Chào xuân mới bằng quyết tâm mới!
Năm mới 2024 đã về trên khắp mọi miền đất nước, với mai vàng rực rỡ và những nụ đào phai chúm chím trên cành non tơ. Vậy là năm cũ 2023 đã đi qua trọn vẹn sau nhiều khó khăn, thách thức.
Ngay những ngày đầu năm mới 2024, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên đường tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tại Thụy Sĩ, tổ chức từ ngày 15 đến 19/1/2024 với chủ đề "Tái thiết lòng tin".
Sự kiện đối ngoại này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi trước hết, đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19 (với khoảng 3.000 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của gần 70 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế) để chia sẻ những ý tưởng, thảo luận hấp dẫn, đa chiều về triển vọng kinh tế thế giới, những xu thế mới và tầm nhìn phát triển toàn cầu; thúc đẩy, kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên các lĩnh vực giữa các nước và với các doanh nghiệp; đồng thời huy động sức mạnh tổng lực toàn cầu, nhất là hợp tác công - tư để tạo các động lực tăng trưởng mới, giải quyết các thách thức chung trong bối cảnh khó khăn, rủi ro, bất định hiện nay.
Đặc biệt, tại hội nghị này, Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia với WEF. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.
Đấy là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam trong dịp xuân mới 2024, khi vị thế của nước nhà được khẳng định mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Có được điều này là do công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã được Đảng, Nhà nước triển khai sôi động, bài bản, liên tục, toàn diện. Đây cũng là một trong những điểm sáng nổi bật được ghi nhận của năm 2023.
Năm 2023 qua đi, dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật. Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Với mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 khoảng 5%, nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Và những nỗ lực đó của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
2023 cũng là năm ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Khoa học công nghệ có bước phát triển; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh.
Cùng với việc nỗ lực cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, năm 2023 cũng là năm mà Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được nhân lên bội phần.
Chuẩn bị cho năm mới 2024 và tạo bước đệm căn cơ, lâu dài cho đất nước, Quốc hội đã có Kỳ họp bất thường lần thứ 5, khai mạc vào ngày 15/1/2024, để xem xét, thông qua 4 nội dung, gồm: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn); về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trước đó, trong năm 2023, Quốc hội đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong 1 năm, với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần ổn định và phát triển đất nước, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.
Chúng ta đã thực sự bước vào năm mới 2024 với nhiều kỳ vọng. Gửi lời chúc mừng đến Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, ngày 5/1/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ "không được chủ quan, thoả mãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023", bởi đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2024.
Chào xuân mới 2024 với những kỳ vọng và quyết tâm mới.