Cửu đỉnh triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Lan tỏa giá trị nghệ thuật từ di sản

Thứ Sáu, 24/05/2024, 15:04

Ngày 8/5 vừa qua, tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, Hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua hồ sơ của Việt Nam và "Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" đã chính thức trở thành di sản tư liệu thứ 10 được UNESCO vinh danh.

Mang những giá trị về tư liệu, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử... hết sức đặc biệt, việc phát huy giá trị di sản từ Cửu đỉnh đã được một nhóm họa sĩ trẻ quan tâm, thực hiện từ năm 2022.

Giá trị độc đáo

Đến nay, trong 10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh, có 3 là Di sản tư liệu thế giới và 7 là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, 3 Di sản tư liệu thế giới gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Châu bản triều Nguyễn. Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa), Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) và Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.

Cửu đỉnh triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Lan tỏa giá trị nghệ thuật từ di sản -0
Cửu đỉnh đặt trong sân Thế Miếu của Hoàng cung Huế.

Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn, từ năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là "Bảo vật quốc gia". 9 chiếc đỉnh đồng được Vua Minh Mạng ra lệnh đúc năm 1835, đến tháng 3/1837 (tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 18) thì được đặt trong sân Thế Miếu từ đó đến nay. Cửu đỉnh từ khi ra đời được xem là biểu tượng cho sức mạnh, sự thịnh vượng của triều đình nhà Nguyễn và là di sản biểu tượng đỉnh cao của văn vật Đại Nam được đúc trên Cửu đỉnh: mỗi đỉnh đều được đúc nổi hoàn thiện 17 hình ảnh bao gồm các loại hình như lãnh hải, sông núi, thiên tượng, thuyền bè, vũ khí, kiến trúc, xe kiệu, muông thú, thảo mộc và 1 chữ Hán mang tên đỉnh (Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh).

Trên Cửu đỉnh, tất cả các cảnh vật được chọn lọc và sắp xếp theo số 9 như: 9 ngọn núi lớn gồm: Thiên Tôn, Ngự Bình, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ Sơn, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang...; 9 sông lớn gồm: sông Hương, sông Gianh, sông Lô, sông Mã, sông Lam, sông Bạch Đằng, sông Thạch Hãn, sông Hồng... Các nghệ nhân đúc đồng thời Nguyễn với tay nghề cao, trình độ điêu luyện và tinh xảo đã thể hiện một cách khái quát, súc tích nhiều cảnh vật nổi tiếng, mang đặc trưng tiêu biểu từ mọi miền đất nước trải dài từ Bắc xuống Nam, từ đất liền ra biển đảo. Qua đó, nhà Nguyễn cũng xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên 3 chiếc đỉnh lớn nhất gồm: Đông Hải (vùng Biển Đông, khắc trên Cao đỉnh); Nam Hải (vùng biển phía Nam đất nước, khắc trên Nhân đỉnh); Tây Hải (vùng biển phía Tây, khắc trên Chương đỉnh).

Tất cả 162 bức chạm khắc đúc đồng trên Cửu đỉnh đều là những bức chạm độc lập, hoàn chỉnh - sản phẩm của sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc - chạm nổi đồ đồng của Việt Nam. Đó còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình, đạt khái quát thành một "dư địa chí", "bách khoa toàn thư" về một quốc gia Đại Nam giàu có và cường thịnh dưới thời Minh Mạng. Nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm này được giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài rất quan tâm, bởi những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thư pháp, địa lý, phong thủy...

Đồng thời, cũng có thể coi đây là một bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật tinh tế của những nghệ nhân tài hoa của Việt Nam, biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống  nhất, thịnh vượng của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Gần 2 thế kỷ đã qua đi, đến nay Cửu đỉnh vẫn là những di sản nguyên gốc, độc bản và được bảo tồn nguyên vẹn về hình dáng và vị trí như ban đầu. Đó chính là lý do "Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lan tỏa giá trị đặc biệt của Cửu đỉnh qua tranh khắc gỗ

Từ năm 2022, với mong muốn, tôn vinh và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật của tiền nhân, nhóm các giảng viên, họa sĩ và sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội gồm: họa sĩ - PGS.TS Trang Thanh Hiền, Trần Mỹ Anh, Vũ Phương Anh, Nguyễn Thị Thu Nga, Phạm Thị Ngọc Linh, Trần Quốc Đức... đã nghiên cứu, lập dự án nhằm thực hiện bộ tranh khắc gỗ về đất nước Việt Nam từ những bức chạm khắc trên Cửu đỉnh mang tên "Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn".

Trong 2 năm qua, với mong muốn tôn vinh những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, các họa sĩ đã làm việc rất nghiêm túc, say mê, tích cực, cho ra đời gần 60 tác phẩm tranh khắc gỗ lấy cảm hứng từ hình mẫu các bức đúc đồng trên các đỉnh. Các tác phẩm tranh khắc gỗ này không chỉ cơ học là sự chuyển thể từ các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh mà còn hướng tới sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới trong cái nhìn "đối thoại thẩm mỹ" giữa cái cũ ổn định và cái mới tiếp biến, giữa quá khứ và hiện tại. Hình thức này vừa dựa trên ngôn ngữ nghệ thuật khắc gỗ dân gian (như lối cắt mảng, tạo nét), kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ hiện đại (như cách tạo không gian bằng chính những nét khắc, tạo mache) để tạo nên sự rung cảm khác biệt ở mỗi bức tranh khắc gỗ.

60 tác phẩm tranh khắc gỗ này đã được nhóm họa sĩ ra mắt tại triển lãm "Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế từ ngày 19 đến 25/3/2024, trong đó 52 bức tranh khắc gỗ - in trên giấy dó kích thước 20x30cm, còn lại là ván khắc. Nhiều tác phẩm của triển lãm đã gây ngạc nhiên, thích thú cho công chúng TP Huế cũng như những người nghiên cứu, quan tâm đến di sản như: "Cây đào" - ván khắc gỗ, "Chim uyên ương" - ván khắc gỗ, "Ngạc Ngư" (con cá sấu) - ván khắc gỗ, "Chiếc thuyền gỗ có mái chèo" - tranh khắc gỗ, "Cây kỳ nam" -  tranh khắc gỗ, "Cây ngô đồng" - tranh khắc gỗ, "Con dê" - tranh khắc gỗ...

PGS.TS Trang Thanh Hiền chia sẻ: "Dự án này không chỉ dừng lại ở việc chuyển thể hình mẫu đúc đồng thành những bức tranh khắc gỗ, chúng tôi còn hướng đến sự sáng tạo phát triển, nhằm tạo nên và gợi ý những giá trị tiếp cận mới. Những tác phẩm tiếp nối mạch nguồn từ Cửu đỉnh cho thấy một cách nhìn khác với di sản, chính là một phần quan trọng của cuộc triển lãm lần này. Thay vì xem Cửu đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật tranh khắc gỗ, các họa sĩ tham gia dự án mong muốn "tiếp thị" Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam...".

Cửu đỉnh triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Lan tỏa giá trị nghệ thuật từ di sản -1
Một số tác phẩm của nhóm họa sĩ trong dự án "Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn".

Nhấn mạnh sự độc đáo, riêng biệt, chứa đầy tinh thần tự tôn dân tộc trong các bức hình họa được đúc trên Cửu đỉnh, họa sĩ Trang Thanh Hiền thông tin thêm: "Trong nghệ thuật dân gian của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm được làm dựa trên nghệ thuật của Trung Quốc, nhưng riêng về Cửu đỉnh của triều Nguyễn, Vua Minh Mạng đã cho các nghệ nhân đi vẽ lại các thắng cảnh cũng như các sản vật của đất nước để tạo nên những hình mẫu biểu tượng được chạm khắc trên đỉnh đồng. Đây chính là mấu chốt quan trọng để dự án "Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn" ra đời. Việc chuyển thể những hình vẽ trên đỉnh đồng sang tranh khắc gỗ - ván khắc, sẽ mang được những hình ảnh tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt đi ra với công chúng rộng rãi và mang tính phổ quát hơn...".

Thông tin "Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các họa sĩ tham gia dự án trên đã có thêm động lực để tiếp tục nối dài và phát triển dự án. Họ đang nỗ lực làm việc, sáng tạo để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc gỗ tiếp theo và đạt con số 153 tác phẩm từ các bức chạm đúc trên Cửu đỉnh (trừ 9 chữ là tên các đỉnh).

Dự kiến, từ nay đến tháng 9/2024, sẽ có khoảng trên 30 tác phẩm nữa ra đời và một triển lãm tiếp theo của "Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn" sẽ được tổ chức tại Hà Nội như một sự kiện nghệ thuật lan tỏa việc "Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần vào việc tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc.

Nguyệt Hà
.
.