đồng.
Chúng ta chẳng lạ gì cái điệp khúc "Con/cháu tôi ở nhà ngoan lắm" và đổ vấy cái tội cám dỗ, gây tha hóa con em mình cho môi trường xã hội chứ ít khi thử nghĩ xem chúng đã được tự lập hay chưa? Nhưng đâu chỉ từ phía những đứa trẻ mà chính thầy cô giáo cũng đang bị "lép vế". Phụ huynh và dư luận phía phụ huynh đang trở thành một thứ quyền lực mềm, thành một trở ngại không nhỏ tác động vào quá trình giáo dục. Nói về điều này, tác giả Trương Chí Hùng trên Báo Dân trí chia sẻ: "Áp lực đến từ nhiều chuyện trong nghề. Có những "chuyện thường ngày" như việc phụ huynh gọi điện, nhắn tin bất kể giờ giấc. Khi giáo viên bận việc không thể trả lời ngay, có những phụ huynh liền nhắn tin trách móc, nặng nhẹ, thậm chí "méc" với hiệu trưởng; nếu thầy cô không mềm mỏng thì phụ huynh đem vấn đề "văn hóa ứng xử", "đạo đức nhà giáo" ra để "giáo huấn".
Đọc nhiều bình luận trên mạng xã hội, chúng ta phần nào cảm nhận được sự phản biện mạnh mẽ của dư luận xã hội. Nhưng đây đó, vẫn có kiểu "HLV bàn phím", "thầy giáo bàn phím" áp đặt suy luận chủ quan và nghĩ thay, sống thay cho con trẻ. Từ đó, vô hình chung đã tạo ra những đặc quyền cho lứa tuổi đáng ra đang phải khiêm tốn học hỏi từ con số không.
Sự phán ứng thiếu văn hóa của một đứa trẻ không phải lúc nào cũng xuất phát từ nguyên nhân là sự thiếu quan tâm của người lớn. Đôi khi, chính vì người lớn quá quan tâm nhưng lại không đúng cách nên đã vô tình loại bỏ sự tự lập và chính kiến khiến con em mình trở thành đơn độc, thiếu kĩ năng, hiếu biết và "nhờn kháng sinh" với những công thức dạy bảo mà các em đã nhàm chán.
Vì sao một đứa trẻ có thể buông những lời xúc phạm người lớn? Có phải một phần nguyên nhân từ việc các em cũng từng bị người lớn khác xúc phạm như thế. Trẻ có thể không dám "phản pháo" với cha mẹ của mình nên sẵn sàng trút giận sang thầy, cô hay những người khác. Trẻ cần được tôn trọng, được tự lập về nhân cách, thái độ ứng xử để có được sự cân bằng, hài hòa, từ đó sẽ biết tiết chế cảm xúc. Hãy coi trọng con em mình như một người trưởng thành, hay tin tưởng ở sự tự chủ của các em và sẽ nhận được những tín hiệu lạc quan hơn. Để những đứa trẻ được tự lập có lẽ là câu trả lời cho những lo lắng về sự phản ứng của các em ở lứa tuổi này…