Đằng sau những bức hình vô tư

Thứ Năm, 04/11/2021, 12:18

Cuộc chiến chống lại các hành vi vi phạm bản quyền tại Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt. Mỗi năm trôi qua, chúng ta đều thấy vô số biên kịch, đạo diễn, diễn viên của những tác phẩm thành công phải đăng tải thông tin cảnh cáo, cầu xin khán giả không phát tán nội dung, hình ảnh phim trái phép.

Đôi khi, những nhà báo trong quá trình làm nghề cũng “lỡ tay” vượt qua khỏi lằn ranh lấy tin để rồi vô tình vi phạm bản quyền. Đó là khi họ say mê với cảm xúc, thích thú với những phát hiện mới và muốn viết nên những bài viết độc quyền. Thông thường, các nhà báo sẽ rào trước cho việc tiết lộ nội dung của mình bằng một câu cảnh báo ngay đầu bài. Nhưng đôi khi họ quên, họ đã diễn ngôn hoàn toàn một phân đoạn, chia sẻ một hình ảnh lén chụp được hay tiết lộ bí mật lớn nhất của bộ phim.

Ekip sản xuất luôn phải tính toán rất kỹ về việc chi tiết nào sẽ được tiết lộ đến công chúng trước thông qua các sản phẩm truyền thông để vừa đảm bảo nội dung phim, vừa kích thích sự hiếu kỳ của người xem và lôi kéo họ ra rạp. Vì vậy, việc nội dung bị tiết lộ ngoài vòng kiểm soát không chỉ khiến trải nghiệm của khán giả khi xem phim thiếu đi sự bất ngờ, thú vị mà còn khiến nhiều người mất hứng thú ra rạp để “khám phá” tác phẩm. Trong một số trường hợp, việc đọc trước lời bình của người khác còn khiến cho người xem vô tình có định kiến với tác phẩm, từ đó, cảm nhận cũng không khách quan, trọn vẹn.

Những vấn đề trên sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về doanh thu cũng như đánh giá chất lượng của phim. Vì vậy, việc quán triệt chặt chẽ vấn đề bản quyền và đặt ra giới hạn cho những gì có thể tiết lộ là rất quan trọng, đặc biệt với cơ quan báo chí hay người nổi tiếng, những đối tượng có thể tiếp cận đến đông đảo công chúng. Càng quan trọng hơn, trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đang ngày càng sản sinh ra những tác phẩm chất lượng, được đầu tư cả về công sức lẫn tiền bạc và xứng đáng được tôn vinh. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng khán giả về vấn đề bản quyền vẫn chưa cao.

Thế nhưng, nhà báo cần làm gì để bài viết của mình mang lại giá trị tích cực cho nền điện ảnh? Trong những năm gần đây, vấn nạn tiết lộ tình tiết phim không chỉ bị người làm nghệ thuật mà cả khán giả lên án gay gắt. Những bài báo hay thậm chí là các bài viết chia sẻ trên mạng xã hội nếu có tiết lộ bất kì chi tiết nào trong phim đều phải ghi chú điều này ngay trên đầu bài để khán giả cân nhắc. Thậm chí, đối với những cú ngoặt (plot twist) quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với mạch truyện của tác phẩm, việc tránh tiết lộ hoặc chỉ tiết lộ sau khi bộ phim được công chiếu đủ lâu là điều mà người viết nên cân nhắc. Từ đó, mọi ý đồ của biên kịch, đạo diễn có thể trực tiếp tiếp cận đến khán giả mà không bị ảnh hưởng bởi bất kì tác nhân bên ngoài nào.

Thông thường, trước khi ra mắt, ekip sản xuất luôn tổ chức những buổi công chiếu sớm dành riêng các khán giả đặc biệt như nhà báo, người nổi tiếng. Tại những buổi công chiếu này, đại diện phía ekip đôi khi sẽ thông báo về các yếu tố mà báo chí không nên tiết lộ trong bài viết của mình. Tuy nhiên, nếu không được lưu ý trước, những bài viết có yếu tố bình luận, nhận xét hay tiết lộ nội dung phim đều ngầm quy ước sẽ đăng tải sau khi phim đã công chiếu, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tác phẩm nói riêng và công sức sản xuất của ekip sản xuất nói chung.

Cuộc chiến giúp nâng cao nhận thức của người xem đối với vấn đề bản quyền tại Việt Nam vẫn còn rất dài với nhiều khó khăn. Báo chí cần nỗ lực để hỗ trợ hết mình cho các nhà làm phim cũng như Cục Điện ảnh. Việc nhận thức rõ hơn về những gì có thể và không thể tiết lộ trong bài viết sẽ giúp báo chí cải thiện hình ảnh của mình, đồng thời trở thành “tấm gương” cho khán giả. Mưa dầm thấm lâu, khi chúng ta cùng cố gắng thì mọi thứ rồi cũng sẽ đi về quỹ đạo đúng của nó.

Khải An
.
.