Chuẩn hóa việc giảng dạy kỹ năng sống
Chuẩn bị những kỹ năng sống cho con trẻ làm hành trang bước vào đời là một trong những mong muốn không chỉ của các bậc làm cha mẹ, các thầy cô giáo mà của toàn xã hội.
Giáo dục kỹ năng sống là việc trang bị cho học sinh kiến thức, vốn sống, khả năng làm việc và cả việc thích nghi với mọi điều kiện của môi trường để từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống; tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Không thể phủ nhận là với sự phát triển của xã hội, việc giáo dục kỹ năng sống đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Không khỏi bất ngờ khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An lại ra thông báo tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, với lý do: Chương trình chưa phù hợp với hướng dẫn của Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ (GD&ĐT); đội ngũ giáo viên cơ hữu không đủ để dạy; công tác tổ chức chưa tốt, cơ sở vật chất nhiều đơn vị giáo dục kỹ năng sống chưa phù hợp; các khoản thu, chi chưa minh bạch khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Bộ (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT quy định việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, các trường có thể tự tổ chức hoặc phối hợp các đơn vị bên ngoài theo nguyên tắc tự nguyện từ người học, sự thống nhất của phụ huynh. Các cơ sở giáo dục có quyền tự lựa chọn hoặc tự xây dựng giáo trình, tài liệu, miễn là được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động chấp thuận… Quy định là như vậy nhưng trên thực tế, nhiều trường học không có tài liệu hướng dẫn cũng như giáo viên nên thường liên kết với các trung tâm, tổ chức bên ngoài hoặc thuê giảng viên, diễn giả để thực hiện việc dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Tuy nhiên, chất lượng giảng viên, diễn giả không có ai thẩm định, thậm chí có người chỉ tham gia một vài khóa học ngắn hạn, không có chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục, nhưng qua một thời gian tham gia hoạt động hướng dẫn các buổi sinh hoạt tập thể, các cuộc trải nghiệm khám phá thực tế, giải đáp các thắc mắc của học sinh… đã tự phong cho mình là “chuyên gia, diễn giả về kỹ năng sống” và tài liệu, giáo trình giáo dục kỹ năng sống chủ yếu là “tự biên, tự diễn”, cóp nhặt từ nhiều nơi mà không qua thẩm định của bất kỳ một cấp có thẩm quyền nào.
Từ thực tế đó cho thấy, mặc dù việc giáo dục kỹ năng sống có được quan tâm nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế khi tình trạng học sinh thiếu kỹ năng sống vẫn xảy ra, biểu hiện qua hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong giao tiếp nơi công cộng; thiếu lễ độ với thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn tuổi; chưa có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng; thiếu sự cảm thông, chia sẻ với bạn bè; tình trạng bạo lực học đường vẫn thường xuyên xảy ra ...
Một trong số các nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do chưa có giáo trình, phương pháp phù hợp, thống nhất cho cả giáo viên và học sinh trong việc dạy và học kỹ năng sống; việc thiếu cơ sở vật chất và tiêu chí đánh giá hiệu quả của việc giảng dạy cũng ảnh hưởng lớn tới mục đích của việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Dù hiện nay trường học đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng đại đa số mới dừng ở việc cung cấp kiến thức lý thuyết chứ chưa hình thành kỹ năng cho các em, nên khi gặp tình huống thực tế, trẻ vẫn lúng túng, không vận dụng được vào cuộc sống. Điều này vô hình trung đặt ra sự hoài nghi về mục đích, chất lượng giáo dục về kỹ năng sống để trang bị cho học sinh hành trang cho tương lai hay chỉ là để thu “học phí”, trong khi hoàn toàn không biết kỹ năng sống là gì và cách thức nào để giáo dục kỹ năng sống hiệu quả.
Không thể phủ nhận: với sự phát triển của xã hội, việc giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên đóng một vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, đã đến lúc các ban, ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý hoạt động liên quan đến lĩnh vực giáo dục, dạy kỹ năng sống. Trong đó, nhà trường phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng như giáo trình, tài liệu giảng dạy. Đội ngũ giáo viên, báo cáo viên có đầy đủ bằng cấp chuyên môn và am hiểu tâm lý lứa tuổi. Có như vậy chúng ta mới có thể trang bị những kiến thức cần thiết để giúp con em mình có hành trang vững chắc cho cuộc sống hiện tại và cho cả tương lai.