Cho trẻ được bắt đầu từ số 0

Thứ Năm, 14/04/2022, 16:37

Thật đáng tiếc, cho đến những ngày gần đây chúng ta lại phải nói với nhau về câu chuyện của sự sống. Không phải sự sống ở vùng chiến sự Ukraine, không phải về những nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Boeing 737 thảm khốc ở Quảng Tây-Trung Quốc, hay một miền đất đang đứng trước nguy cơ bệnh dịch, thiếu đói nào. Sự sống lại đang "nóng" trong chính những gia đình no ấm, với những đứa trẻ được chăm bẵm như một cái cây đầy kì vọng.

Chỉ là sống trong một điều kiện thuận lợi nhất mà sao trở nên khốc liệt, gian nan với nhiều em nhỏ như thế?

Nhìn mầm lan lớn lên trong những vườn đan nan sắt kiên cố có quạt thông gió, bạt che, camera giám sát… ngẫm ra đôi lúc cũng thấy ái ngại. Bởi lẽ, dù chúng luôn được chăm sóc kĩ càng để lớn lên bằng tốc độ nhanh nhất, với sự bụ bẫm, xanh tươi nhất tất cả vẫn nằm trong một "bầu không khí" nặng nề đang bao trùm lên những mầm cây ấy đó là áp lực "phải lớn". Nó phải lớn lên bằng mọi giá trong sự kì vọng, trong "canh bạc" tài chính mà người chủ vườn đã đặt cược. Hay nói cách khác, từ lúc nhú ra mầm sống trên thân kia, mầm lan đó đã mang trong mình món nợ, một sự hối thúc tăng trưởng mà nếu có thể cảm nhận được áp lực ấy, hẳn mầm lan sẽ khó mà nở được những bông hoa rạng rỡ…

Cho trẻ được bắt đầu từ số 0 -0
Nguyễn Bá Toàn - một trong số những tấm gương dám chấp nhận hoàn cảnh để vươn lên thành công.

Với nhiều đứa trẻ hôm nay cũng đang có một thực tại tương tự. Chúng ta thường hay nói với nhau về những người đã "chót" sinh ra ở "vạch đích". Có điều, đâu phải chỉ toàn hoa hồng dưới chân các em. "Chỉ có ăn với học" - câu cửa miệng chất lên vai những cô bé, cậu bé nhà khá giả, nhưng cũng đúng là cuộc sống của chúng chẳng có gì ngoài "ăn" và "học". Một "hệ sinh thái" tinh thần của các "lò ấp", "vườn ươm" đang phủ bóng lên con đường trưởng thành của nhiều bạn trẻ.

Không chỉ có những tấm gương như: Nguyễn Thị Hồng Duyên (mồ côi cả cha lẫn mẹ) lại trở thành thủ khoa Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi năm 2021; Nguyễn Bá Toàn (bị căn bệnh nhuyễn xương) lại trở thành thủ khoa ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, một mình chăm sóc bản thân và học tập; Phan Thị Hương (THPT Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đạt số điểm 28,75 trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021… mà còn học sinh nghèo, mang bệnh tật đã tạo nên kì tích học tập và lập nghiệp. Vì sao con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại "hấp thụ" được áp lực để biến nó thành động lực quyết liệt với cuộc sống? Thật đơn giản, trong cuộc đua này họ được bắt đầu từ số 0, một đặc quyền mà biết đâu bao đứa con nhà khá giả lại chưa một lần được có.

Tôi tâm đắc với bài viết của Nguyễn Thanh ngay từ cái nhan đề: "Chỉ sống thôi đã đủ tuyệt vời!" trên báo Dân trí. Tác giả viết: "Sau cơn mưa, bầu trời sẽ lại sáng bừng với chiếc cầu vồng lấp lánh sắc màu. Chỉ là chúng ta cứ mãi nhìn đăm đăm vào màn mưa không ngớt hạt rồi ủ ê buồn, da diết sầu và tự làm mình thêm cô quạnh, bi thương. Khi trời chợt dứt mưa, cầu vồng sẽ lấp ló hiện ra, chỉ tiếc là người ủ ê buồn đã không còn ở đó để ngắm trời xanh, mây trắng, nắng vàng dịu nhẹ, chim ca líu lo…".

Gác lại 35.600.000 kết quả tìm kiếm khi gõ vu vơ lên thanh tìm kiếm của google cụm từ khoá: trẻ em tự tử áp lực học, người viết đặt ra một câu hỏi để buộc bản thân mình tự trả lời: Vì sao chúng ta lại sợ cho con em mình bắt đầu từ số 0, nó hẳn bắt nguồn từ tâm lý sợ thất bại của người lớn. Nỗi sợ thất bại (Atychiphobia) khiến người ta phải đẹp, phải có địa vị, danh tiếng, sợ đến mức nhẫn tâm và tàn ác với chính những người thân của mình. Việc mỗi chúng ta lớn lên phải đi học bởi chưa biết, đi học để gặt hái, tích góp tri thức lại biến thành cuộc tử thủ vì thành tích của từng gia đình. Dám chấp nhận số 0 cũng là một sự dũng cảm, một sự đổi mới.

Còn nhớ lúc nhiều người đổ xô đi tích trữ lương thực khi mới xuất hiện đại dịch COVID-19 cũng hao hao như khi có tin xăng tăng giá, ngày vía thần tài hay giải hạn…. Nếu bạn đi làm về khi cây xăng đã đóng cửa nhưng xăng trong bình còn đủ đến ngày mai, nếu chưa tan giờ làm để đi siêu thị tích trữ đồ, nếu không có tiền mua vàng vào ngày vía thần tài… liệu bạn có thất bại? Chắc chắn, không phải vì thế mà bạn thất bại. Thế mới biết đôi khi với nhiều người nỗi lo thiếu hàng hóa không đáng sợ bằng nỗi lo kém hàng xóm. Nhiều người trong số chúng ta đã vô tình setup những "game" nghiệt ngã với bản thân và con cái mình mà chẳng may tỉnh ngộ nhận ra.

Cho trẻ được bắt đầu từ số 0 -0
Việc du khách kéo tới chụp ảnh giữa đường khiến người tham gia giao thông lo sợ.

Bất giác, người viết nhớ đến hình ảnh gây xôn xao dư luận gần đây về phong trào check in ở con đường có hàng cây bàng lá nhỏ (nút giao Quốc lộ 5 lối lên Quốc lộ 1 đi Bắc Ninh - Bắc Giang). Thế mới biết, đẹp đâu phải là chuyện nhỏ, đẹp là chuyện động trời ít nhất là trên mạng xã hội.

Nhìn nhiều người đứng xuống đường, thậm chí ngồi bệt giữa tim đường trong khi người lái xe nào đó qua đây chắc hẳn đều "tim đập chân run". Biết đâu, họ đang "oán hận" hàng cây bàng lá nhỏ kia sao lại đẹp đến thế để đoạn đường này trở nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Tác giả Hoàng Lam (Blog-Báo Dân trí) nhận xét: "Nhu cầu đẹp hơn trong mắt người khác của chị em là chính đáng, kể cả trong đời sống thực hay trên không gian ảo. Thế nhưng, bất chấp tính mạng của mình, bất chấp sự an toàn với dòng phương tiện đang lưu thông và vi phạm quy định giao thông đường bộ thì quả thật là khó hiểu. Chưa có sự việc đáng tiếc nào xảy ra, nhưng ít nhiều nó khiến chị em bớt đẹp và ít văn minh hơn trong mắt mọi người. Hơn nữa, bất chấp cả sức khỏe, tính mạng để đẹp như vậy thì liệu có đáng?".

Người viết tin rằng, nếu là người yêu cái đẹp thật sự không nằm trong số fan cuồng đó. Chưa cần nói đến việc không bất chấp cả "sức khỏe, tính mạng" mà bản thân họ cũng chẳng rảnh đến mức bỏ lại bao mối bận tâm khác qua đây chỉ để check in. Chỉ khi tiện đường đi lại hay nhân một chuyến đi và lặng lẽ nép vào giải phân cách… mới là cách yêu chân thật và đơn giản của người biết trân trọng giá trị sống. Trong cuộc đời này, đâu cần đến phông nền, hậu cảnh, hậu kì, chúng ta còn có biết bao cơ hội khác để lóe sáng nếu biết tích tụ giá trị và năng lượng sống.

Dĩ nhiên, trong cuộc sống hiện đại luôn là một đường đua. Trong cuốn "Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc", nhà nghiên cứu y học Roger Bannister viết: "Nó hiểu rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị ăn thịt. Mỗi buổi sáng, một con sư tử thức dậy. Nó hiểu rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói. Là sư tử hay linh dương không quan trọng - khi Mặt trời mọc, bạn phải bắt đầu chạy".

Người viết thấm thía với câu nói của Bannister, mỗi chúng ta, con em chúng ta đều có một hoàn cảnh sống, một mục tiêu riêng, sẽ cùng phấn đấu, sẽ cùng chạy nhưng đừng bao giờ chạy theo nhau, lấy những gì người khác có làm mục tiêu theo kiểu "con nhà người ta" để đặt lên vai con mình. Dám chấp nhận từ số 0, bắt đầu chạy bằng số 0 sẽ thấy cuộc sống này thoải mái hơn, sẽ không phải lo âu và tiếc thương khi một người trẻ phải để lại thư tuyệt mệnh và tự hủy hoại cơ hội sống của mình…

Lương Việt
.
.