Cười trên những sai phạm

Thứ Năm, 02/02/2023, 07:00

Có thể nói, nhạc chế là một đặc sản của văn hóa cộng đồng người Việt. Yêu thích một giai điệu, nghĩ tới những điều xung quanh mình, người Việt thường có xu hướng chế lời cho giai điệu ấy. Nội dung đa dạng nhưng nói chung, chủ yếu lời nhạc chế vẫn có xu hướng hài hước, dí dỏm, thậm chí hơi… tục một chút.

Nói chung, nó như một thứ để giải tỏa, để tạo ''điểm nhấn'' khi gặp gỡ đông đảo bạn bè nhờ vào tiếng cười và tính bất ngờ của ca từ. Nhạc chế phổ biến đến mức nó có cả một sinh quyển riêng trong dân gian. Song, đưa nó lên thành một sản phẩm lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Nếu mở các ứng dụng xem nội dung trực tuyến qua Internet, chúng ta sẽ thấy nhan nhản các tiểu phẩm hài xuân Quý Mão này với phần nhạc chế trong kịch bản. Và không chỉ năm nay, không chỉ ở các tiểu phẩm Tết đơn thuần, nhạc chế xuất hiện với mật độ dày đặc trong đời sống sân khấu hài Việt. Nó như một thứ công cụ chủ yếu để gây cười, đến mức độ không ít người bắt đầu dị ứng với sự nhàm chán sáo mòn này.

Tạo ra một sản phẩm mà nó sáo mòn, nhàm chán, người nhận về hệ quả đầu tiên sẽ là chính các nghệ sĩ trình diễn. Không có sức hút, khán giả không mặn mà, nghệ sĩ sẽ mất dần chỗ đứng. Nhưng đằng sau nó còn là một câu chuyện khác, về luật, mà chính những biên kịch, những nghệ sĩ cần phải ý thức hơn khi bắt đầu một tiểu phẩm với cái xương sống là nhạc chế.

Nếu một khán giả bình thường, vì yêu thích một ca khúc nào đó, quyết định chế lời ra để hát cho vui khi trà dư tửu hậu, hành vi ấy không bị xem là sai phạm. Nhưng nếu là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa giải trí, chế lời cho một ca khúc để từ đó phát sinh doanh thu từ biểu diễn, quảng cáo vv và vv, hành vi chế lời này nằm dưới sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, mà cụ thể nhất là ở phần thuộc về "Quyền tác giả và Quyền liên quan".

Theo quy định của luật này, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là rất quan trọng. Tác phẩm như đứa con tinh thần của một tác giả, được bảo vệ chặt chẽ trước các chỉnh sửa, phái sinh… Bỏ lời gốc của một ca khúc và thay vào đó bằng lời chế của riêng mình chính là một hành vi có thể phát sinh vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Sở dĩ còn chữ "có thể" ở trên là còn phải xét tới mục đích sử dụng. Như đã nói ở trên, sử dụng mang tính chất cá nhân không phát sinh doanh thu sẽ không bị xem là vi phạm nhưng ngược lại thì chính là vi phạm.

Trong các chương trình Tết Quý Mão như "Gặp nhau cuối năm", "Xuân phát tài" vv và vv, có nhiều tác phẩm âm nhạc bị chế lời và khi được hỏi: "Có sự xin phép nào từ đơn vị sản xuất hay không?", đa số các nhạc sĩ đều cùng câu trả lời "Không". Thậm chí, có nhiều người còn không hề biết tác phẩm của mình đã được sử dụng theo cách "chế lại" như thế. Rõ ràng, đang có một kẽ hở trong khâu cấp phép phát hành cho những tiểu phẩm hài suốt thời gian qua. Nếu trong quá trình cấp phép có đòi hỏi nghiêm ngặt về văn bản thể hiện sự đồng ý của tác giả âm nhạc, chắc chắn sẽ nhiều tiểu phẩm hài hoặc phải huỷ diễn, hoặc phải có sự liên hệ với tác giả gốc để nhận về sự cho phép.

Và hơn nữa, trong các báo cáo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hiếm có tác giả âm nhạc nào nhận được tác quyền từ các bài hát bị chế lời cho những tiểu phẩm hài. Đây chính là bất cập lớn, tồn tại quá lâu năm và đòi hỏi sự chấn chỉnh ngay từ bây giờ, dù đã là khá muộn.

Văn Đoàn
.
.