Con người hôm nay cần gì ở Hổ?
Có mấy người bạn gái hỏi tôi: "Anh có thấy Tết này có gì đặc biệt không?". Tôi lặng lẽ để ý từ đêm ba mươi đến mồng một, rồi mồng hai và những ngày sau đó nhưng chưa thể tìm ra câu trả lời. Phụ nữ quả là những người nhạy cảm, họ nhận ra những điều khác biệt trong sự quen thuộc, cũ kĩ. Dần dà tôi ngẫm, có lẽ điều mà bạn tôi muốn nói ấy là tiếng chúc tụng ngày Tết.
Đúng vậy, giao thừa năm nay nhà tôi không có ai tới chúc như mọi khi, bên các nhà hàng xóm cũng vắng tanh trong những ngày sau đó. Biết đâu mai này chúng ta lại phải lật giở từ điển rồi "tầm nguyên" từ khóa: Chúc Tết là gì?
Nhưng ngược lại, khi tôi cầm chiếc smart phone lên thì không thể trả lời hết các tin nhắn chúc mừng của bạn bè trên zalo. Ở facebook cũng vậy, dường như họ đã đợi tôi ở đó từ rất lâu, họ đông đúc như đến dự tiệc cưới hay tiệc sinh nhật. Thay vì đưa ra những lời bình luận về nội dung caption mà tôi viết, bạn bè đã dành những lời chúc mừng hay nhất, đẹp nhất cho tôi. Đến cả những người cả năm qua không hề tương tác, tôi ngỡ mình và họ đã không còn là bạn bè trên mạng xã hội nhưng lúc này đã xuất hiện và rất thân thiện. Liệu có phải chúng ta đang kìm nén một cảm xúc trước mùa xuân hay nói cách khác: Mùa xuân này đang đến bằng một cách thật đặc biệt, phòng dịch nhưng không lánh đời. Người ta ít lang thang ngoài phố xá nhưng lại đang rất bận tâm với những chuyện đáng bàn, cần bàn.
Trước Tết ít hôm, dư luận có dịp xôn xao về các chú hổ (linh vật hổ) được dựng nên ở nhiều thành phố. Có người còn hài hước gắn biển số xe các tỉnh cho các "Chúa sơn lâm" ấy. Cũng lâu lắm rồi, ngoài những cây cảnh được cắt tỉa theo hình con giáp ít ỏi trên đường hoa ở một số thành phố lớn, chúng ta mới thấy biểu tượng của năm được xuất hiện một cách đông đúc và ồn ào đến thế. Đó là tín hiệu cho thấy sự trở lại của không gian cộng đồng sau khoảng thời gian nhường chỗ cho không gian giãn cách của từng cá nhân.
Xung quanh các linh vật này cũng tạo ra các luồng dư luận. Hổ phải uy vũ như trong tự nhiên với tính hoang dã, nguy hiểm hay phải được mĩ lệ hóa đi, nghệ thuật hóa đi thành biểu tượng văn hóa, thân thiện với cuộc sống mới là thành công? Bởi thế, người khen "ông Ba mươi" nơi này, người chê "Chúa sơn lâm" nơi khác quá hiền, quá ốm, quá cách điệu… Suy cho cùng đều là chuyện của tạo hình, của tiếp nhận. Hổ trong văn hóa nghệ thuật đã có từ lâu, nhưng cho đến hôm nay, biểu tượng hổ với không gian đô thị vẫn là sự mới mẻ, những người thiết kế cần lắng nghe, điều chỉnh, thay đổi và tích lũy. Những con đường, những công viên cần một biểu tượng của giới tự nhiên để tạo nên sự đa dạng thay vì chỉ có những cái cây được bứng về, lớn lên trong khung sắt cùng những bê tông, sắt thép sáo mòn.
Nhưng người viết đồ rằng, phản ứng trước những linh vật hổ hôm nay bắt nguồn từ chuyện "ông Ba mươi" ở ngoài cuộc sống. Trong tự nhiên, còn rất ít cá thể hổ nhưng trong các năm gần đây lại có đến 364 cá thể động vật này (tính đến cuối năm 2021) đang sống tại 22 cơ sở nuôi nhốt. Còn nhớ trong năm 2021, các lực lượng chức năng phát hiện ra 17 cá thể hổ được nuôi nhốt trái phép trong nhà một hộ dân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tôi chợt giật mình với ý nghĩ: Biết đâu một ngày, chúng ta chỉ còn thấy hổ phía sau những song sắt.
Điều đáng nói là, hổ có thể sinh sản để duy trì nòi giống nhưng cũng không thể thuần hóa như trâu rừng, bò rừng, chó sói, gà rừng… trong quá khứ để thành vật nuôi. Một sự bấp bênh của hổ trong cuộc sống trước các nguy cơ về sức khỏe, về những lợi ích. Liệu khi ấy, vị thế của "ông Dần", "ông Mãnh", "ông Ba mươi"… có bị lung lay trong suy nghĩ của chúng ta. Từ thiêng đến phàm, từ biểu tượng kiêng sợ đến món hàng lợi nhuận, năm hổ thật sự đáng để suy ngẫm.
Nhưng văn hóa luôn là môi trường sống đặc biệt, văn hóa có sự đào thải, thách thức khắc nghiệt nhưng cũng là nơi chăm bẵm, nâng niu các giá trị sống. Còn nhớ cách đây một giáp, năm Canh Dần 2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra tại Nga, Việt Nam đã cùng 12 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ như: Bhutan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm; từng bước phục hồi và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh về hổ.
Những động thái tích cực ấy không chỉ để bảo tồn một loài động vật quý hiếm mà còn là nỗ lực bảo tồn biểu tượng văn hóa như lời ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã chia sẻ: "Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, hãy cùng lan tỏa thông điệp tới gia đình và bạn bè không sử dụng cao hổ cốt và các sản phẩm từ hổ hoặc bất kỳ sản phẩm nào từ động, thực vật hoang dã bất hợp pháp. Khuyến khích gia đình và người thân tìm kiếm những sản phẩm và dược liệu thay thế. Hãy tố giác và ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép. Tiếng nói của mỗi cá nhân đều rất quan trọng. Cùng nhau chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi!".
Thông điệp của ngài đại sứ gợi cho chúng ta một suy ngẫm thú vị: Con người hôm nay cần gì ở hổ? Chúng ta cầu viện ở loài động vật hoang dã liều thuốc hồi sinh sức vóc, phục sức cho dục vọng hay muốn thể hiện đẳng cấp của con người. Nếu sừng tê giác, vảy tê tê, cao hổ cốt… được đồn thổi là thuốc quý thì răng lợn rừng, vuốt gấu, ngà voi… là trang sức quý nhiều khi để thể hiện đẳng cấp người có tiền, của dân "anh chị", dân làm ăn. Chính những suy nghĩ lệch lạc đã giết chết hổ chứ đâu chỉ từ cạm bẫy, súng săn; chúng ta một mặt thờ phụng nhưng đâu đó lại lén lút hạ gục những biểu tượng văn hóa ấy.
Sớm nay, người viết được đọc câu chuyện về một người nuôi đàn hổ 11 con ở Thanh Hóa đang lâm vào thế khó. Khó vì chuồng trại chật hẹp, thiếu nhân viên chăm sóc, vì giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản hết hạn vào giữa năm 2017… Đã có nhiều bình luận từ phía độc giả: Sao không để các chú hổ đến sinh sống ở Thảo Cẩm Viên, đến các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc mở cửa đón du khách để tạo ra nguồn thu nhập. Liệu rồi câu chuyện về đàn hổ cứ sống mãi trong các khu nuôi nhốt ấy sẽ đi đến đâu? Hay nói đúng hơn, tất cả trở lại với câu hỏi ban đầu: Chúng ta nuôi hổ để vì mục đích gì? Để bảo tồn, để phục vụ mục đích tham quan, giải trí hay còn hướng đi nào khác chăng.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực tìm kiếm, bảo tồn hổ trong tự nhiên cũng cần cả sự thanh lọc trong suy nghĩ của từng người. Sức khỏe của con người chỉ đến từ sự chủ động, từ sự nỗ lực và ý thức của mỗi người chứ đâu có thể mua bán, trao đổi như một món hàng. Không có thứ thần dược nào có thể cứu rỗi được thói quen sống thiếu khoa học, lành mạnh từ tâm hồn đến thể chất. Hổ đã từng là "Chúa sơn lâm", là biểu tượng của sức mạnh quyền năng nhưng chính "ông Ba mươi" cũng đang lâm nguy trước sự biến đổi khí hậu, sự suy giảm không gian sống và sự săn bắn của con người trên khắp hành tinh.
Trong cuộc sống số, những biểu tượng văn hóa của đời sống nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta có những biểu tượng 5K theo kiểu tranh Đông Hồ, những app ứng dụng là biểu trưng để nhận biết, và tôi tin "ông Hổ", "ông Khái", "ông Ba mươi"… sẽ vẫn đồng hành cùng văn hóa Việt, cùng cuộc sống số để tạo ra những giá trị sống. Yêu quý các loài vật, để chúng được sống trong tự nhiên cũng là cách di dưỡng tâm hồn ta.