Chuyện của tư duy

Thứ Năm, 03/11/2022, 07:01

Từ ngày 4 tháng 10 năm 2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường. Chắc chắn, sau mặt hàng này sẽ có những nông sản khác được có mặt ở thị trường Mỹ.

Hành trình của một sản phẩm vốn được coi là “cây nhà lá vườn” đến với thị trường đòi hỏi khắt khe vào loại bậc nhất không chỉ là con đường dài của 5 năm đàm phán mà còn là câu chuyện thay đổi tư duy từ vùng miền sang toàn cầu, từ quãng đường ngắn sang hành trình dài.

Nói về điều này, người viết nhớ đến một bài viết có nhan đề: “Nông nghiệp Việt: Thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu”, trong đó có đoạn viết: “Nói cách khác, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh".

Trong rất nhiều sự thay đổi đó việc chuyển đổi từ “tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng” nếu hiểu với nghĩa rộng không còn là chuyện của riêng của ngành nông nghiệp, của chiến lược xuất khẩu mà là yêu cầu chung của nhiều lĩnh vực. Nhưng, đâu phải chỉ đơn giản là việc xuất khẩu hàng hóa và “nhập khẩu” về cách tư duy…

giáo viên đang bị nhiều sức ép trong công việc-nguồn ảnh báo giáo dục và thời đại.jpg -0
Giáo viên đang chịu nhiều sức ép trong công việc.

Nếu có một liên hệ kiểu “bẻ lái” đột ngột thì người viết phải nhắc đến câu chuyện về “tư duy nuôi dưỡng” chưa xuất hiện nhiều trong cuộc sống hôm nay. Sau tất cả những va chạm, bất cập thì tư duy vẫn là nguyên nhân sâu xa trong cuộc “đại chiến” âm thanh ở chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội). Theo phản ánh trên báo chí: “người cao tuổi bật nhạc hát karaoke "xuyên ngày đêm" ở sân chung nên nhiều cư dân tại chung cư đã mang loa kéo bật nhạc… đám ma để "quyết chiến".

Phân tích về điều này, TS Nguyễn Văn Đáng trên Báo Dân trí chia sẻ: “Chính sự thay đổi về không gian sống trong khi lối sống của mỗi cá nhân chưa thích ứng kịp đã dẫn đến nhiều hình thức căng thẳng, mâu thuẫn xã hội. Điển hình là các biểu hiện xung đột lợi ích giữa cư dân và ban quản lý chung cư, giữa cá nhân với cá nhân liên quan đến các thói quen, sở thích, hay giữa các nhóm khác nhau liên quan đến cách thức khai thác, sử dụng các tiện ích công cộng”.

Chưa cần nói đâu xa, ngay tại không gian sống của chúng ta cũng đang cho thấy sự lấn át của tư duy tận dụng. Hai chữ “tận dụng” đã từng được đề cao, thậm chí là bài học quý giá mà nhiều người truyền tai nhau nhưng đôi khi lại làm cản trở sự phát triển của cộng đồng. Từ tận dụng cơi nới nhà cửa, tận dụng không gian chung trồng rau đến tận dụng những bức tường, ô cửa để tạo ra đất diễn cho graffiti (vẽ tranh đường phố)… một cách vô lối đã ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Nếu ở các vùng quê việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường đất thì ở đô thị, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, không khí, sự ức chế về những ứng xử vô ý thức… làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý, khả năng sáng tạo của bạn.

đằng sau thành công của việc trái bưởi việt nam đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường mỹ còn là câu chuyện của tư duy- ảnh cổng ttđt bộ công thương-jpg.jpg -0
Đằng sau thành công của việc trái bưởi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ còn là câu chuyện của tư duy.

Có người từng nói với tôi: Người sống ở các đô thị đang phải đối diện với những khó khăn chẳng kém gì các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như đường sá ngập sau mưa, ô nhiễm. Thực ra, rất khó để so sánh giữa hai không gian ấy nhưng có thể nhận ra một điểm chung: Chúng ta đang vướng mắc ở tư duy tận dụng, khai thác mà chưa nhìn xa, nghĩ xa đến khả năng nuôi dưỡng, phục hồi và setup một không gian tiện ích, thân thiện đem lại lợi ích cho mọi người.

Tư duy này không chỉ dành để tái tạo, khắc phục hậu quả của cách làm cũ mà rất cần cho việc hoạch định mới. Trong bài phỏng vấn trên báo, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA đã từng nói: “…quyết tâm xây dựng thành phố thông minh phải được thể hiện trong bản quy hoạch thành phố, trong tất cả các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Sẽ không hợp lý nếu quy hoạch và xây dựng một thành phố không thông minh, rồi gọi các chuyên gia công nghệ số đến để làm cho nó trở nên thông minh” (Đô thị thông minh không phải là một bản thiết kế để có thể sao chép).

Chúng ta đều biết “nuôi dưỡng” cho tương lai bằng tư duy tạo dựng một mô hình, một cách làm mới là điều rất cần thiết nhưng phải bắt đầu từ đâu thì lại không dễ dàng gì. Một điều đang “nhãn tiền” là tình trạng thiếu hụt lực lượng y, bác sĩ của các bệnh viện công. Theo thống kê: “Từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác)”.

Để lý giải về lĩnh vực y tế, TS, bác sĩ Quan Thế Dân chia sẻ: “Muốn tránh quá tải bệnh viện thì lãnh đạo bệnh viện phải đón trước được nhu cầu của xã hội, mở rộng cơ sở vật chất, thuê thêm nhân viên y tế thì mới đảm bảo chất lượng phục vụ không bị giảm sút. Chứ không thể để bệnh viện quá tải rồi động viên nhân viên y tế cố lên, y đức cao lên…”.

vẽ graffiti một cách vô lối trên cửa cuốn khi chưa được sự đồng ý của gia chủ không còn hiếm ở hà nội, tp.hcm cho thấy sự lạm dụng vô lối- nguồn ảnh suckhoedoisong.vn.jpg -0
Vẽ graffiti một cách vô lối trên cửa cuốn khi chưa được sự đồng ý của gia chủ không còn hiếm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tương tự như thế, trường học công lập ở nhiều địa phương lại đang quá tải trước nghịch lý: trên cả nước đã có đến 16.000 giáo viên bỏ việc trong năm 2022. TS. Hoàng Trung Học (Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục) phân tích: “Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cấp trường, phòng, sở, bộ phải ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên và hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn nữa những cuộc thi không cần thiết, những sổ sách hành chính, những nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật cần thiết đang chi phối giáo viên. Hãy rũ bỏ tất cả những thủ tục hành chính làm giáo viên thêm mệt mỏi, để các thầy cô được thực sự “tự do” và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục”. Có lẽ, đã đến lúc thay vì tư duy khắc phục và sử dụng giải pháp tình thế chồng lớp thì phải cần nghĩ cả đến việc tái cấu trúc lại những lĩnh vực này để đáp ứng yêu cầu mới.

Có thể với nhiều người, chuyện lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay chuyển đổi số, tư duy số vẫn còn ở tận đâu đó xa xôi. Nhưng, nếu bạn là người có tư duy nhạy bén, bạn sẽ nhận ra để hội nhập và phát triển thì không chỉ dừng lại ở kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất của từng lĩnh vực đơn lẻ mà là sự thay đổi ở chính tư duy của mình. Cao hơn việc sản xuất ra một sản phẩm là tạo ra một thương hiệu để có được thành quả thay vì tính ngắn là làm sao bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt.

Liệu đằng sau tất cả sự thay đổi tư duy ấy có tạo nên giá trị văn hóa mới? Tư duy nào văn hóa ấy, cách ứng xử như thế nào sẽ đem lại hiệu quả ấy. Để có thể thay đổi, ngoài việc tuyên truyền, vận động còn cần sự chuyển dịch trong ý thức của mỗi người để tạo ra sự thúc đẩy chung.

Nếu ngồi ngắm những chiếc xe lớn, nhỏ giờ tan tầm, nhìn những “bãi rác” sau một trận bóng đá hay sự kiện nghệ thuật, văn hóa bạn sẽ dễ nhận ra sự vận động của ý thức ấy. Còn với một điều trừu tượng như tư duy, có thể bản thân mình hãy chủ động setup cho tương lai gần nhất thay vì thói quen nhìn trước ngó sau chờ sự thay đổi từ những người khác rồi mới có động thái cho riêng mình…

Kiến Văn
.
.