Câu chuyện bán đứt tác phẩm

Thứ Năm, 23/11/2023, 14:36

Hôm 14/11 vừa rồi, phối hợp cùng Meta, VieOn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có một hội thảo khá chuyên sâu về bản quyền âm nhạc cũng như bản quyền nhạc số trên nền tảng mạng xã hội. Trong các tham luận trình bày tại hội thảo, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ phía truyền thông cũng như giới nhạc sĩ chính là câu chuyện “bán đứt tác phẩm”.

Thực chất, việc bán đứt tác phẩm âm nhạc là chuyện không cũ, tuy rằng nó vẫn bị hạn chế ở một số khu vực mà đơn cử là châu Âu. Hình thức bán đứt tác phẩm này đến từ nhu cầu đặt hàng rất cụ thể của bên sử dụng và sự đồng thuận tự nguyện của bên sáng tạo. Một trong những ví dụ điển hình nhất của bán đứt tác phẩm chính là các sản phẩm âm nhạc phục vụ các quảng cáo bằng hình ảnh động, nhạc hiệu cho các nhãn hàng. Sau khi sáng tác và bàn giao, bên mua sẽ toàn quyền sở hữu sản phẩm ấy chỉ với một lần trả tiền duy nhất và bên bán coi như đã từ chối mọi quyền phát sinh từ sau.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, với đặc thù riêng của showbiz là ca sĩ ưa thích mua độc quyền các ca khúc của các tác giả, chuyện bán đứt quyền sở hữu một tác phẩm đang gây tranh cãi rất lớn. Nó khác xa với chuyện một nhạc sĩ nhận đơn đặt hàng viết 1 ca khúc và sau đó ca khúc đó đứng tên sáng tác là người trả tiền. Ở trường hợp phổ biến trong showbiz, nhạc sĩ vẫn giữ quyền nhân thân nhưng sau khi ký vào bản hợp đồng, họ không còn nhận được bất kỳ quyền lợi tài chính phát sinh nào nữa và bên thụ hưởng nghiễm nhiên là ca sĩ. Thậm chí, nếu nhạc sĩ đăng tải ca khúc ấy lên kênh cá nhân riêng của mình (có bật kiếm tiền) và ca sĩ không hài lòng, quyền khiếu nại lên các nền tảng mạng xã hội lại nằm trong tay ca sĩ. Điều này là vô cùng trớ trêu. Nó giống y như việc đi đẻ con thuê vậy.

Sở dĩ có trường hợp này xảy ra là bởi suốt nhiều năm qua, các nhạc sĩ thiếu đi sự tỉnh táo thị trường nhất định. Sau khi trao ca khúc của mình cho một ca sĩ, việc soạn thảo hợp đồng được phó mặc cho bên mua. Và trong sự xuề xoà kiểu “toàn chỗ thân quen cả mà”, nhạc sĩ sẵn sàng ký vào hợp đồng mà không nắm hết các điều khoản của nó. Nói như tham luận của hội thảo kể trên, các nhạc sĩ đã bị chính các ca sĩ “gài bẫy”. Số lượng nhạc sĩ ở Việt Nam tự soạn thảo hợp đồng, hoặc thuê luật sư soạn thảo hợp đồng là cực hiếm, dưới 10 đầu ngón tay. Nhưng trớ trêu hơn nữa, những nhạc sĩ kiểu này thì lại… hơi bị ế bài.

Với sự bùng nổ của thị trường âm nhạc trên mạng xã hội như hiện nay, các nhạc sĩ đã đến lúc phải tỉnh táo hơn. Qua hội thảo kể trên, đa số đã nhận ra những lỗ hổng mà mình mắc phải vì chính sự xuề xoà, cả nể. Song, không phải nhạc sĩ nào cũng hiểu về luật, hoặc có khả năng thuê luật sư soạn thảo hợp đồng chuẩn theo luật. Chính vì thế, rất cần VCPMC cung cấp phổ biến các mẫu hợp đồng dạng này để cuộc chơi giữa nhạc sĩ và ca sĩ sòng phẳng hơn, minh bạch hơn, ít đi những điều tiếng kiện tụng hơn. Làm được điều đó, VCPMC đã đáp ứng chính tiêu chí trong tên gọi của mình: Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Văn Đoàn
.
.