Chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc và du lịch đến các thế hệ công dân Việt Nam cũng như thế giới đang được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh và mở rộng, sử dụng đa dạng các hình thức như: Sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật, mạng xã hội... Tất cả các hình thức trên đều nhằm mục đích chung là tôn vinh và xây dựng nền văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch, dần hình thành ngành công nghiệp văn hóa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một trong những hình thức quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút khách du lịch đến Việt Nam - đó là thông qua điện ảnh. Nghệ thuật thứ 7 có sức hấp dẫn, lôi cuốn riêng và tác động mạnh tới tình cảm của người xem qua hình ảnh sống động và âm thanh trung thực. Các loại hình phim trong điện ảnh như phim tài liệu, khoa học, phim tâm lí xã hội... phản ánh khách quan, chân thực những sự kiện, những sắc màu văn hóa của các dân tộc, cảnh sắc thiên nhiên gắn với sự phát triển, biến động không ngừng đời sống văn hóa - xã hội của đất nước, con người ở thời quá khứ cũng như đương đại luôn thu hút người xem trong và ngoài nước.
Đối với phim truyện, nhiều địa danh trở lên nổi tiếng sau khi được chọn và sử dụng làm bối cảnh của những bộ phim. Nhìn ra các nước láng giềng, những bộ phim sau khi công chiếu được nhiều người trên thế giới biết đến và muốn đến tham quan như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan...
Ở Việt Nam đã có một số bộ phim truyện của nước ngoài chọn bối cảnh quay như phim "Đông Dương" (Indochine), "Người tình" (L'amant)... và gần đây nhất là bộ phim bom tấn của Hollywood "King Kong" (Đảo Đầu lâu) khiến khán giả trong nước và nước ngoài nức lòng khi thấy nhiều cảnh đẹp và phong tục văn hóa đậm bản sắc Việt xuất hiện lung linh trên phim.
Người ta trầm trồ và tha thiết muốn đến thăm thú vẻ kỳ ảo của di sản Tràng An, vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, hay nhớ đến những vẻ đẹp của Sài Gòn xưa và muốn đến Đồng bằng sông Cửu Long để tận hưởng giây phút thanh bình, thơ mộng. Người Việt Nam chúng ta vô cùng tự hào được thế giới biết đến qua những bộ phim nổi tiếng như vậy.
Ở Việt Nam, thông qua các tác phẩm điện ảnh thì văn hóa và du lịch bước đầu cũng đã được quảng bá và mang lại những thành công đáng ghi nhận. Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang đã xuất hiện trong bộ phim "Chuyện của Pao" như một bức tranh thủy mặc với những hình ảnh núi non hùng vĩ. Bản làng của đồng bào Mông ẩn mình trong mây với những ngôi nhà trình tường cổ kính, mái lợp ngói nhuốm màu thời gian. Con người vùng cao Tây Bắc mộc mạc, nồng hậu, ấm áp đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế. Hiệu ứng từ những cảnh quay đẹp trong phim đã khiến nhiều du khách tìm đến khám phá văn hóa và lan truyền tới nhiều người khác.
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá văn hóa, du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu đa dạng; hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc; ẩm thực phong phú, nhiều sắc màu; có nhiều địa điểm, địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường... Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy sức hút với du khách. Như vậy, có thể thấy, với những giá trị cộng thêm, công nghiệp điện ảnh đã tích hợp chức năng quảng bá, bằng sự gắn kết tự thân với những hoạt động dịch vụ du lịch.
Thực tế cho thấy, thông qua các bộ phim, khán giả đã có những chuyến du lịch khám phá, từ đó truyền thêm tình yêu, niềm tự hào dân tộc và nâng cao trách nhiệm đối với việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta còn đang rất thiếu những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, đỉnh cao, mang nét đặc sắc, nói rộng hơn là mang bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đủ sức chinh phục khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Để làm được điều này, chúng ta đặt hy vọng và niềm tin vào tầm nhìn của các nhà quản lý văn hóa, cùng với trí tuệ, cái tâm, cái tài của các nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hôm nay!