Có hổ thẹn không?
Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ 2016 đến 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã chỉ định thầu sai nguyên tắc 6 gói thầu trang thiết bị giáo dục trị giá 636 tỷ đồng, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng.
Để việc chỉ định thầu này trót lọt, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh, đã nhận hối lộ 14 tỷ; cấp dưới của bà Oanh là Ngô Vui nhận 14,8 tỷ; kế toán trưởng Hà Huy Long nhận 1,3 tỷ và 20 ngàn USD.
Và cùng với những sai phạm của các đơn vị Giáo dục địa phương tới tấp được phanh phui vừa qua, nếu có thời gian thư thả, chúng ta có thể thống kê lại số tiền thiệt hại, số tiền nhận hối lộ lớn đến nhường nào. Để rồi, đối chiếu với nhu cầu đầu tư cho giáo dục phổ cập, đặc biệt là ở các miền sâu, vùng xa, ta có thể đặt ra một câu hỏi: "Họ có hổ thẹn hay không khi cầm tiền trong tay mà biết thừa trẻ em ở những nơi hẻo lánh của chính địa phương mình đang thiếu gì, cần gì?".
Các bạn đồng nghiệp của chúng tôi nhiều năm qua vẫn duy trì một quỹ mang tên Hi vọng với sứ mệnh đi xây trường cho học sinh miền núi. Khi tham khảo thông tin từ họ, chúng tôi được biết chi phí để xây trường không lớn chút nào. Điển hình như ngôi trường nội trú có chỗ ăn ngủ cho 200 cháu ở Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang được xây năm 2019 chẳng hạn. Trường được xây đẹp, khá kiên cố, lấy cảm hứng từ những tổ chim bồ câu, chỉ tốn chi phí chừng 1 tỷ đồng. Hay như trường cắm bản ở Sốp Cộp, Sơn La, nhà xây lắp ghép năm 2020 cũng chỉ tốn 500 triệu đồng.
Từ những ví dụ đó, một người bình thường hoàn toàn có thể tính toán ra việc đầu tư cho một trường học cắm bản, nằm buôn sẽ cần khoảng bao nhiêu tiền cơ sở hạ tầng và tiền duy trì điểm trường mỗi năm. Nói ra chắc chắn gây đau lòng, khoản tiền 3 cán bộ giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh nhận hối lộ (tương đương 30,5 tỷ) đủ xây 30 trường học "tổ bồ câu" hoặc xây 3 trường kèm theo chi phí lương, thưởng cho 5 giáo viên trong vòng 10 năm. Mà trong cách tính "phóng khoáng" kể trên, chúng tôi mạnh dạn để mức lương bình quân 15 triệu đồng cho mỗi giáo viên một tháng, một mức lương thực sự chỉ có trong tưởng tượng đối với giáo viên cắm bản hôm nay.
Giáo dục luôn lấy trọng tâm là con người. Các trang thiết bị giáo dục chỉ là phương tiện, là công cụ, càng hiện đại thì chất lượng giáo dục sẽ càng được hỗ trợ thêm. Cơ bản nhất vẫn là nhân tố người thầy bởi nếu không có thầy giáo, mọi trang thiết bị đều vô nghĩa. Trong khi lương giáo viên eo hẹp thì các chi phí đầu tư trang thiết bị lại luôn được xem trọng và đó nên là câu hỏi được đặt ra cấp thiết với một số cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Phải chăng, đầu tư vào người thầy thì cán bộ quản lý giáo dục không có cửa "ăn" nên dứt khoát họ phải vẽ ra càng nhiều dự án trang thiết bị để cắt xén ngân sách đầu tư?
Họ có hổ thẹn hay không? Đó là câu hỏi thuộc về lương tri. Lương tri bao hàm cả lương tính và tri tính, tức là cả nhận thức. Khi họ không (hoặc cố tình không) nhận thức được rằng ở trong chính địa phương mình, tại những điểm heo hút, vẫn còn thèm cái học và thiếu người dạy học. Làm tiền, ăn tiền bẩn trên giáo dục thì có lẽ, họ không còn lương tri để có thể hổ thẹn nữa rồi.