Chú trọng việc ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng cho đất nước

Thứ Năm, 23/12/2021, 14:30

Tuần qua, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt tuyên dương và trao tặng Huân chương Lao động cho các học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021.

Năm nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới việc học của các em học sinh, nhưng Việt Nam vẫn cử 7 đoàn học sinh tham gia các cuộc thi Olympic gồm: Các môn tin học Châu Á-Thái Bình Dương, Tin học quốc tế, Vật lý quốc tế, Vật lý Châu Á-Thái Bình Dương, Toán học, Hóa học quốc tế và đều đoạt huy chương, với tổng cộng 12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 giải khuyến khích. Các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các kỳ thi Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

ảnh.jpg -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai, Ba cho học sinh đoạt giải Olympic năm 2020 và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các em đã mang về niềm tự hào, làm rạng danh cho Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự tin khi một đất nước có nhiều học sinh giỏi như thế, có nhiều nhân tài thì đất nước sẽ ngày càng phát triển. Chưa có thời đại nào chúng ta lại cần có nhiều nhân tài và phải trọng dụng nhân tài như ở thời đại này. Các em mới chỉ là những mầm tài năng, nếu không được quan tâm chăm bón tốt thì sớm muộn gì cũng sẽ khó phát triển hoặc có trưởng thành mà không được trọng dụng thì chúng ta sẽ bị chảy máu chất xám.

Bài học thời gian qua cho thấy, nhiều tài năng được đưa sang đào tạo ở nước ngoài và một điều đáng buồn là phần lớn họ không quay trở lại làm việc, cống hiến cho quê hương, đất nước. Điều này cũng không có gì là khó hiểu khi mà ở các nước tiên tiến trên thế giới, người tài được hưởng chế độ sinh hoạt cao, được đãi ngộ, được tôn kính, và quan trọng hơn là khả năng của họ được nuôi dưỡng và thăng hoa trong môi trường khoa học - kỹ thuật - công nghệ phát triển. Và cứ như vậy, con số những người định cư tại nước ngoài luôn luôn tỷ lệ thuận với số lượng du học sinh tăng lên. Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ còn đeo bám chúng ta thật lâu nữa nếu cả xã hội, cả đất nước không kịp thời quan tâm và vận động mạnh mẽ để bảo tồn "nguyên khí" cho quốc gia.

Một thực tế khiến nhiều người băn khoăn khi một cô gái được tôn vinh trong một cuộc thi sắc đẹp hay một cầu thủ bóng đá cùng đội tuyển đạt ngôi vị vô địch được hàng trăm triệu, có khi cả tỷ đồng tiền thưởng từ ban tổ chức và các nhà tài trợ, nhưng một học sinh đạt giải quốc gia sau hàng chục năm dùi mài kinh sử thì được vài triệu bạc, khi đoạt giải trong kỳ thiOlympicquốc tế thì cao nhất mới được 55 triệu đồng. Thật buồn lòng khi các doanh nghiệp, các thương gia có điều kiện ít thấy tham gia tài trợ, tiếp thêm sức mạnh để những mầm tài năng khoa học của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề được thỏa sức vẫy vùng, tô đậm hình nước Việt Nam trên bản đó trí tuệ.

Tài năng là của riêng mỗi người, nhưng cũng là tài sản chung của quốc gia. Phát hiện và nuôi dưỡng tài năng không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà là của toàn xã hội. Cơ hội thu nhỏ khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển về mặt khoa học công nghệ, kinh tế nằm ở điểm then chốt là có bồi dưỡng, đào tạo được nhân tài, giữ được nhân tài, sử dụng tốt nhân tài hay không.

Giữ chân người tài chưa hẳn chỉ là vật chất. Điều người ta cần là một môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh để họ yên tâm cống hiến, công tác. Họ có lẽ cũng không cần phải lên được vị trí này, vị trí kia mà quan trọng là được tin tưởng và được trao cơ hội để thể hiện hết năng lực, trình độ của mình. Hiện nay vẫn đang tồn tại hàng loạt hiện tượng tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, tuyển chọn nhân lực. Điều này thực sự đang trở thành rào cản với những tri thức trẻ đã khiến không ít người băn khoăn, lo lắng, liệu mình có thể chiến thắng trong cuộc đua “không công bằng” này không? Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho những cán bộ làm được việc, có năng lực, đủ tâm, đủ tầm bị gạt sang một bên, không được dùng và dần sẽ bị thui chột.

Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững không thể không dựa vào nhân tài. Xây dựng, ban hành và thực hiện tốt chính sách trọng dụng nhân tài, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài phát huy tài năng và được cống hiến theo khả năng chính là tạo sự đột phá cho sự phát triển đất nước.

Ai cũng biết nhân tài quan trọng như thế nào, ai cũng thuộc câu danh ngôn của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước lên cao, quốc gia hưng thịnh, nguyên khí yếu thì thế nước đi xuống, quốc gia suy vong”.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt tuyên dương và trao những phần thưởng cao quý cho các học sinh đoạt giải thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước tới hiền tài, thể hiện tầm nhìn cao rộng và đầy tâm huyết với tương lai của đất nước, quan tâm, chăm chút nuôi mầm tài năng chính là “đầu tư tương lai” đất nước, dân tộc, để giữ gìn, bồi đắp "nguyên khí" non nước Việt Nam. 

Cù Tất Dũng
.
.