Cuối năm nghĩ về những chuyến đi

Chủ Nhật, 04/02/2024, 07:13

Những chuyến đi mải miết trong năm để đến các điểm hấp dẫn hay trở về cố hương đều nói lên: Chúng ta đi để trở về tìm lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của tình người, lắng đọng từ các mối quan hệ xã hội và nhân lên những điều tốt đẹp cho năm mới từ ngày hôm nay…

Tiết trời giá rét cuối năm dường như không ảnh hưởng nhiều đến sự tất bật của chúng ta những ngày giáp Tết. Nhịp sống ngày càng trở nên mau lẹ với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là khi công nghệ tiên tiến đã len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống. Sáng qua, bác hàng xóm nói vui với tôi: “Chú này, Tết sau có khi AI giúp mình đi chợ sắm Tết cũng nên”. Tôi cười bảo bác: “Có khi bác lại còn được AI mừng tuổi nữa ấy chứ, nói vui thế thôi vẫn còn một việc ta phải tự làm đó là thưởng thức không khí Tết”.

Tết của người Việt là thế, mỗi hôm lại gần hơn. Tết ngày càng ấm áp, đủ đầy hơn. Mỗi gia đình nếu “tổng kết” lại sẽ thấy nào là năm qua đổi được xe, xây được nhà hay chí ít cũng làm được đôi ba việc lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng, liệu đó có phải là tất cả thành quả của chúng ta sau một năm hay không? Người viết e rằng đó chỉ là những gì hữu hình và hữu hạn. Đằng sau những giá trị vật chất ấy còn là sự tích lũy về tinh thần mà tự mỗi người sẽ "order" riêng cho mình những “thực đơn” của bảng giá trị.

không gian t%3ft vi%3ft t%3fi hoàng thành thang long giúp các th%3f h%3f hôm nay c%3fm nh%3fn t%3ft rõ nét hon-%3fnh huy lê.jpg -0
Không gian Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long giúp các thế hệ hôm nay cảm nhận Tết rõ nét hơn.

Trong một bài viết chia sẻ có nhan đề: “Học trải nghiệm và những khoảng lặng cuối năm,” tác giả Vĩnh Hà viết: “Mỗi dịp cuối năm, có biết bao nhiêu chuyến đi hối hả: Những chuyến tàu về với mẹ, chuyến xe mang áo ấm đến vùng cao, mang bánh chưng cho các em nội trú "Cơm có thịt", những chuyến bay chở Việt Kiều về ăn Tết, và cả những chuyến đi thanh lọc tâm hồn như những chuyến đi của thầy và trò mà tôi vừa theo...”.

Liệu “những chuyến đi thanh lọc tâm hồn” đó có gì khác so với các chuyến tham quan, du lịch, phượt… mà để lại trong lòng chúng ta những cảm xúc như thế? Người viết nghĩ rằng, điều quan trọng là chúng ta tích lũy được gì sau tất cả sự mải miết, sự háo hức và hy vọng ấy.

Dạo qua những trang báo và mạng xã hội hoặc bắt gặp trên phố xá là trend Tết sớm của năm nay. Từ “Trải nghiệm Tết sớm” ở Hoàng thành Thăng Long cho đến sự xuất hiện các linh vật, không gian trưng bày hay hoạt động trải nghiệm gói bánh, đón năm mới ở các trường học. Điều đó nói lên một xu thế khá rõ nét: Tết không còn là việc được nghỉ học, nghỉ làm theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” mà đang bước vào đời sống sinh hoạt cộng đồng như một lễ hội hiện đại. Xét từ góc độ giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa đó là điều đáng mừng nhưng có thật sự lắng đọng, thật sự ý nghĩa hay chỉ rộ lên nhất thời như vòng đời của các trend.

“Xách ba lô lên và đi” - câu nói của cô gái trẻ có tên của Huyền Chíp đã trở thành “tuyên ngôn” cho một cách sống hiện đại và khai phóng, tạo ra sức lan tỏa. Ngày nay, trong các gia đình, ngoài những chi phí khác, họ đã dành một phần không nhỏ để đầu tư cho du lịch.

Chủ nghĩa xê dịch từ thời cụ Nguyễn Tuân với tinh thần “luôn thay đổi thực đơn cho giác quan” được thế hệ trẻ khẳng định lại bằng những suy cảm mới thông qua sự tiếp thu những quan điểm du lịch hiện đại như: “Every trip is a big deal” (Mỗi chuyến đi là một giao dịch lớn); “Travel your way” (Hãy đi theo cách của bạn) và đặc biệt là: “Travel to live, live to travel” (Đi để sống, sống để đi).

Người Việt đặt chân đến khắp nơi trên thế giới và trong cả nước. Từ những điểm đến mạo hiểm, kì thú cho tới các làng quê bình dị, du khách trải nghiệm đời sống vật chất, tinh thần; họ vẽ lại, chụp lại vẻ đẹp của phong cảnh, trang phục, coi du lịch là một phần của cuộc sống chứ không bó hẹp trong ngôi nhà của mình. Có lẽ, cái tổ ấm truyền thống đã được hiểu theo một chiều kích lớn nhất, bao hàm cả những cuộc viễn du như thế.

ngu%3fi lao d%3fng s%3f c%3fm th%3fy %3fm lòng khi du%3fc s%3fa xe mi%3fn phí-%3fn an phuong.jpg -1
Người lao động sẽ cảm thấy ấm lòng khi được sửa xe miễn phí.

Nhưng, liệu có phải chúng ta cứ buộc chặt dây giày, “xách ba lô lên và đi”, đặt vé, đổ đầy bình xăng… là đã đến được với mục tiêu của mình. Cũng như, khi bạn vất vả vượt hành trình từ mấy chục, mấy trăm đến cả ngàn kilomet để về quê đón Tết với cha mẹ, ông bà là đã chạm đến sự sâu lắng nhất trong cõi lòng mình. Người viết cho rằng, "travel" đâu nhất thiết là những chuyến đi xa, ra khỏi phạm vi đời sống hàng ngày của mình mà điều quan trọng là bạn và tôi đã đạt tới những rung cảm như tác giả Vĩnh Hà đã nhắc đến trong bài báo nêu trên hay chưa.

Với chúng ta, sự rung cảm sau một năm đã qua là những gì? Đó phải chăng là thứ tài sản vô hình, không được định lượng, định giá nhưng lại quan trọng nhất. Thời gian là tài sản, là tiêu sản mà cũng là thước đo khách quan nhất của nhiều giá trị.

Nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein (1879 - 1955) từng nói: "Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hy vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi". Người viết tâm đắc với câu nói của bậc trí tuệ thiên tài ở chỗ ông khuyên chúng ta “không ngừng đặt câu hỏi". Dấu hỏi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự hồ nghi, với sự thắc mắc mà còn chỉ ra sự vận động của tư duy, giúp con người ta luôn đổi mới, sáng tạo, sống tốt hơn và cống hiến cho xã hội được hiệu quả hơn.

Nói đến đây, người viết chợt nhận ra có điều gì đó gắn kết giữa những chuyến đi và những câu hỏi. Đi để trả lời những câu hỏi và mỗi câu hỏi cũng là một chuyến đi trong tâm hồn mình.

Có một hình ảnh mà người viết ám ảnh nhất vào dịp cuối năm kể từ khi chúng ta có nền kinh tế thị trường đó là khi những người công nhân về quê đón Tết. Từ chỗ họ phải lo vé tàu, vé xe đến khi khấm khá hơn sắm được chiếc xe máy để chằng buộc từng bọc hàng, thùng hàng. Họ đem những thành quả của một năm về quê hương để chia sẻ với người thân, bạn bè, hàng xóm và cũng là cách thể hiện một thông điệp: Họ đã đi và đã gặp, đã hài lòng và còn trăn trở như thế nào về cuộc sống ở ngoài lũy tre làng.

Mỗi năm, xã hội lại chú ý hơn, ý thức mỗi người được nâng cao hơn về những giá trị thụ hưởng. Giờ đây, các doanh nghiệp, các tổ chức đã thực sự vào cuộc để cùng tạo ra một không khí ấm áp. Từ những thùng hàng được chằng sẵn vào sau xe của công nhân đến chú gà trống ngộ nghĩnh được phát cho từng người thợ đón Tết và mới đây nhất là câu chuyện có hơn ngàn chiếc xe máy của công nhân được sửa miễn phí ở TP Hồ Chí Minh để họ yên tâm lên đường về quê ăn Tết.

nh%3fng chuy%3fn tr%3f v%3f quê an t%3ft mang nhi%3fu ý nghia-%3fnh tr%3fn hu%3fn-báo van hóa.jpg -2
Những chuyến trở về quê ăn Tết mang nhiều ý nghĩa.

Một người công nhân bình dị như anh Trương Hồng Đức (công nhân nhà máy giày Thiên Lộc, Quận 12) đã thốt lên: “Tôi an tâm chạy về quê rồi” (theo: Lê Tuyết-vnexpress.net). Câu nói ấy cũng tựa như một tiếng reo khi mùa xuân đã đến với anh. Bạn nên nhớ rằng từ thành phố mang tên Bác đến Trà Vinh quê anh tuy chỉ hơn trăm cây số nhưng đó là hành trình của một cuộc đời. Con đường từ không gian sinh sống truyền thống ở các làng, bản, buôn, sóc… đến với các khu công nghiệp không chỉ đường đi làm mà còn là con đường của sự thích nghi, sự nhận thức.

Tết là kì nghỉ nhưng cũng là bước đà cho một năm mới mạnh mẽ, năng động hơn. Người lao động hôm nay cảm thấy ấm lòng đâu chỉ vì yến gạo, con gà, thùng mì mà còn cả ở sự quan tâm một cách thiết thực như thế. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn; Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố đã tặng cho họ những món quà ý nghĩa, thể hiện một sự trân trọng với những người đang ngày đêm trực tiếp xây dựng nên kinh tế đất nước.

Những chuyến đi mải miết trong năm để đến các điểm hấp dẫn hay trở về cố hương đều nói lên: Chúng ta đi để trở về tìm lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của tình người, lắng đọng từ các mối quan hệ xã hội và nhân lên những điều tốt đẹp cho năm mới từ ngày hôm nay…

Lâm Việt
.
.