“Cánh cửa mới” để tiếp cận Mỹ thuật Việt Nam đương đại

Thứ Năm, 03/03/2022, 15:20

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngày 25/2, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) chính thức mở cửa Không gian Mỹ thuật Việt Nam đương đại. Thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu hội hoạ, đặc biệt là các hoạ sĩ, không gian mới này còn được kỳ vọng sẽ mở thêm cánh cửa mới cho Mỹ thuật đương đại, giúp hình dung rõ hơn lộ trình của Mỹ thuật Việt Nam từ đổi mới cho đến nay.

Đến từ sớm và dạo nhiều vòng quanh triển lãm, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam vui mừng cho biết: Đây là cuộc "lật trang" hết sức đẹp đẽ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và cú hích cho mỹ thuật đầu năm Nhâm Dần 2022. Trong khi chúng ta chưa có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đương đại và việc có được Bảo tàng này sẽ vẫn còn là "giấc mơ xa", việc Bảo tàng dành riêng 2 tầng trưng bày tác phẩm mỹ thuật đương đại với 65 tác phẩm đầu tiên được trưng bày đã ít nhiều giúp người trong giới hình dung, dù chưa hẳn đầy đủ về lộ trình xuyên thế kỷ của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

image001-1646295845786.jpg
Triển lãm thu hút sự tham quan của đông đảo giới mỹ thuật ngay trong ngày đầu tiên.

Cũng theo hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, lâu nay, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đương đại vẫn được trưng bày chung nên chúng ta chưa có điều kiện hình dung "bức tranh" toàn cảnh về mỹ thuật đổi mới từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước đến nay. Nhưng Không gian Mỹ thuật Việt Nam đương đại có thể giúp người trong giới hình dung rất nhanh thế nào là mỹ thuật đổi mới với rất nhiều quan điểm, phong cách sáng tác rất khác nhau.

Trưng bày cho thấy, mỹ thuật đã có những tín hiệu vui về thay đổi kể từ năm 1976, tức là 10 năm trước khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Thực tế, bức tranh "Tan ca mời chị em ra họp thi đua" của cố hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung - người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976 đã cho thấy dấu ấn đổi mới, cả về hình tượng nữ công nhân và trong khuynh hướng sáng tác.

Trước đấy, người ta chỉ biết đến mạch đi của Mỹ thuật Đông Dương, qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không ai nghĩ sự thay đổi của mỹ thuật đến nhanh như thế. Các khuynh hướng sáng tác, các chất liệu, kể cả trên chất liệu truyền thống như lụa, sơn mài cũng được các tác giả thay đổi. Câu chuyện của xã hội Việt đương đại đã thay đổi như thế nào đã được thể hiện rất rõ qua hội hoạ, kể cả hội hoạ hiện thực hay trừu tượng, siêu thực. Bằng tài năng của các hoạ sĩ, người xem cảm nhận được tâm hồn, văn hoá Việt trong từng giai đoạn của đất nước.

sbv "Không gian Mỹ thuật Việt Nam đương đại là tín hiệu vui trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn mà giới hoạ sĩ vẫn nói vui là thập niên mỹ thuật bắt đầu cuộc đổi mới lần thứ 2, sau thập niên 80 của thế kỷ trước, với rất kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ hoạ sĩ trẻ", hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định.

Bày tỏ vui mừng vì hoạ sĩ đương đại có "ngôi nhà riêng" mới, hoạ sĩ Đỗ Minh Tâm cho rằng đây là ngày hội đầu năm của giới hoạ sĩ. Ký ức về những khó khăn, thách thức và cả những nỗ lực vượt khó một thời của người dân, của đất nước và nhiệt huyết lao động sáng tạo, quan điểm, góc nhìn của từng hoạ sĩ trong những năm tháng đổi mới được thể hiện rõ qua từng tác phẩm. Qua triển lãm, người xem hình dung được dòng người di chuyển từ các vùng nông thôn, miền núi về thành thị kiếm sống, thanh niên rời quê đi làm ăn xa, bản làng chỉ còn người già, trẻ nhỏ. Ở đó có góc phố chân cầu Long Biên, Hà Nội trong nhịp sống đô thị hiện đại, vừa phảng phất hoài niệm… Triển lãm như vườn hoa đua nở. Mỗi tác phẩm không chỉ biểu hiện chân thực về cuộc sống đương đại mà còn cho thấy những tâm tư, tình cảm, góc nhìn về thời cuộc khác nhau của các hoạ sĩ, và cả những tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt về sự cởi mở, hoà nhập với thế giới.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, tác giả bức tranh sơn mài "Phố Gầm cầu" - 1 trong 65 tác phẩm được chọn trưng bày cho biết, đây là bức tranh anh vẽ góc phố ngay dưới chân cầu Long Biên. Nhà anh ở khu phố cổ, ngày bé vẫn được bố qua khu vực này để đến lớp học. Khi trưởng thành, anh vẫn thường đi qua khu vực đó. Đời sống nơi đây với vô vàn các câu chuyện, hoạt động hàng ngày tạo nhiều ấn tượng, khơi nguồn cảm xúc để anh vẽ nên "Phố Gầm cầu". Nghiên cứu, vẽ cầu Long Biên, đời sống ở quanh khu vực này là sở thích của anh nhiều năm nay. Trong đó, "Phố Gầm cầu" đã trưng bày Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, trước khi được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hoạ sĩ rất vui, thấy mình vinh dự khi có tác phẩm được Bảo tàng chọn trưng bày ngay trong đợt mở cửa không gian mới, đầu năm Nhâm Dần 2022.

Chia sẻ của hoạ sĩ Đỗ Minh Tâm, Nguyễn Trường Linh cũng là tâm trạng chung của nhiều hoạ sĩ khác có tác phẩm được trưng bày hoặc đến tham quan triển lãm. Nhiều hoạ sĩ bày tỏ, được trưng bày tác phẩm tại đây là vinh dự và việc có được không gian mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở thêm nhiều cơ hội để công chúng tiếp cận nghệ thuật đương đại dễ dàng hơn.

Trao đổi quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng cho hay, từ sau Đổi mới (1986), Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Nhiều khuynh hướng, tư duy sáng tác mới từ bên ngoài được các hoạ sĩ, nhà điêu khắc tiếp nhận một cách nhanh chóng, có chọn lọc, từng bước tô đậm thêm diện mạo nền mỹ thuật nước nhà.

Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của Mỹ thuật Việt Nam Đương đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kịp thời song hành để tuyển chọn, sưu tầm, lưu giữ các tác phẩm xuất sắc, làm giàu thêm những bộ sưu tập đa dạng, phong phú, có giá trị cao, đã và đang được hình thành cùng chiều dày lịch sử phát triển của Bảo tàng.

Với việc điều chỉnh và mở rộng không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại lần này, Bảo tàng hy vọng sẽ giúp cho công chúng yêu nghệ thuật đón nhận không gian mới của mỹ thuật đương đại, để cảm nhận, suy ngẫm từ những thông điệp, hơi thở của cuộc sống thực tại qua các góc nhìn đa chiều của các nghệ sĩ về môi trường sống và đời sống xã hội, từ đó góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm của công chúng, tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh, hướng tới phát triển bền vững.

Đợt đầu, Bảo tàng giới thiệu 65 tác phẩm thuộc các thể loại hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc… trong giai đoạn từ những năm 1986 đến nay. Trong điều kiện không gian có hạn, trưng bày có thể còn chưa được đầy đủ và toàn diện nhưng Bảo tàng hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hợp tác, chia sẻ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và sự ủng hộ của công chúng yêu nghệ thuật, để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý phù hợp với sự vận động liên tục của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Hoa - Sen
.
.