Cánh cửa mở ra từ công nghiệp sáng tạo
Trong nhịp sống gấp gáp và mải miết, người ta thích tìm đến những quán cà phê mộc mạc, thích mặc những bộ quần áo vải thô, nghe một bản nhạc từ đĩa than cổ hay hát một bài hát xưa bằng giai điệu vang lên từ chiếc guitar gỗ... Như thế được coi là sống chậm. Một khái niệm không mới, vẫn bền bỉ tồn tại bên dòng chủ lưu vội vã.
Người viết cho rằng, sống chậm cũng đâu phải là sự phản kháng gay gắt, là sự lạc điệu so với xu thế chung ấy mà thực ra là một sự tích lũy động lực và tái tạo sức sáng tạo để hướng đến sự bứt phá mạnh mẽ. Ở phương diện nào đó, sống đâu chỉ là chỉ sự trải nghiệm, sống còn là sáng tạo. Việc sáng tạo nằm ở chính việc bạn đã lựa chọn hướng đi, cách sống cho mình như thế nào. Chẳng thế mà tỉ phú Bill Gates từng có câu nói rất hay: "Đừng so sánh bản thân với người khác, vì điều này khiến bạn đang tự hạ thấp bản thân mình".

Và, lịch sử đã chứng minh trái đất này không thể rộng lớn hơn nhưng thế giới đã trở nên khác biệt bởi sự kết nối, vượt qua cả các sa mạc, những dãy núi cao tuyết phủ hay đại dương mênh mông... Bạn thử nghĩ xem nếu vào năm 1838, Samuel Morse (1791-1872) không phát minh ra phương thức điện tín morse thì chắc gì ngày nay nhân loại đã có kho lưu trữ vô hình trên iCloud. Samuel Morse đã không chấp nhận đi theo lối mòn là trông chờ vào những người đưa tin hỏa tốc, vào bồ câu đưa thư mà quyết mở ra một cánh cửa mới cho nhân loại.
Tương tự như thế, các nhạc sĩ thiên tài như: Johann Sebastian Bach (1685-1750), Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), Ludwig van Beethoven (1770-1827), Johannes Brahms (1833-1897), George Frideric Handel (1685-1759), Felix Bartholdy Mendelssohn (1809-1847), Antonin Dvorak (1841-1904), Chopin (1810-1849)... của âm nhạc, và những tên tuổi bất hủ như: Vincent van Gogh (1853-1890), Leonardo da Vinci (1452-1519), Pablo Picasso (1881-1973), Michelangelo (1475-1564), Claude Monet (1840-1926)... của hội họa đã để lại cho hậu thế những suy cảm bất tận về nghệ thuật, góp phần tạo lập những giá trị cho thế giới hôm nay.
Cho đến tận ngày nay khi bạn được rung động, được liên tưởng trước những tuyệt phẩm âu cũng là niềm hạnh phúc và sự may mắn. Vậy thì, chẳng có lý do gì mà chúng ta không xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo thật nghiêm túc để các thế hệ sau được thụ hưởng thành quả đó như định nghĩa của UNESCO: "Công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm mang tính sáng tạo thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Đó là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ".

Lần đầu tiên xuất hiện ở Anh vào giữa thập niên 90 của thế kỉ XX, khái niệm "công nghiệp sáng tạo" (creative industries) dần được xem là lĩnh vực tăng trưởng chính trên thế giới. Giá trị mà sự sáng tạo đem lại hẳn đã quá rõ.
Hãy thử lấy một vài ví dụ: Tính đến ngày 21/4/2025, bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã vượt mốc doanh thu 150 tỷ đồng. Nhưng, đằng sau những thành công của các bộ phim còn là việc tạo ra công ăn việc làm cho người làm việc tại các rạp chiếu phim, tạo sinh kế cho người dân cung cấp dịch vụ đi kèm phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đó. Chưa kể đến các hoạt động ngoài trời với quy mô lớn hơn, kéo theo sự xuất hiện của nhiều nguồn thu hơn nữa...
Nói về điều này, TS Hồ Trọng Minh cho rằng: "Công nghiệp sáng tạo cũng không phải là khái niệm duy nhất và một chiều, mà là khái niệm đang hình thành và dựa trên các thành công trong thực tiễn đời sống để tiếp tục mở rộng các phạm vi. Một quan niệm hình thành rằng công nghiệp sáng tạo là sự tương tác giữa ý tưởng của con người và công nghệ. Về cơ bản, đó là các hoạt động kinh tế tri thức. Nó khác với các dạng công nghiệp khác là công nghiệp sáng tạo hàm chứa, tích lũy giá trị sáng tạo với tỷ trọng lớn. Nó không chỉ tạo nên hàng hóa (sáng tạo) như các ngành khác mà nó còn tạo ra các dạng dịch vụ sáng tạo trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật mà đồng thời, sáng tạo và văn hóa có một giá trị quan trọng, phi tiền tệ, góp phần vào sự phát triển xã hội đối thoại và hiểu biết giữa các dân tộc" (theo: Tạp chí Văn hóa, Nghệ thuật số 518, tháng 12/2022).
Khi nói đến đây, một câu hỏi đặt ra: Vậy tại sao vẫn còn những vướng mắc khiến cho công nghiệp sáng tạo chưa phát triển? Những "tảng đá" nào đang cản đường? Theo người viết, tất cả nằm ở cách tiếp cận, từ cách tiếp cận vấn đề và ứng xử sẽ nói lên ý tưởng trong tổ chức xây dựng chương trình, kịch bản các hoạt động tự nhỏ đến lớn.

Nếu như trước đây Philip Kotler từng nói: "Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới" thì văn hóa, nghệ thuật và sự sáng tạo có lẽ còn có dư địa lớn hơn rất nhiều so với ẩm thực Việt. Một chiếu chèo sân đình mở ra không gian đồng sáng tạo giữa diễn viên và quần chúng (đều là nông dân), lằn ranh giữa nghệ thuật và cuộc sống vừa mong manh vừa đầy bất ngờ. Những con lợn, con gà, mèo, chuột, cá chép... tranh Đông Hồ vừa sinh động, gần gũi, vừa cách điệu để đạt đến biểu tượng, biểu đạt các triết lí dân gian đã thẩm thấu vào tâm hồn bao thế hệ... Vậy, những vốn liếng đó có cơ hội đến với đời sống tâm hồn con người hôm nay không?
Mới đây, nhiều bạn trẻ háo hức rủ nhau đến quán Sắn.cafe tại phố Nguyễn Xiển (Hà Nội) để check in bởi một điều rất thú vị: cổng chính là bức tranh đám cưới chuột được AI biến tấu; ngoài ra còn có: trần nhà, mặt sau của quán và đồ uống (trà Đông Hồ) cũng mang không khí dân gian. Đặc biệt hơn, theo anh Phan Minh Long (chủ quán) cho biết: "Đám cưới chuột cũng là ẩn dụ cho mong muốn khách tấp nập tới quán" (theo: Nguyễn Hà Nam - Lê Phương Anh, vnexpress.net).
Tương tự như thế, chúng ta cũng bắt gặp một sáng tạo khác. Khi nói về sự sáng tạo trong MV "Bắc Bling", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định: "Cho nên, ngoại trừ ca từ xuất hiện mấy chữ 'người ơi, người ở đừng về', 'nón quai thao', 'anh hai', 'hội Lim', âm nhạc "Bắc Bling" không liên quan gì đến quan ho; có chăng, chỉ phảng phất ảnh hưởng qua lại giữa các dân ca trong cùng một vùng Bắc bộ và Đồng bằng Bắc bộ với nhau. Vì vậy, không phải lo lắng "Bắc Bling" phá quan họ" (theo: Hà Thu - vnexpress.net).
Trong hội họa đương đại, ta cũng bắt gặp sáng tạo của họa sĩ Vũ Hiệp như ở các tác phẩm "Cá mõ", "Trọi trâu" (chất liệu lụa) hay trong các tác phẩm gốm Mường của họa sĩ nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu. Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông nhận định: "Với gốm Mường, nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu trước hết đã tạo được nhiều tác phẩm điêu khắc riêng, độc đáo, sau đó là nỗ lực tôn vinh văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa Mường nói riêng của Không gian văn hóa Mường đã được ghi nhận như Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 (Hàn Quốc) hay Giải thưởng Phan Châu Trinh về Văn hóa - Giáo dục (2013)".
Như Thomas Carlyle (1795-1881) đã nói: "Giá trị của sáng tạo không phải là sự mới mẻ; đó là sự thành thật". Với đặc trưng là một lĩnh vực biến ý tưởng thành hàng hóa, mọi sự sáng tạo đều bắt đầu từ sự thành ý, muốn bản thân được khẳng định, muốn cộng đồng, xã hội đó có được các giá trị tinh hoa thay vì danh tiếng hay lợi nhuận nhất thời. Bởi thế, người viết tin rằng cánh cửa mở ra từ công nghiệp sáng tạo sẽ đem đến cho rất nhiều người trong số chúng ta cơ hội để khẳng định bản thân và đạt đến những giá trị trong tương lai...