Chúng ta là con một nhà

Thứ Năm, 17/02/2022, 09:51

Ngày đầu xuân mới Nhâm Dần, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự "Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2022 và phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Lời kêu gọi, nhắc nhở của Bác Hồ với nhân dân cả nước: "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam trong hơn 60 năm qua. Thi đua trồng nhiều cây nhằm mục đích lớn lao đó là tạo ra giá trị vật chất và môi trường cho xã hội.

Với ý nghĩa thiết thực và lớn lao của "Tết trồng cây" cũng nhằm cụ thể hóa chương trình trồng một tỷ cây xanh "vì một Việt Nam xanh" của Chính phủ, với mong muốn đem lại một môi trường sống xanh-sạch-đẹp cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc và thực hiện nghiêm chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ngày đầu của năm mới, hàng nghìn cây xanh được bám sâu vào đất mẹ, như một biểu tượng đẹp đẽ và sống động nhất của sức sống mới, sự gắn kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên: "Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương!"

thủ tướng nguyễn xuân phúc trong lễ phát động tết trồng cây ở tuyên quang.jpg -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong lễ phát động Tết trồng cây.

Tại ngày hội này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng năm mới đến đồng bào đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau".

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp to lớn, cùng đoàn kết, giúp đỡ, động viên nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Những kết quả này đã gắn kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số hòa chung phong trào thi đua của nhân dân cả nước.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII là định hướng quan trọng đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào dân tộc ở mọi miền Tổ quốc đã tích cực tham gia tổ chức thực hiện ngày văn hóa các dân tộc, ngày hội đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa". Những nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào cũng được gìn giữ và phát huy cùng với những nét đẹp văn hóa mới đang hình thành. Nếp sống văn hóa như ngọn lửa quanh năm thắp sáng trong mỗi gia đình, trong từng phum sóc, bản làng.

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhìn những hiện vật trưng bày ở đây, chúng ta mới thực sự hiểu rằng: Hiện tại và tương lai của mỗi người, mỗi dân tộc  đều được bắt nguồn từ  truyền thống lịch sử văn hóa. Chính vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên mà đồng bào dân tộc thiểu số vẫn luôn tự hào và mãi gìn giữ những nét truyền thống đã được tổ tiên để lại như một vốn quý thiêng liêng, là nền tảng cho cuộc hành trình hướng tới một ngày mai tươi đẹp. Những sản phẩm văn hóa được những bàn tay, khối óc của các nghệ nhân gửi gắm vào đó những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng.

Trong xu thế  hội nhập và toàn cầu hóa, việc bảo tồn các giá  trị văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi vùng, mỗi  địa phương, mỗi dân tộc, mỗi đất nước đang trở thành vấn đề quan tâm của ngành văn hóa và đặc biệt là cộng đồng cư dân. Các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc đang thấm đẫm vào cuộc sống thường ngày và đã có nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số được tôn vinh, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: Lễ hội Thờ cúng các vua Hùng ở Phú Thọ, Di tích kiến trúc cổ của đồng bào Chăm ở Mỹ Sơn. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên…

Mỗi người Việt Nam dù miền xuôi hay miền ngược, dù đồng bằng  hay vùng đồi núi, cao nguyên, hải đảo vẫn có mối quan hệ  thân thiết "người trong một nhà". Vì vậy, cho dù khác nhau về dân tộc, phong tục tập quán nhưng người dân Việt Nam vẫn có bao điểm chung để làm nên tình nghĩa gắn bó keo sơn.

"Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" và "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2022 đã hội tụ đầy đủ gương mặt tiêu biểu của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều mang dòng máu Lạc Hồng, là con cháu của một dân tộc kiên cường, bất khuất, kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước cùng với sự đoàn kết, nhân ái đã cảm hóa, nuôi dưỡng và kết nối mọi người dân Việt Nam gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc để cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Cù Tất Dũng
.
.