Cần xem trọng nhà văn hóa cộng đồng

Thứ Tư, 17/07/2024, 15:19

Nhà văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu từ năm 2020 trên tổng diện tích khoảng 2.000 m2, hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 17 tỷ đồng bất chợt nổi tiếng sau khi xuất hiện trên các trang báo và lan truyền trên khắp mạng xã hội. Chỉ nhìn qua đã thấy nội thất và các thiết bị trong nhà văn hóa được trang bị hiện đại hơn cả các phòng họp của tỉnh, của huyện.

Lãnh đạo chính quyền xã Giao Phong khẳng định: “Công trình nhà văn hóa xã được xây dựng dựa trên tình hình, nhu cầu thực tế của địa phương, nhằm phục vụ cho các cuộc họp của Đảng bộ, các ban, ngành, đoàn thể cũng như phục vụ các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của bà con trên địa bàn xã".

Nhìn tổng quan nhà văn hóa này thì không ít người kinh ngạc, trầm trồ đúng là “độc, lạ và khủng”. Không ít người dân tỏ ra thích thú và tự hào khi được sinh hoạt ở một nhà văn hóa xã sang trọng như vậy. Nhà văn hóa được xây dựng đẹp đẽ thì tần suất vận hành sẽ hiệu quả, thu hút không ít những hoạt động, lễ hội văn hóa của bà con cư dân, thậm chí còn có thể tạo được nguồn thu. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của sự phô trương, hình thức và lãng phí, không phù hợp với hoàn cảnh, dân trí, văn hóa của địa phương và Việt Nam.

nhà văn hoá cộng đồng tránh lũ ở lệ thuỷ quảng bình.jpg -0
Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ ở Lệ Thủy, Quảng Bình.

Vài năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một trong các tiêu chí để đạt được nông thôn mới là xã, thôn, bản phải có nhà văn hóa - “ngôi nhà chung” cho người dân có chỗ hội họp, sinh hoạt các đoàn thể, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí dịp lễ, tết, góp phần thay đổi bộ mặt, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.

Thực tế cho thấy, ở một số nơi được sự quan tâm của chính quyền và sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, cánh cổng của nhà văn hóa luôn rộng mở, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong trào đa dạng, có chiều sâu, thiết thực, đã thu hút được đông đảo người dân đến sinh hoạt. Nhưng, cũng không thiếu nơi nhà văn hóa hoàn thành nhưng không có kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở có năng lực và cơ chế phù hợp để hoạt động nên những “ngôi nhà chung” chỉ mở cửa đôi, ba lần trong năm để tổ chức họp dân, họp khu phố, sinh hoạt của các chi bộ, các đoàn thể, thỉnh thoảng cho thuê tổ chức đám cưới..., còn hoạt động của các câu lạc bộ văn - thể nghèo nàn, kém hấp dẫn, không thu hút được người dân cùng tham gia, nên luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài” vì ban quản lý lo lắng việc bị kẻ xấu đột nhập, trộm cắp các trang thiết bị bên trong.

Tình trạng xây nhà văn hóa theo lối áp đặt, không đúng với phong tục, tập quán của cộng đồng, “chạy đua” cho đạt chỉ tiêu, cho kịp tiến độ để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu nhưng hoạt động èo uột, không đem lại lợi ích cho người dân sẽ dẫn đến các nhà văn hóa được xây dựng nhiều nhưng tần suất sử dụng ít hoặc sử dụng sai mục đích rồi bỏ hoang, xuống cấp, lãng phí tiền của, gây bức xúc dư luận.

Trở lại với nhà văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, nhiều người đặt câu hỏi: Chi phí lớn đến như vậy thì hiệu quả đến đâu? Điều này có tác dụng gì đến sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay không? Dù có một phần nguồn kinh phí được xã hội hóa, nhưng một phần trích từ ngân sách, tiền thuế của người dân thì không thể tùy tiện mà cần tính toán kỹ xem đời sống của người dân có tương xứng với quy mô nhà văn hóa hay không?

Nhà văn hóa xã, thôn, bản là nơi sinh hoạt cộng đồng, với mục đích gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê, gắn vào phong trào xây dựng nông thôn mới thì xây dựng nhà văn hóa vừa phải đạt tiêu chí văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của từng vùng quê càng trở nên có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để nhà văn hóa nông thôn hoạt động có hiệu quả thì không phải thôn, bản, làng nào cũng làm được mà cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, một đội ngũ cán bộ có năng lực tổ chức hoạt động không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn nghệ, thể thao đơn thuần, mà phải mang tính chất đa năng, đa dạng, thiết thực để phục vụ, đáp ứng được các nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Xin đừng để tồn tại trong tư tưởng của người dân suy nghĩ các nhà văn hóa được dựng lên không phải từ nhu cầu thực sự của người dân mà là ý tưởng của các nhà quản lý khi vung tiền vào những dự án, công trình mơ hồ về lợi ích, những sự kiện mang tính hình thức phô trương, hoành tráng... nhưng giá trị thực chất thì không có gì đảm bảo.

Cù Tất Dũng
.
.