COVID là “phép thử”

Thứ Tư, 04/08/2021, 20:04

Đợt bùng phát COVID-19 do biến chủng Delta này quả thực đang để lại những hậu quả quá lớn đối với đời sống xã hội Việt Nam. Có lẽ, sau những lần trải qua các đợt dịch nhỏ và ngắn kể từ đầu 2020, đây mới thực sự là lần đầu Việt Nam phải trải qua sự khắc nghiệt mà các nước khác đã từng nếm trải. Tất cả cùng tin tưởng rằng với sự đồng lòng, nhất quán và quyết tâm, rồi chúng ta sẽ vượt qua bạo dịch này để trở lại với đời sống bình thường.

Nhưng riêng với từng cá nhân, có lẽ đợt dịch COVID-19 bởi biến chủng Delta này không chỉ là lúc tập quen với các quy định mới như 5K, tập quen với tiết kiệm trong tiêu dùng, tập quen với đời sống tối giản hơn, mà đây còn chính là thời gian để mỗi con người tự hoàn thiện chính mình để có thể là một nhân tố cấu thành một xã hội văn minh hơn.

Thứ nhất là thử thách về thái độ và ý thức tuân thủ pháp luật. Thực tế, khi diễn biến dịch căng thẳng, song song với luật sẽ có thêm các văn bản pháp quy khác được đưa ra để đối phó với tình hình. Các nghị định, chỉ thị chính là dạng văn bản pháp quy như thế. Và nó đòi hỏi mỗi cá nhân một ý thức chấp hành nghiêm túc. Tập quen được ý thức ấy, chúng ta sẽ quen dần hơn với một thái độ thượng tôn pháp luật sau này.

Thứ hai chính là thử thách về cơ chế niềm tin. Việc giãn cách xã hội càng khiến thời gian mỗi người dành cho mạng xã hội nhiều hơn và do đó, họ cũng tiếp nhận nhiều luồng thông tin hơn. Có rất nhiều tin tức ngụy tạo nhằm mục đích lôi kéo đám đông hoặc tạo ra sự hoang mang, bất ổn trong cộng đồng. Chính vì vậy, mỗi người rất cần sự tỉnh táo để tạo ra một “bộ lọc” cho mình khi tiếp cận các thông tin này. Và việc tin hay từ chối tin một nguồn tin nào đó sẽ bắt nguồn từ việc tự xác định vị thế của bản thân mình, đặc biệt ở chỗ mình có đủ trình độ và kiến thức để lý giải một vấn đề nóng nào đó hay không.

Đơn cử như việc tiêm vaccine phòng COVID-19 chẳng hạn. Rất ít người có đủ kiến thức khoa học cũng như dữ kiện khoa học để có thể hiểu được đặc tính của từng loại vaccine phổ biến hiện nay. Nhưng đáng ngại là lại có quá nhiều người bàn luận về chất lượng vaccine và họ khiến cộng đồng bị dẫn dắt đến với những niềm tin lạc lối. Nếu có sự tỉnh táo để dám từ chối tham gia bàn luận ở lĩnh vực mà mình không hề có trình độ này, đó đã là một việc tốt mà bản thân mỗi người có thể làm để góp phần chống dịch rồi.

Tập quen với việc xử lý thông tin dựa trên cơ sở của các câu hỏi “ta có kiến thức về vấn đề ấy hay không?”, “ta có đủ độ tin cậy và tính chân xác khoa học để bàn luận về vấn đề ấy hay không?” nên là một việc mỗi người nên làm lúc này. Nó như một thử thách rất lớn, bởi việc tránh bị cuốn vào các xu hướng là rất khó, đặc biệt là những xu hướng sát sườn với đời sống của mình. Nhưng nó là một thử thách mà mỗi người cần vượt qua và nếu vượt qua được, bản thân mỗi người sẽ trở nên văn minh hơn rất nhiều.

Có nhiều thử thách khác nữa với mỗi cá nhân ở đợt đại dịch này, nhưng cơ bản, với người Việt, hai thử thách kể trên đang là thiết thực nhất. Và đó cũng là hai thói quen xấu bấy lâu nay đang phổ biến trong xã hội. Vượt qua thử thách ấy, song song với vượt qua dịch bệnh, chắc chắn xã hội Việt trong tương lai gần sẽ lành mạnh hơn rất nhiều.

Văn Đoàn
.
.