Cần xây dựng văn hóa Tết
Tết là một nét văn hóa của người Việt, là hồn vía, là bản sắc không thể đánh mất. Chẳng thế mà không ít lần trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội đã nổ ra các cuộc tranh luận kiểu: giữ Tết hay bỏ Tết, ăn Tết Ta hay Tết Tây…
Diễn viên - Đạo diễn Thái Hòa từng phát biểu: "Tôi thấy bỏ Tết ta mà giữ nguyên cái văn hóa làm việc "cà lơ phất phơ" như giờ thì có bỏ luôn Tết tây cũng vậy! Cái cần thay đổi là văn hóa làm việc, ý thức của bản thân đối với công việc... Việt Nam mình "được" như giờ có phải là do Tết ta đâu!? Còn muốn thật sự bỏ Tết ta hả? Hãy "ra lệnh" hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa…".
Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân lại phân tích: "Vì chính cứ thích cổ truyền, rồi tâm linh, thì mình vẫn nghèo hoài. Mình càng giữ cổ truyền thì mình càng giữ cái nghèo. Càng nghèo lại càng thích ăn nhậu. Trồng lúa phải dùng phân bón thì mới năng suất cao. Nhưng bạn để ý những dân tộc sống trên núi cao không, có nơi họ giữ phong tục là để cây lúa tự nhiên, tự nhiên thì tốt thôi nhưng mà cứ đói hoài, nghèo hoài. Có những gia đình hai vợ chồng người dân tộc như tôi biết, họ cải tiến cách làm nông nghiệp, họ nuôi trồng thuỷ sản, nuôi cả gia đình, làm giàu cho quê hương. Phải đổi mới thì chúng ta mới có thể làm giàu cho mình và đất nước".
Bản thân ngày Tết là một yếu tố văn hóa nhưng cũng cần một văn hóa Tết. Có điều trong thực tế, cái vế thứ hai vẫn còn khá mơ hồ. Chỉ riêng chiếc phong bao lì xì hay gói quà Tết đã đủ làm bao người cấn cá, đủ để day dứt giữa cái lý, cái tình, cố gắng cho êm đẹp hay buông bỏ cho nhẹ lòng: "Tôi rất thích cách mà một người bạn của tôi lì xì cho trẻ nhỏ trong gia đình và bạn bè xung quanh. Vào dịp Tết, người bạn này của tôi sẽ chuẩn bị rất nhiều voucher (phiếu mua hàng) để nhét vào lì xì với đủ những bất ngờ thú vị bên trong: đôi khi là voucher miễn phí để mua sách, một bộ đồ chơi, thậm chí một chuyến du lịch; nhưng cũng không thiếu những món quà nho nhỏ như voucher mua một đôi giày trẻ em, một cái móc chìa khóa ngộ nghĩnh... Dù làm thế có thể còn tốn kém hơn cả việc lì xì bằng tiền, nhưng bạn tôi vẫn lựa chọn cách làm tốn thời gian đó, vì bạn tôi cho rằng, nó mang lại nhiều ý nghĩa hơn so với cách lì xì truyền thống". Nhà báo Tô Lan Hương nói.
Thật ra, cách ứng xử của người bạn mà tác giả Tô Lan Hương kể thật thú vị nhưng có điều dường như nó chưa thuộc về dòng chủ lưu của Tết. Trong những năm gần đây, nhiều chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nhiều hoạt động cộng đồng nhằm tạo ra một cái Tết tinh thần. Không ít bạn trẻ chọn du lịch, trải nghiệm làm cách thưởng Tết, "ăn Tết" hay xông đất những địa danh mà mình muốn được ghé thăm từ lâu. Thế nhưng, quan điểm Tết tài lộc, Tết cầu an, cầu may… vẫn khá nặng nề. Nó không chỉ dừng ở lời chúc, ở nén hương thơm trong ngày đi vãn cảnh chùa mà đè nặng lên tâm hồn của cả những đứa trẻ.
Điều đáng nói ở đây, nếu một mặt hàng như xăng dầu, sách giáo khoa, thực phẩm hay phí lưu thông đường bộ… tăng giá, lập tức sẽ gặp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận. Nhưng riêng chiếc phong bao lì xì lại thuộc về một tục lệ, một luật "mềm", đủ làm những cặp vợ chồng âm thầm xung đột, lo âu, suy nghĩ. Báo Lao động từng trích dẫn tâm sự của chị Hoàng Kim (28 tuổi, ngụ Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh): "Tôi ra trường được 6 năm nay, tuy nhiên công việc văn phòng không mấy khá giả. Với mức lương mỗi tháng 7 triệu đồng, mỗi dịp Tết, tôi đều sắm sửa Tết. Tôi và ông xã kết hôn được hai năm, cả hai đều còn trẻ nên lương bổng cũng không cao. Chính vì thế, hai năm qua mỗi khi về quê đón Tết, nghĩ đến việc lì xì thế nào, bao nhiêu, đôi khi chúng tôi lại có những tranh cãi".
Những "tranh cãi" mà chị Kim nói xuất phát từ sự thiếu thốn tiền bạc, đến tâm lý, tinh thần nhưng đằng sau đó còn là sự tranh biện âm thầm trong từng con người, trong từng cặp vợ chồng, từng gia đình… nơi lưu giữ những phong tục tập quán truyền thống. Họ đã và đang cất lên tiếng nói phản biện như để điều chỉnh, để lựa chọn cách làm khác nhưng có lẽ bản thân họ chưa tìm thấy một cách làm mới, một sự thay đổi mang tính căn bản bởi sâu xa sau việc lì xì cho trẻ em ấy là gì?
Thật ra, văn hóa Tết phải được xây dựng từ chính những ngày trong năm. Từ cách chi tiêu hàng ngày, từ sự tích cực trong lao động cho đến cách quan tâm họ hàng, người thân. Có không ít người cả năm chẳng mảy may nghĩ đến một đứa cháu ở quê có đủ đồ dùng học tập hay không? Cháu có áo ấm, giày ấm đến trường hay không mà chỉ cần Tết về mừng tuổi cháu tờ tiền coi như đã hoàn thành nghĩa vụ làm bác, làm chú. Ngẫm ra, chính họ cũng đã biến mình thành một "nạn nhân" của chính cách tiêu tiền này. Khi phó mặc tình cảm cho những món quà, họ lúng túng trong vòng luẩn quẩn đó, bị lệ thuộc vào những "luật mềm" của Tết.
Tết cũng là dịp "cười ra nước mắt" với những đối lập, bất công từ hai giới. Có tác giả từng viết như thế này: "Cánh đàn ông thì thỏa sức nạp rượu, bia, thịt, cá... vào người; còn hội phụ nữ thì nhận hết lấy niềm "vinh hạnh" rửa chén bát, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa sau mỗi cuộc vui". Sự bất bình đẳng ấy âu cũng là phong tục, thói quen trong ngày Tết chăng? Người viết thấy rằng chị em phụ nữ thường tụ tập than thở cho nhẹ lòng rồi tự an ủi mình: "Âu cũng là muôn thuở", "Kiếp sau đừng làm phụ nữ", "Lấy đâu ra anh chồng quốc dân không nhậu, biết phụ vợ"…
Thật ra, "anh chồng quốc dân" mà họ mơ ước phải do chính sự thay đổi trong suy nghĩ của hai giới tạo ra. Việc gắn mác ăn Tết, chơi Tết cho các gặp gỡ tụ tập, nhậu nhẹt tối ngày ấy chẳng biết sẽ tạo ra nét văn hóa gì khi những con số thống kê như: 216 vụ tai nạn giao thông sau Tết nguyên đán Nhâm Dần; gần 3.000 ca cấp cứu do đánh nhau; gần 30.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn… Ai cũng thấy, cũng biết, cũng ái ngại nhưng thử hỏi đã có mấy người nỡ từ chối chén rượu tân xuân với đủ lí do: "chúc sức khoẻ", "giao lưu", "giới thiệu"… Chẳng biết những cuộc nhậu nhẹt đó có tăng thêm tình làng nghĩa xóm hay là hòn đá tảng cản trở guồng quay của cả một năm.
Văn hóa Tết cần được xây dựng từ trong mỗi gia đình. Tùy vào hoàn cảnh để có cách lựa chọn ăn Tết gần hay xa, sắm sửa, tặng quà, lì xì cho đến cách mời bạn bè và đi chúc Tết. Có lẽ, nét văn hóa chúc Tết ấm tình người khi hàng xóm láng giềng ghé thăm nhau, hỏi han, chia sẻ để tăng thêm sự gắn kết trong cộng động đang dần mai một. Không chỉ không gian đời sống đứng trước thách thức "làng lên phố" mà cả trong đời sống tâm hồn cũng chịu cái sức ép "phố hóa" bởi có khi ngay sát vách cũng chẳng tường mặt nhau. Người với người đang có một khoảng cách mà Tết là bài test dễ thấy nhất.
Nếu ngày xưa "Miếng trầu là đầu câu chuyện" thì giờ đây đã thay bằng chén rượu, mâm cơm, liệu văn hóa Tết có đổi thay? Câu hỏi ấy cần đến sự thực hành bằng chính những mùa Tết trong mỗi gia đình Việt Nam…