Chủ động, quyết liệt đấu tranh với thông tin xấu độc

Thứ Sáu, 07/07/2023, 08:54

Theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, cuộc chiến với những thông tin xấu độc, sai sự thật phát tán trên Internet và mạng xã hội là cuộc chiến thầm lặng, không ngừng nghỉ, luôn tạo ra áp lực mỗi ngày, mỗi giờ.

Đặc biệt, mỗi khi đất nước có những sự kiện chính trị, văn hóa lớn thì những hình ảnh cắt ghép, tin giả, tin sai sự thật lập tức được phát tán trên các nền tảng thông tin. Đây không chỉ là cuộc chơi "con chữ" mà là "cuộc chiến thông tin" trên không gian mạng. Sự nguy hiểm của loại thông tin này là "đúng - sai, thật - giả" pha trộn với nhau, khiến người tiếp cận rất khó phân biệt.

Nhìn chung những thông tin xấu, độc đều có một mục đích là bôi đen hiện thực Việt Nam; thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; xuyên tạc về công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ; phóng đại những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp hòng gây rối tình hình đất nước; kích động, chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Từ đó tạo ra nhận thức sai lệch về hiện thực theo chiều hướng xấu, hình thành tâm lý chán ghét, phẫn nộ, thậm chí căm thù chế độ và bộ máy chính quyền các cấp.    

mỗi người dân phải chủ động kiên quyết đấu tranh với vấn nạn tin giả.jpg -0
Mỗi người dân phải chủ động kiên quyết đấu tranh với vấn nạn tin giả.

Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xấu, độc đã được nhiều người thiếu ý thức tiếp nhận và còn chủ động lan truyền qua nhiều dạng khác nhau để cộng đồng mạng cùng bàn luận, suy diễn. Cho nên tác hại của thông tin xấu độc này không dừng lại trên mạng xã hội, mà nó còn ảnh hưởng đến nhận thức của mỗi cá nhân. Điều đó khiến cho thông tin đã xấu càng xấu hơn, đã độc càng độc hơn và đã lan xa thì lại càng xa hơn. Trong giai đoạn vừa qua không chỉ có người dân bị tác động tới suy nghĩ, nhận thức, mà ngay cả một số cán bộ, đảng viên thiếu niềm tin, bản lĩnh chính trị kém cũng bị rơi vào dòng xoáy của hiện tượng suy thoái về tư tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đã trở thành vấn đề không nhỏ và rất nguy hiểm.

Trong thời gian vừa qua, bằng các biện pháp hành chính và cả hình sự để gỡ bỏ số lượng các nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới; sử dụng công nghệ thông tin để chặn các nick ảo, lọc, xóa báo xấu là tương đối cao. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2023, Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 page quảng cáo. YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh. TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm. Tuyên truyền sâu, rộng về Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và cộng đồng.

Thời gian qua, chúng ta đều thấy rõ các cơ quan báo chí đã chủ động trong việc tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch với nhiều hình thức thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chương trình, tin bài mới đã tăng lên đáng kể, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các cấp, các ngành nhận thức đúng vấn đề liên quan đến sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời xây dựng, thiết lập các diễn đàn để trao đổi, thảo luận trên báo chí và trên các phương tiện truyền thông khác, nhất là lập diễn đàn trên không gian mạng để tạo môi trường thuận lợi, phát huy dân chủ, điều kiện giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ động thể hiện, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, quan điểm, đề đạt kiến nghị... nhằm huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, giới trí thức, văn nghệ sĩ vào quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tuy nhiên, nghịch lý trong quy luật của thông tin, đó là thông tin nào xuất hiện nhiều, tần suất lớn, gây "sốc", gây tò mò thì càng có nhiều người tìm đọc, chia sẻ. Cuộc đấu tranh trên không gian mạng thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt; đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là lâu dài. Vấn đề là chúng ta phải chủ động đưa thông tin từ sớm, phản bác thông tin sai trái, nêu quan điểm rõ ràng, thẳng thắn. Không nên chỉ có khen một chiều, bởi thuốc bổ nếu uống nhiều quá cũng có thể gây ngộ độc. Điều đó có nghĩa là phải tạo "kháng thể" để tự phòng chống ngộ độc thông tin xấu.

Từ đó, mỗi người dân chủ động, tự giác, phản ứng, đấu tranh, phản bác kịp thời với các quan điểm sai trái phát tán trên Internet. Để mọi người có khả năng tự miễn dịch với thông tin xấu độc phải dựa vào văn hóa, lấy văn hóa làm điểm tựa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "Văn hóa còn thì dân tộc còn"… Chúng ta phải tận dụng sức mạnh văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa, ứng xử văn hóa, thích ứng văn hóa, hướng tới sự tích cực, lành mạnh là giải pháp căn cơ, bền vững ngăn chặn thông tin xấu độc.

Cù Tất Dũng
.
.