Công nghệ và văn hóa

Chủ Nhật, 02/07/2023, 10:29

Tiểu thuyết gia Norman Mailer từng nói: "Nền văn hóa đáng giá để ta có những mạo hiểm lớn lao. Không có văn hóa, chúng ta chỉ là những con thú dữ chuyên chế". Phải chăng, những "thú dữ" trên mạng xã hội, trong thời đại công nghệ cần phải được loại bỏ như thế. Hãy tự tạo lập và chia sẻ thứ văn hóa ấy thay vì những "gạch đá" rẻ tiền rồi sau cuối lại đổ hết lỗi lầm lên các tình huống công nghệ…

Tôi vừa đọc bài viết của tác giả Trí Quân trên Báo Tiền phong có nhan đề "Sự tráo trở của trí tuệ", chợt thấy giật mình như vừa nghe thấy một hồi chuông vang lên trong tâm trí: "Nhựa, hóa chất, nguyên tử, ChatGPT, AI cho đến mạng xã hội,… không ai có thể phủ nhận giá trị lớn lao của những phát minh này. Nhưng sự tráo trở của chúng (liên tưởng đến "Sự tráo trở của phương pháp", tên tiểu thuyết nổi tiếng của Alejo Carpentier) là điều hơn lúc nào hết, cần giật mình cảnh giác. Trước hết từ chính những chiếc áo blouse trắng trong các phòng thí nghiệm, cùng với việc xây dựng một hệ thống kiểm soát thảm họa tương lai đủ mạnh…".

Không biết sau khi nghe xong hai từ "tráo trở" này bạn thấy như thế nào? Ban đầu, người viết e rằng chúng ta đang đổ oan cho công nghệ bằng một tính từ mang đậm yếu tố xã hội và văn hóa. Đành rằng không thể chủ quan với khả năng phát triển không ngừng của AI khi mà phần mềm AlphaGo từng đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới Lee Se-dol vào ngày 9/3/2016, từ đó góp phần khiến con người thực sự phải cảnh giác. Tờ Daily Mail (Anh) đã nhận định: trí tuệ nhân tạo giống "con quỷ đang ngái ngủ".

các nhà khoa học đã dự báo về các nguy cơ, tình huống công nghệ tác động đến con người-ảnh fundcalibre.com.jpg -0
Các nhà khoa học đã dự báo về những nguy cơ, tình huống công nghệ tác động đến con người.

Câu chuyện về những rắc rối đã và sẽ còn xảy ra trong thời đại 4.0, nhưng thật ra trước đó đã có những bài học tiền lệ. Ví dụ như sau khi xuất hiện cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 2 và 3 đã xuất hiện hình ảnh nhân vật hài như Sác-lô hay Mr. Bean. Họ vừa buồn cười, vừa đáng thương, thậm chí một thời người ta còn thấy các nhân vật này ngớ ngẩn, lố bịch. Nhưng có điều, những tình huống, tình tiết hài của hai nhân vật đó đều xây dựng trên cơ sở những rắc rối của công nghệ, những góc khuất của một xã hội đang chạy theo hiệu quả và lợi nhuận tư bản.

Công bằng mà nói, dù phim hài có sử dụng thủ pháp phóng đại nhưng đâu đó ta vẫn nhận ra một vài yếu tố khá nghiêm túc: công nghệ đang như một con ngựa không cương thỏa sức tung vó. Thật đáng trách khi chúng ta chỉ quất "chiếc roi" tiện ích mà không nghĩ đến những nguy cơ phản tác dụng khi chưa kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh thói quen, sở thích sử dụng công nghệ là sự thiếu hụt những quy ước, quy chế văn hóa khá mới mẻ, có tính dự báo, tiên lượng trước mọi nguy cơ, thách thức trong chính đời sống xã hội của con người chứ không chỉ riêng sự đột phá của Artificial Super Intelligence - ASI (siêu trí tuệ nhân tạo).

Chỉ cách đây chừng một thập kỉ, nếu ai đó sở hữu một chiếc smartphone thế hệ đầu như Iphone, Motorola Milestone, LG Optimus 2X, Galaxy S II, Nokia Lumia 920… thì sẽ được coi là đón đầu công nghệ. Chúng ta đều mong, đều hy vọng vào tốc độ phát triển của xu thế này. Nhưng giờ đây khi thật khó để tìm được một chiếc điện thoại nào "không thông minh" trên tay mọi người, khi sóng wifi, sóng 4G phủ khắp mọi nơi, ta lại thấy lo lắng bởi sự tràn lan của những fake news (tin giả). Dĩ nhiên, đó là do có "lỗ hổng" từ thuật toán mạng xã hội nhưng có lẽ còn bởi một "lỗ hổng" khác nữa từ thói quen ưa hóng hớt và đưa tin ngoài luồng, tin "vỉa hè" của khá nhiều người dù đã ở thời 4.0.

nguy cơ đến từ văn hóa còn lớn hơn từ công nghệ-ảnh beautifulmindvn.com.jpg -1
Nguy cơ đến từ văn hóa còn lớn hơn từ công nghệ.

Như câu nói của biên tập tờ New York Sun vào thế kỷ 19 mà thạc sĩ ngành Truyền thông Bùi Minh Đức (học tại Đại học Clark, Mỹ) từng dẫn trên Báo Dân trí: "Nếu một con chó cắn một người đàn ông, câu chuyện không thành tin tức. Nhưng nếu người đàn ông cắn lại con chó, nó trở thành thông tin trên báo chí". Hóa ra, sự hiếu kì, tò mò, thích "quái, loạn, lực" được kìm nén, tích tụ bấy lâu nay khi gặp được thời đại bùng nổ thông tin bỗng cộng hưởng thành một "cơ chế" thu và phát thông tin tạp nham. Khi kĩ thuật, công nghệ cũng khó có thể kiểm soát được chất lượng tin tức, khó nhận ra nguồn phát hay động cơ phát tin là lúc chúng ta cần đặt dấu hỏi: Văn hóa ở đâu trong cơ chế điều tiết và thanh lọc? Chẳng lẽ, các thuật toán là bất bại, có thể tự tung tự tác trong thời đại kết nối này mà không có văn hóa nào có thể kiểm soát được?

Nhiều công ty trên thế giới đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát cảm xúc của nhân viên, của khách hàng, từ đó đưa ra điều chỉnh kịp thời. Ông Eric Berridge, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Bluewolf (IBM) từng nói: "Nếu khoa học cho chúng ta biết làm cách nào (how) để tạo ra được một sản phẩm, ngành nhân văn sẽ cho ta biết nên tạo ra những sản phẩm gì (what) và tại sao (why) cần phải có những sản phẩm ấy".

Chính khoa học nhân văn- đại diện của lĩnh vực văn hóa đã quyết định đến sự thành bại của sản phẩm thay vì chỉ dừng lại ở tiềm lực của kĩ thuật, công nghệ. Vậy thì, trước nguy cơ về hiểm họa, về sự tráo trở hay mất kiểm soát của công nghệ, trước sự khó kiểm soát của fake news… không có gì hợp lý hơn là sự tiến bộ, sự tiên phong của văn hóa. Văn hóa với tính dự đoán, với khả năng cảm hóa bằng cái đẹp của kĩ năng, đạo đức và lối sống trong thời hiện đại sẽ phải gánh trọng trách ấy. Văn hóa ở đây cũng không dừng lại ở việc tuyên truyền, kêu gọi mà cần đi vào đời sống bằng những quan điểm cụ thể, hành động ý nghĩa.

Nếu các thiết chế văn hóa trên môi trường số là cương mục lớn thì cần có những quy định và hành động kịp thời theo diễn biến đời sống từng ngày. Khi bạn đưa con đến trường, đón con về, bạn không để con phải ra đường phụ giúp công việc cho mình… và bạn tin rằng mình đã che chở tuyệt đối cho con. Xin thưa rằng nguy cơ con bạn bị bắt nạt qua mạng (Cyberbullying) chưa bao giờ là chuyện xa xôi.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: "Theo báo cáo nghiên cứu của UNICEF, cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Đáng lo ngại, 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu" (theo Báo Thanh niên). Khi cuộc sống không dừng ở những cánh cửa, những bước chân mà còn mở ra ở những cái vuốt tay, những cú kích chuột để kết nối thì những kẻ xấu vẫn có thể uy hiếp được con bạn. Những nề nếp gia đình, những lời răn dạy quát mắng của các vị phụ huynh lâu nay chỉ coi mạng xã hội là "quán trà đá" để đưa đẩy nghe ngóng tin tức sẽ chẳng mấy tác dụng trong "cuộc chiến" âm thầm mà quyết liệt này.

Dẫu không muốn nhắc lại, người viết vẫn phải dẫn ra đây một ví dụ đau lòng: "Bùi Q. H., học sinh một trường THCS tại Yên Bái, vào ngày 17/9/2016 sau khi đi học về đã bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường và đánh đập liên tiếp bằng tuýp cao su. Sau đó, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trong khi có rất nhiều bạn bè trong trường qua lại. Chưa dừng lại ở đó, clip em bị đánh còn được tung lên mạng. Em H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Ngày 24/9, em thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng và ngày 25/9, mẹ của em đã phát hiện con mình treo cổ tự tử" (theo: Khánh Linh-beautifulmindvn.com).

văn hóa sẽ giúp con người kiểm soát được trí tuệ nhân tạo-ảnhdiendandoanhnghiep.vn.jpg -2
Văn hóa sẽ giúp con người kiểm soát được trí tuệ nhân tạo.

Thật trớ trêu khi nạn nhân lại "thấy xấu hổ" thay cho kẻ gây tội thì chính là lúc chúng ta lại quên tự trách mình. Công nghệ dẫu thông minh như AI cũng không thể soi mói, dè bỉu, chê cười người khác mà chỉ có những kẻ thiếu văn hóa mới coi vết thương của đồng loại là miếng mồi hút máu. Văn hóa của thời đại công nghệ mới là liều vaccine, là tấm lá chắn để mỗi con người không phải đơn độc chống lại những tình huống những nguy cơ.

Tiểu thuyết gia Norman Mailer từng nói: "Nền văn hóa đáng giá để ta có những mạo hiểm lớn lao. Không có văn hóa, chúng ta chỉ là những con thú dữ chuyên chế". Phải chăng, những "thú dữ" trên mạng xã hội, trong thời đại công nghệ cần phải được loại bỏ như thế. Hãy tự tạo lập và chia sẻ thứ văn hóa ấy thay vì những "gạch đá" rẻ tiền rồi sau cuối lại đổ hết lỗi lầm lên các tình huống công nghệ…

Lâm Việt
.
.