Còn ai cần xin lỗi?
Hôm 4/5 vừa rồi, live concert “Ngày em thắp sao trời” của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã diễn ra với nhiều tiết mục chất lượng về âm nhạc. Đêm diễn kỷ lục với số lượng ca khúc (tính cả các ca khúc được ghép trong màn mashup) lên tới khoảng 50 bài lẽ ra đã có thể trọn vẹn đúng nghĩa nếu như Đàm Vĩnh Hưng không mắc lỗi trong một phần tiết mục với trang phục lựa chọn gây nhiều tranh cãi.
Đó là bộ trang phục theo xu hướng thời trang cảm hứng quân sự (military style) do nhà thiết kế Tuấn Trần thực hiện. Với tông màu khaki tao nhã, phải thừa nhận Đàm Vĩnh Hưng trông khá “bắt mắt”, mạnh mẽ, phong cách. Song, cái mạnh mẽ, phong cách ấy đã được đặt không đúng chỗ, không đúng thời điểm, và tất nhiên, nó bị phản ứng dữ dội.
Không khó để nhận ra bộ trang phục của Đàm Vĩnh Hưng có sao chép gần giống với bộ sưu tập thu đông 2000/2001 của nhà Christian Dior qua sáng tạo của nhà thiết kế John Galliano. Ở mẫu trang phục gốc, John Galliano lấy cảm hứng từ bộ quân phục của sĩ quan Cộng hòa Pháp sau Thế chiến II. Bộ của Đàm Vĩnh Hưng mặc giống y chang về phong cách, kiểu mẫu, phụ kiện và cả màu sắc. Nó bị phản ứng còn bởi một lý do khác nữa. Đêm diễn của Đàm Vĩnh Hưng có thời gian trùng với thời điểm toàn quốc kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ cai trị thực dân mà người Pháp áp đặt lên Việt Nam.
Sau một loạt phản ứng của cộng đồng, của báo chí và đặc biệt là yêu cầu làm rõ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đàm Vĩnh Hưng đã phải lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân của mình, đồng thời cam kết không mặc bộ trang phục đó ở đêm diễn tại Hà Nội. Thái độ cầu thị của Đàm Vĩnh Hưng là đáng hoan nghênh nhưng liệu chăng, chỉ một lời xin lỗi của Đàm Vĩnh Hưng là đủ?
Thực tế, Đàm Vĩnh Hưng sai và anh xin lỗi, anh sửa sai, thế là đã đủ đối với riêng bản thân anh. Nhưng, không chỉ một mình Hưng phải chịu trách nhiệm cho việc bộ trang phục kia xuất hiện trên sân khấu. Mỗi buổi trình diễn quy mô như “Ngày em thắp sao trời” đều phải có phúc khảo dưới sự tổ chức và giám sát của Sở Văn hóa và Thể thao địa phương. Trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh ở đây cần được làm rõ. Theo thông lệ, từ trước tới nay, ở mỗi buổi phúc khảo, nghệ sĩ sẽ được yêu cầu mặc trang phục trình diễn hoặc nộp ảnh chụp mẫu trang phục trình diễn cho từng tiết mục. Duyệt trang phục cũng là một khâu phải làm trong phúc khảo. Nếu Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh duyệt một cách nghiêm túc, liệu có xảy ra hạt sạn như vậy không?
Câu hỏi đặt ra ở đây chính là việc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã thực hiện công việc của mình đúng trách nhiệm và chính xác hay chưa? Khi xảy ra hậu quả, họ có lời xin lỗi công chúng hay chưa? Hay họ chỉ bước vào tiếp quản sự việc ở vai trò xử lý vi phạm của Đàm Vĩnh Hưng theo chỉ đạo từ Bộ?