Để không bị thay thế...
Nhà thơ người Mỹ Maya Angelou (1928-2014) từng nói: “Chúng ta có thể gặp nhiều thất bại nhưng chúng ta không được bị đánh bại”, sự thành đạt và hạnh phúc của mỗi người sẽ là đáp án cho cuộc đời này. Nhưng, trước khi đạt được điều đó thì những giải pháp để thích nghi với chính thực tại, yêu cầu của thời đại là rất cần thiết. Trước khi xác lập chỗ đứng, bạn phải làm sao để không bị đào thải.
Tôi rất ấn tượng với “đáp án” mà Trần Bảo Toàn (sinh viên ngành Sư phạm toán, Trường Đại học Sài Gòn), đã nêu tại lễ khai mạc kỳ thi Olympic Toán học sinh viên - học sinh toàn quốc lần thứ 31. Trước câu hỏi đã tồn tại bấy lâu trong suy nghĩ của mỗi chúng ta: “Học toán ra đời để làm gì?”.
Toàn đã trả lời: “Việc học toán không chỉ giúp chúng ta phát triển tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề, mà còn mở ra nhiều cơ hội trong cuộc sống và sự nghiệp. Hơn nữa, toán học còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, từ những hiện tượng tự nhiên đến các quy luật xã hội, qua đó, có thể phát triển phần mềm, nghiên cứu y học, đến việc xây dựng các mô hình kinh tế" (theo: Huyên Nguyễn - Báo Dân trí). Người viết cho rằng, sự lựa chọn ngành nghề nào cũng sẽ như một đề thi, một câu hỏi và thực tế công việc sẽ cho chúng ta một đáp án bất ngờ, thú vị và đáng suy ngẫm.

Như nhà thơ người Mỹ Maya Angelou (1928-2014) từng nói: “Chúng ta có thể gặp nhiều thất bại nhưng chúng ta không được bị đánh bại”, sự thành đạt và hạnh phúc của mỗi người sẽ là đáp án cho cuộc đời này. Nhưng, trước khi đạt được điều đó thì những giải pháp để thích nghi với chính thực tại, yêu cầu của thời đại là rất cần thiết. Trước khi xác lập chỗ đứng, bạn phải làm sao để không bị đào thải.
Chúng ta hãy thử nghe TS. Phạm Hiệp, một nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học chia sẻ điều này trên Báo Dân trí. Theo ông, có 4 chữ cái quan trọng như một chiến lược, bao gồm: “Chữ V - value, tức là giá trị: Người trẻ ngày nay nên tập trung xây dựng và trang bị cho mình những năng lực, kỹ năng có thể đem lại giá trị cho xã hội, cho tổ chức. Khách hàng và người sử dụng lao động ngày nay cần những người có khả năng tạo giá trị (add value) cho họ trong việc xử lý các vấn đề, tăng năng suất, gỡ được vướng mắc, trả sản phẩm được đúng hạn. Những danh hiệu, giải thưởng, trường hàng đầu, học vị cao”;
“chữ R - rare, tức là hiếm: Giá trị mà người trẻ có (ở chữ V) sẽ được nâng tầm nếu giá trị đó có thêm chữ R - hiếm. Điều đó nghĩa là năng lực cạnh tranh của người trẻ được nâng tầm lên một đẳng cấp cao hơn”; “chữ I - inimitable, tức là không dễ bắt chước: Giá trị vừa V, vừa R, giờ mà thêm I - không dễ bắt chước thì có nghĩa là người trẻ đã có một lợi thế cạnh tranh bền vững, bắt đầu nghĩ đến chuyện kén việc làm”; “chữ N - non substitutable, tức là không dễ thay thế: Vừa có V, vừa có R, vừa có I lại có thêm N - không dễ thay thế thì người trẻ sẽ trở thành nhân sự mà bất cứ tổ chức nào cũng cần”.
Trong 4 chữ quý giá ấy, người viết tâm đắc nhất với chữ N (non substitutable: không thể/dễ thay thế). Thoạt đầu, khi mới đọc cụm từ này nhiều người sẽ chắc mẩm: đó chỉ là chuyện của đời sống công nghệ khi chiếc xe hơi, chiếc tivi, chiếc điện thoại hay gần hơn nữa là các mẫu mã thời trang, mỹ phẩm của chị em phụ nữ... chứ tôi là một kĩ sư, giáo viên giỏi, lái xe kinh nghiệm, kế toán có thâm niên và nhất là một nghệ sĩ có tài năng đã được khẳng định thì không thể có chuyện đó xảy ra.
Nói đến đây, tôi bỗng nhớ ra một chuyện khá thú vị. Một lần tình cờ khi đang ngồi uống cà phê với người bạn thân, tôi nhận ra bàn bên cạnh đang có 3 người bạn khác đã lâu không gặp. Họ là những người làm thơ và đang nói với nhau về những bản nhạc do AI phổ từ thơ của họ do một vài người gửi tặng. Trong đó, họ nói rằng phần verse (phiên khúc) có thể chấp nhận được nhưng riêng phần bridge (cao trào) thì quá nhợt nhạt, nhảm nhí, đúng là... không phải con người làm ra có khác.
Khi người bạn của tôi đã về, tôi kéo ghế sang ngồi cùng họ và góp bàn một ý kiến nhỏ: Chúng ta hãy nhớ lại xem khi Nữ vương Anne I (Anh) cấp bằng sáng chế máy đánh chữ cho Henry Mill vào năm 1714, hẳn không ít người hằng ngày viết chữ bằng bút mực sẽ có phản ứng. Tương tự như thế, khi cây guitar điện đầu tiên (vivi-tone) ra đời năm 1933 cũng bị ngó lơ và không nói đâu xa, kể cả chiếc smartphone đầu tiên có tên là Simon, do IBM sản xuất năm 1993 (với màn hình cảm ứng LCD với 2 màu trắng/đen, đọc văn bản điện tử, lịch làm việc, máy tính và sổ danh bạ...) cũng đâu có nhận được lòng tin của khách hàng. Thế rồi, chúng ta đã thấy máy đánh chữ, guitar điện, smartphone... đã làm thay đổi thế giới như thế nào. Chúng ta chấp nhận thực tế sẽ phải chung sống với những hiện tượng mới ấy như hai ngả đường, hai sự lựa chọn, thậm chí vĩnh viễn đoạn tuyệt với cái cũ.

Kết thúc câu chuyện, chúng tôi đều nhìn nhau và tự hỏi: Chúng ta phải làm gì để không dễ/bị thay thế? Đương nhiên, không thể thụ động “chịu trận” bằng sự lạc hậu, tụt hậu mà phải nắm bắt những “cơ hội trong cuộc sống” như tâm sự của bạn sinh viên trẻ Trần Bảo Toàn. Nhưng, cơ hội ấy nhất định không phải sự lừa dối cộng đồng từ uy tín cá nhân của mình như cái kết cho “chuỗi” thất vọng về những “người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật” là một thanh niên được chúng ta yêu mến bị khởi tố. Sự việc ấy khiến cộng đồng thất vọng về một thần tượng nhưng cũng thêm tin tưởng bởi sự công bằng của pháp luật. Chẳng có thứ giả tạo nào tồn tại được trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Sự lựa chọn khách quan của cuộc sống là vị giám khảo công tâm nhất.
Cơ hội để không bị thay thế chính là việc tự làm mới mình, nắm bắt xu thế phát triển mau lẹ. Tuần qua, khi đọc được những thông tin về hạ tầng số ở Việt Nam, tôi cảm thấy rất ấn tượng. Theo tác giả Lưu Quý trong bài "Những bước tiến trong hạ tầng số Việt Nam" trên vnexpress.net nêu một thống kê: “Hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp. Số lượng tài khoản người dùng trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID đã kích hoạt đạt 55,25 triệu, có 14,2 triệu hồ sơ giấy phép lái xe tích hợp lên ứng dụng. Một số dịch vụ mới được triển khai trên VNeID như thực hiện đăng ký xe nhập khẩu; cập nhật, điều chỉnh thông tin đơn vị hành chính khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến tháng 3, số chứng thư chữ ký số đã được cấp đạt 15,1 triệu”.

Bạn đừng nghĩ rằng, mọi tiện ích mà chính quyền số, xã hội số mang lại chỉ dừng lại ở những thủ tục hành chính mà còn cho thấy chúng ta đã luôn sẵn sàng đón nhận, tiếp thu và tiếp biến. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao nghệ thuật đương đại ngày càng đến gần với dân gian, dân tộc khi những "Bắc Bling", triển lãm nghệ thuật “Té Tất Té Đák” (Đẻ Đất Đẻ Nước) tại Sun Life Flagship - De La Sól (244 Pasteur, quận 3) của họa sĩ Thu Trần; vở kịch “Ngày xưa” (lấy cảm hứng từ 3 câu chuyện dân gian nổi tiếng: “Thần trụ trời”, “Con rồng cháu tiên” và “Sự tích trầu cau”) do Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH phối hợp với Viện Pháp tại Việt Nam thực hiện... được công chúng hào hứng đón nhận.
Đó là một con đường nghệ thuật phát triển trên nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc dù vận dụng các phương pháp sáng tác, biểu diễn hiện đại. Hay, nói cách khác, các nghệ sĩ ấy đã tìm thấy chỗ đứng trong lòng công chúng để không bị thay thế, bị lép vế trong đời sống tinh thần hôm nay.
Để không bị thay thế là câu hỏi, là bài toán nhưng cũng là cảm hứng của mỗi người.