Cây cầu ai đã từng qua...

Thứ Năm, 20/10/2022, 08:00

Thỉnh thoảng tôi vẫn vượt sông Hồng đi thăm thú đâu đó. Con sông mùa nào nước cũng ngầu đỏ phù sa, có lúc thì cuồn cuộn hung dữ, khi thì thảnh thơi êm đềm. Đã có nhiều cây cầu vượt sông Hồng nhưng nếu nói đến một cây cầu mang trong mình nhiều thăng trầm lịch sử, cũng như một vẻ hào hoa bậc nhất của Hà Nội thì có lẽ không cầu nào sánh bằng cầu Long Biên.

Suốt lịch sử hình thành và tồn tại của mình, hơn một trăm năm trôi qua cầu Long Biên là chứng nhân quan trọng của những thời khắc không thể nào quên của Hà Nội.

Ngược về lịch sử, Long Biên là cây cầu đầu tiên được xây vượt sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên bây giờ. Trên cây cầu, bên phía Hoàn Kiếm, có thể dễ dàng nhìn thấy một tấm biển sắt chạm nổi dòng chữ: 1899-1902; Daydé & Pillé, Paris. Hai chữ số đầu là năm xây dựng và hoàn thành cây cầu. Còn Daydé & Pillé là ai? Đó là một công ty xây dựng của Pháp có trụ sở ở Paris. Những tài liệu ở Trung tâm dữ liệu quốc gia đã chứng minh rằng, cầu Long Biên không phải do Gustave Eiffel thiết kế, mà thiết kế và thi công thuộc về công ty Daydé & Pillé. Bản vẽ và chữ kí của các kĩ sư vẫn còn được lưu lại cho đến bây giờ. Công ty của Eiffel đến tận năm 1938 mới tham gia một hợp đồng rất nhỏ để gia cố các thanh dầm tăng trọng tải của cầu, một nhầm lẫn lịch sử đáng tiếc mà rất nhiều năm mới được cải chính.

Cầu Long Biên chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh chống Mỹ. Trong lần đánh phá Hà Nội lần thứ nhất, máy bay Mỹ đã đánh phá cầu mười lần, làm sập bảy nhịp và bốn trụ lớn. Trong chiến dịch đánh phá lần thứ hai, các máy bay B52 đã dội bom cầu Long Biên bốn lần, phá hỏng hơn một nghìn mét cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Cây cầu phải oằn mình chống chịu bom đạn chiến tranh và bãi giữa sông Hồng trở thành trận địa pháo chống máy bay Mỹ, thành cầu trở thành nơi đặt những ụ pháo cao xạ. Mấy chục năm trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn rõ trên cầu Long Biên. Nhiều dầm thép đã bị phá hủy và được thay thế bằng những dầm thép quân dụng, nhiều khung thép vươn cao tráng lệ đã vĩnh viễn không khôi phục được. Bây giờ, những nét đẹp nhất của cây cầu chủ yếu là đoạn phía Hoàn Kiếm và một đoạn ngắn bên phía Long Biên.

Nhưng cầu Long Biên không chỉ có vết thương chiến tranh, cây cầu còn là điểm nhấn tinh tế giữa một màu xanh mướt mát của bãi sông Hồng. Chỉ qua mặt phố mấy chục mét đã trông thấy một màu xanh mịn của bãi sông. Đất dưới bãi bồi màu mỡ, cây cối tươi tốt quanh năm. Nước sông Hồng lừ lừ đỏ nhưng trên bãi là màu xanh của chuối tiêu, ổi găng, tre, ngô nếp, các loại rau cải, xà lách, rau thơm và rất nhiều lau lách, cây dại mọc bơ phờ…

Những buổi chiều muộn, cầu Long Biên được nhuộm trong nắng đỏ là một cảnh lãng mạn tuyệt vời. Những dầm thép kiêu hãnh vươn lên trong nắng tà, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tranh thủ chụp những khoảnh khắc đẹp nhất của cây cầu để làm tác phẩm nghệ thuật của mình. Vào buổi tối, từng đôi nam thanh nữ tú đứng dựa vào thành cầu ngắm sông Hồng, trao nhau những nụ hôn say đắm được thăng hoa bởi gió sông lồng lộng.

Cây cầu là con đường đi lại mưu sinh của nhiều người lao động. Buổi sáng phía bên bờ Bắc thì người xuôi sang nhộn nhịp, buổi chiều thì bên phía bờ Nam nhộn nhịp người đi về hơn. Chỉ cần nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố. Và ở những khoảng rộng trên cầu thỉnh thoảng có những hàng bán đủ cả ngô, khoai, rau, cá tôm; vào mùa lạnh là ngô nếp nướng, khoai luộc thơm lừng… Cầu Long Biên, ai đã từng qua, thương nhớ còn không?

Uông Triều
.
.