Đánh thức di sản công nghiệp
Di sản công nghiệp không còn là một khái niệm mới ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam, đây vẫn còn là một vấn đề xa lạ. Nhiều năm gần đây, các tổ chức, các nhà nghiên cứu, những người yêu di sản đang nỗ lực truyền thông và kiến tạo để tạo nên những di sản công nghiệp tại Thủ đô, nhưng hành trình vẫn còn nhiều gian nan.
Thời gian qua, những người yêu di sản lại xôn xao vì một khu nhà thời thuộc địa nữa bị phá dỡ ở Hà Nội. Quần thể này ít gây chú ý do cách thiết kế "quay lưng ra đường" như 1 nhà tu kín với cổng vào tại 61 Trần Phú. Tuy nhiên, ẩn giấu bên trong lại là một trong những cấu trúc công nghiệp đẹp và còn nguyên bản nhất ở Hà Nội trong 100 năm qua.
Đó là Xưởng cơ khí và kho bưu điện Trung ương do người Pháp xây dựng vào năm 1925 trên nền cũ của pháo đài góc Tây Nam thành Hà Nội thời Nguyễn, nay là Công ty Thiết bị Bưu điện. Tất cả tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng đầy tính hiện đại nhiệt đới hầu như không thấy ở các nhà máy khác tại Hà Nội. Nhìn bề ngoài, nó giống như nhà triển lãm, bảo tàng hay một hội trường đa năng hơn là cơ sở công nghiệp. Không những vậy, nếu so sánh hình ảnh nhà máy trên bản đồ Hà Nội năm 1925 với Google map 2022 sẽ thấy hình dáng xưởng không hề thay đổi qua gần 1 thế kỉ, đây là trường hợp vô cùng hiếm.
Nhóm "Vì một Hà Nội đáng sống" đánh giá: "Có lẽ rất ít nhà máy cổ ở Việt Nam hiện nay sánh được với công trình này đồng thời ở cả 2 yếu tố: sự nguyên bản và tính độc đáo trong kiến trúc. Về mặt đô thị, xưởng cơ khí bưu điện cùng với các công trình liền kề trên đường Trần Phú là Tu viện Carmel (nay là 1 phần bệnh viện St Paul), bệnh viện St Paul, trường nữ sinh (nay là Bộ Tư pháp) đã tạo nên vẻ đẹp đồng bộ cho khu vực về tỷ lệ, chiều cao, phong cách kiến trúc. Dù không mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhưng với vai trò là một bộ phận không thể tách rời của hình ảnh đô thị tổng thể khu phố Pháp và giá trị độc đáo của kiến trúc cùng tình trạng nguyên bản có một không hai của mình, xưởng cơ khí bưu điện có lẽ xứng đáng được bảo tồn ít nhất là một phần cùng với những cây xanh gắn với nó để trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo, một không gian cộng đồng giữa một đô thị mật độ quá cao, thay vì trở thành một phức hợp thương mại. Nếu làm được thế Hà Nội "thành phố sáng tạo" sẽ có một không gian đẹp không kém không gian sáng tạo nổi tiếng 798 Bắc Kinh ở ngay giữa lòng nội thành. Tuy nhiên, sau 100 năm tồn tại, cấu trúc đẹp đẽ này đã thực sự "trăm tuổi" theo nghĩa bản địa".
Tuy sự việc đã dừng lại trước áp lực của báo chí và dư luận, nhưng đáng tiếc, công trình này đã bị phá dỡ gần xong. Hiện trạng và những vẻ đẹp của khu nhà máy đã không còn.
Từ câu chuyện của khu nhà 61 Trần Phú và rất nhiều khu nhà máy bị phá bỏ trong thời gian qua cho thấy, ở nước ta chưa thực sự coi trọng các giá trị của di sản công nghiệp. Khái niệm này vẫn còn xa lạ ở Việt Nam. Các nhà máy cổ chưa bao giờ được đánh giá nghiêm túc về giá trị di sản kiến trúc đô thị và xem như những thứ đáng phải cân nhắc giữ gìn.
Từ cuối năm 2020, dự án "Biến những nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo" đã được nhóm "Vì một Hà Nội đáng sống" khởi động. Xuất phát từ những khảo sát thực tế về hiện trạng các di sản công nghiệp tại Hà Nội và các đô thị lớn, cho thấy, chúng ta đang sở hữu rất nhiều nhà máy cũ có thể biến thành các không gian văn hóa sáng tạo, điều vô cùng cần thiết cho một thành phố sáng tạo mà Hà Nội đang hướng tới. Theo quy hoạch, khoảng 90 nhà máy, cơ sở công nghiệp được di dời ra ngoại thành, trong đó có nhiều công trình có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử, có thể giữ lại và chuyển đổi thành các không gian văn hóa sáng tạo.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sư phá hủy của nhiều cơ sở công nghiệp có giá trị di sản như Nhà máy đóng tàu Ba Son (thành phố Hồ Chí Minh), nhà máy Cơ khí Hà Nội, nhà máy Dệt 8-3, nhà máy Bánh kẹo Tràng An. Các nhà máy này đều đã bị phá bỏ và biến thành những chung cư thương mại.
PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan, phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng cũng khẳng định: "Các cơ sở công nghiệp quy mô lớn thường gắn với lịch sử thuộc địa hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa của các địa phương, quốc gia. Nó là những vật chứng giúp chúng ta kể các câu chuyện về nơi chốn và thành phố, chính là duy trì bản sắc của các đô thị. Cần xem các nhà máy cũ là cơ hội quý báu, từng bước hiện thực hóa không gian và cộng đồng sáng tạo. Đây là những quỹ đất trống cuối cùng, nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, chúng ta sẽ mất mãi mãi".
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cũng cho rằng: "Chúng ta đang sở hữu một gia tài các di sản công nghiệp nhưng chúng ta chưa hiểu hết giá trị của nó. Đó là điều đáng tiếc vì các di sản này chứa đựng trong nó câu chuyện của lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của thời đại. Nó không phải là các giá trị được quy đổi bằng vật chất nên chúng ta chưa hiểu được, nhưng nếu mất nó, thành phố chúng ta sẽ mất đi những giá trị quan trọng để kiến tạo nên một thành phố phát triển theo định hướng công nghiệp văn hóa".
Thực tế, di sản công nghiệp được các nước phát triển chú trọng từ rất sớm. Đó là những công trình nổi tiếng như 798 Art Zone tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc, được xây dựng từ một liên hợp nhà máy với tổng diện tích 60 ha vào những năm 1950, nay chuyển thành một tổ hợp văn hóa nghệ thuật vô cùng hấp dẫn trên nền tảng không gian và các công trình công nghiệp cũ. Khu 789 Art Zone
Khu 789 Art Zone đã thu hút hơn 75 triệu khách và là nơi diễn ra các sự kiện văn hoá quốc tế và quốc gia như Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh, hay tuần lễ thiết kế Bắc Kinh. Hay dự án hợp tác khu La Friche la Belle de Mai, Pháp. Tiền thân là nhà máy Seita, La Friche la Belle de Mai ngày nay là điểm đến của sự sáng tạo và đổi mới, vừa là không gian làm việc của 65 tổ chức (gồm 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhân viên làm việc hàng ngày tại đây), vừa là nơi lan tỏa giá trị (600 đề xuất nghệ thuật được công bố mỗi năm thông qua những hội thảo non trẻ cho đến các liên hoan lớn và lâu đời).
Đó là những câu chuyện truyền cảm hứng từ các nước phát triển mà chúng ta cần học hỏi để tận dụng tối đa những giá trị mình đang có. Năm 2019, Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới thành phố công nghiệp sáng tạo của UNESCO. Đó là cơ hội và cũng là thách thức để phát triển. Một trong những điểm nhấn của thành phố công nghiệp sáng tạo đó là những không gian sáng tạo. Hiện nay, hầu hết các không gian sáng tạo tại Hà Nội đều do các cá nhân yêu văn hóa và di sản tự tạo lập và vận hành. Họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm và thuê địa điểm.
Trong khi đó, tại Hà Nội và các thành phố lớn đang sở hữu khá nhiều không gian có thể tạo dựng thành không gian sáng tạo như công ty Diêm Thống Nhất, nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy Dệt kim Đông Xuân... Đó là những công trình mang kiến trúc đặc trưng của một giai đoạn. Chúng ta rất cần nghiên cứu khi chuyển đổi để phát triển mà vẫn gìn giữ được các giá trị mang đậm dấu ấn của một giai đoạn lịch sử thay vì đập bỏ và thay vào đó là những tòa nhà cao tầng. Chính những không gian này sẽ góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú cho đời sống văn hóa Thủ đô, tạo bản sắc riêng cho các đô thị.
Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa - Giáo dục của Quốc hội: "Việc giữ gìn các khu di sản công nghiệp giúp chúng ta lưu giữ được ký ức, bản sắc và đặc biệt nó không tạo ra áp lực đô thị hóa. Đó là giải pháp tốt để chúng ta xây dựng thành phố hiện nay. Chúng ta cần có sự chung tay của nhà nước, các doanh nghiệp và tư nhân trong việc quản lý và phát huy giá trị của các di sản công nghiệp. Cần có một chính sách nhất quán để xây dựng và thực hiện các dự án, tạo cho các khu công nghiệp, nhà máy cũ một sức sống mới, góp phần phát triển bản sắc các đô thị".