Có gì ngoài văn mẫu?

Thứ Năm, 04/08/2022, 12:39

Ngày trước, tôi từng phải học cách đọc các emoji (biểu tượng cảm xúc) để biết xúc cảm của người đang chat với mình như thế nào. Càng ngày tôi càng nhận ra bạn bè xung quanh đang kiệm lời với mình hơn. Emoji đã nói thay họ tất cả hay bởi họ đã mất đi những cảm xúc thật sự do các tiện ích công nghệ. Chuyện chúng ta dần lười viết, lười nói với nhau âu cũng là căn bệnh mới thời công nghệ chăng?

Nhưng đâu phải cứ gửi emoji là chúng ta vô cảm, trên The Next Web, Hope Wilson, Giám đốc học tập tại Duolingo cho biết: "Mọi người đang dùng emoji như một hệ thống ngôn ngữ giao tiếp. Nó có thể biểu hiện những sắc thái tinh tế trong nhiều bối cảnh khác nhau, đặc biệt trên môi trường Internet. Tuy nhiên, như mọi ngôn ngữ khác, việc dùng emoji thi thoảng cũng gây hiểu nhầm, thậm chí phản tác dụng". Dù hiểu đúng, hiểm nhầm hay khó hiểu thì giờ đây các biểu tượng cảm xúc đã là một phần không thể thiếu trên hệ sinh thái Internet. Công nghệ đang phải dựa trên cảm xúc của con người để phát triển, nhưng nếu cảm xúc của con người cứ tiếp tục bị mã hóa thì cũng là điều đáng lo ngại.

biểu đồ phổ điểm thi tốt nghiệp môn ngữ văn năm 2022-nguồn ảnh vietnamnet.vn.jpg -0
Biểu đồ phổ điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2022.

Tôi có một cô cháu gái học tiểu học nhưng cháu đã biết khá nhiều thuật ngữ tiếng Anh thông dụng trong giao tiếp. Mỗi khi đi làm về, tôi đều thấy trên cửa sổ, trên bàn làm việc và quanh màn hình laptop của mình là vố số những sticker (nhãn dán) khác nhau, lúc là mặt cười, mặt mếu, hoa quả, vật dụng và đặc biệt nhất là vẻ mặt biểu cảm của các thú cưng. Tôi còn thấy bọn trẻ trong xóm dán sticker ở cả mặt đường bê tông trong ngõ. Ngoài sự nghịch ngợm thường thấy ở trẻ con, dường như còn có một thông điệp khác của thế hệ Gen Z. Chỉ khi bạn hiểu được luật chơi mới cảm nhận được sự thú vị của cuộc chơi của con trẻ. Chúng là hậu sinh nhưng đang giúp chúng ta tới gần tương lai hơn.

Có lần ngồi tán gẫu với bạn bè, có người nói với tôi như thế này: "Giờ là thời của biểu tượng, ông phải cho biết mình đang thuộc về một biểu tượng nào đó chứ không thể im lặng chung tính được…". Như thế có nghĩa là, dù tôi có nói (viết bằng tin nhắn) hay đến đâu nhưng nếu thiếu đi các icon này, tôi sẽ thành người nhạt nhẽo chăng?

tác hại của văn mẫu- nguồn ảnh lingocard.vn.jpg -0
Tác hại của văn mẫu.

Nhưng thật ra, các icon cũng đâu phải là một công thức nhàm chán. Theo khảo sát của Slack và Duolingo (về biểu tượng "khuôn mặt cười mỉm") thì "có đến 38% người được hỏi cho rằng emoji này dùng để mô tả sự hạnh phúc, 39% nghĩ đây là sự mô tả tâm trạng "tích cực nói chung". Tuy nhiên, 14% nói emoji thể hiện sự "bực tức", "không tin tưởng". Số còn lại còn nghĩ biểu tượng này thể hiện sự lạnh nhạt hoặc mỉa mai" (Theo Vnexpress.net). Một khuôn mặt sinh ra từ bàn tay con người lại khiến con người phải vắt óc suy nghĩ. Có vẻ như mỗi biểu tượng cảm xúc là một trường nghĩa chăng?

Thực ra, người viết không có ý định bàn về các biểu tượng trong bài viết này mà chỉ để nhắc đến một vấn đề liên quan đến thế hệ tương lai, đó là văn mẫu. Phải chăng cùng với các biểu tượng cấp sẵn, văn mẫu cũng sẽ hủy hoại tâm hồn của giới trẻ. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn việc ra đề vào năm học tới đã nhấn mạnh: "Tránh sử dụng lại các văn bản đã học trong SGK để làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn", những tưởng nhiều người bấy lâu phê phán văn mẫu hả hê, hóa ra lại rơi vào lo âu? Bởi, nếu chưa hiểu rõ văn mẫu thì chớ vội mừng hay lo.

Môn học nào cũng cần đến những bài mẫu, đến các tình huống thị phạm để "nằm lòng". Nhưng, có điều, các ví dụ mẫu ấy trong môn Ngữ văn lại quá ổn định và khô cứng đến mức bao năm nay, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên theo công thức mà… thành công. Vô hình chung, môn văn (với tính chất là môn học nghệ thuật, cảm thụ sáng tạo nghệ thuật) lại đang được công thức hóa bền vững và dễ nhớ hơn cả Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học… cũng nên. Nhìn vào phổ điểm môn Ngữ văn của kì thi THPT năm 2022 (có lẽ là kì thi cuối cùng mà ngữ liệu bị giới hạn trong SGK) thấy có đến 75.019 thí sinh đạt điểm 7.0. Ngữ liệu cạn kiệt đến mức chúng ta còn có cả một "Nhà tiên tri Đen Vâu" của đề thi Ngữ văn.

nhiều người có thói quen nhắn tin bằng emoji thay cho lời muốn nói -nguồn ảnh vnexpress.net.jpg -0
Nhiều người có thói quen nhắn tin bằng emoji thay cho lời muốn nói.

Nói như thế hẳn sẽ có người cho rằng ngữ liệu ít ỏi chưa phải là nguyên nhân để văn mẫu được tôn sùng. Nếu ai là người trong nghề đều hiểu mỗi người tiếp nhận tác phẩm sẽ có phông văn hóa, quan điểm, thái độ, trình độ tiếp cận khác nhau để tạo nên những "lăng kính" riêng biệt. Vẫn biết ''Truyện Kiều'' của Nguyễn Du, ''Chí Phèo'' của Nam Cao, thơ của Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… là những đề tài bất tận, dẫu chúng ta có bao nhiều bài viết hay vẫn chưa đủ… nhưng có điều lâu nay, học trò có thực sự được viết văn hay không?

Một phụ huynh từng than thở với tôi: "Ông giáo dạy nhạc biết hát, biết đàn; ông giáo dạy thể dục biết chơi cầu lông; ông giáo vật lý biết chữa đồ điện, ông giáo dạy sinh biết chăm sóc hoa lan… thế mà ông giáo dạy văn thì chả thấy được in bài thơ, bài văn nào bao giờ". Ngẫm ra, lâu nay môn Ngữ văn là "cửa ải" để bước vào các cổng trường đại học hấp dẫn nên thay vì cảm văn, yêu văn, chúng ta lại dạy các em thuộc lòng các "khẩu quyết" kiểu "vừng ơi…" để lọt qua cửa ải đó. Khi văn đã không còn là cảm xúc, hào sảng, tự tại, gợi mở nữa thì thật đáng buồn như lời ông giáo nọ.

Văn mẫu không giàu cảm xúc như các emoji hay sticker bởi chúng ta không được tự mình lựa chọn mà đã trót trao cái quyền được bày tỏ ấy cho người chế tạo ra công thức viết. Sẽ không bất ngờ khi có cử nhân Ngữ văn ra trường với điểm số cao nhưng lại không tự viết nổi câu văn cho mình. Văn là lời của trái tim, văn cũng là chính kiến, là nhân sinh quan. Chúng ta biết trông chờ gì ở một thế hệ ghép chữ như vậy?

Nhưng bỏ văn mẫu ngay lúc này có đơn giản? Như một người không biết bơi sẽ phải từ bỏ chiếc phao cứu sinh của mình, liệu thầy cô và cả phụ huynh liệu có đọc nổi những câu văn "dị dạng" hơn cả "Nhà em có nuôi một ông nội…" không? Cô Nguyễn Thị Thu - giáo viên Trường THPT Bình Giang, Hải Dương cho rằng: "Xưa nay học sinh đều luôn có quan điểm học gì thi nấy, do vậy nếu bỏ hết văn bản trong SGK khỏi đề thi, sẽ dễ xảy ra tình trạng lơ là, chểnh mảng với các tiết học trên lớp, nhất là những văn bản không thật sự hấp dẫn. Không những vậy, việc ra đề thoát ly hoàn toàn SGK cũng sẽ dẫn đến sự chênh lệch trong đánh giá giữa các trường. Đặc biệt, đề thi có thể sẽ gây nhiều tranh cãi nếu không có những hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo" (theo Báo Đại đoàn kết).

Nỗi lo của cô Thu càng khiến những ai có tầm nhìn càng phải quyết tâm hơn. Môn văn không chỉ là chuyện của ngành giáo dục, là điểm số mà phải là nhân cách, tư duy, quyết định đến sự thành bại của một con người. Chúng ta phải dũng cảm chấp nhận sự thật là: Chỉ có thể dạy cho học trò cách cảm, cách nghĩ, gợi mở… thay vì nghĩ hộ, viết hộ cho các em. Khi ta đã trao cho người khác trang giấy trắng thì đừng nên bắt họ viết theo ý muốn của mình.

Chúng ta sinh ra những đứa trẻ, vất vả để nuôi chúng lớn lên, đưa các con đến trường thì hãy để các con tự viết về cuộc đời của chúng. Như thế, mỗi người sẽ đều trả lời được câu hỏi đầy lo âu: Các em sẽ có gì ngoài văn mẫu?

Việt Phương
.
.