Cần tôn trọng âm nhạc kinh điển

Thứ Tư, 10/01/2024, 15:40

Đêm thứ Bảy tuần vừa rồi, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) đã tổ chức một đêm hòa nhạc hấp dẫn, được sự tưởng thưởng rất lớn từ những khán giả ngồi chật kín khán phòng. Với chủ đề "Spanish & Italian Pop Opera", HBSO đã giới thiệu những tác phẩm âm nhạc kinh điển, đặc sắc trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Cùng sự góp mặt của nhạc trưởng Lê Phi Phi, soprano Phạm Khánh Ngọc, bass baritone Đào Mác…, đêm hòa nhạc đã để lại ấn tượng đẹp và cho thấy những nỗ lực lớn của đội ngũ sản xuất cũng như nghệ sĩ trong giai đoạn còn nhiều khó khăn này.

Cần tôn trọng âm nhạc kinh điển -0

Tuy nhiên, khi mà các nghệ sĩ cố gắng nhất, khát khao cống hiến nhất thì lại tồn tại khá nhiều hạt sạn từ phía khách quan dẫn tới việc chương trình chưa thể được xem là thành công một cách đúng nghĩa. Và những hạt sạn từ khách quan ấy lại không xảy ra như một tai nạn hi hữu mà đáng buồn lại đang là thực trạng hiện nay của đời sống âm nhạc thành phố. Nó cho thấy, dù được không ít khán giả mến mộ, không ít nghệ sĩ dám vượt khó để theo đuổi, âm nhạc kinh điển vẫn chưa được tôn trọng đúng nghĩa.

Đầu tiên phải kể đến chuyện mặt tiền của Nhà hát TP Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của địa phương nói chung và của cả nước nói riêng. Cách đây chưa lâu, chính đơn vị chủ quản Nhà hát còn kêu trời về nạn bãi gửi xe tự phát xâm phạm không gian mặt tiền thành phố, khiến mất mỹ quan của công trình này thì ngay ở đêm hòa nhạc trang trọng kia, chình ình ngay ở cái không gian mà họ từng than vãn là bị lấn chiếm kia lại là các gian hàng của nhiều nhãn hàng được tổ chức không khác gì một hội chợ. Chính sự tồn tại của những gian hàng như hội chợ này đã khiến một thánh đường nghệ thuật trở nên nhếch nhác thực sự. Nó là một sự mất cân xứng tuyệt đối giữa sự kiện trang trọng đang được tổ chức phía bên trong với những gì xô bồ đang xảy ra bên ngoài. Không hiểu sự xuất hiện những gian hàng này được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền nào: chính quyền Thành phố? Sở Văn hóa - Thể thao hay chính cơ quan quản lý Nhà hát TP Hồ Chí Minh? Và nếu kết hợp với cả không gian quán cafe chiếm dụng sau lưng Nhà hát dưới danh nghĩa "Căng tin Nhà hát TP Hồ Chí Minh", đã biến Nhà hát TP Hồ Chí Minh thành một siêu thị cấp thấp đúng nghĩa.

Kế đến là ý thức của một bộ phận nhỏ khán giả trẻ. Trên vé và giấy mời có ghi rõ ràng thời gian (20h) và quy định về trang phục (formal: trang nhã, lịch sự) nhưng đến khi âm nhạc cất lên rồi vẫn có những khán giả lục tục kéo vào khán phòng, tạo ra sự khó chịu cho những người đang yên lặng thưởng thức. Và không ít trong số những khán giả ấy, có người thản nhiên mặc cả áo thun, quần cộc, một trang phục theo nguyên tắc bất thành văn là cấm được mặc đi xem hòa nhạc kinh điển. Nếu như ở các khán phòng dạng này trên thế giới xuất hiện những khán giả ăn mặc thiếu nghiêm túc như vậy, kể cả họ có cầm trên tay tấm vé VIP nhất đi nữa, bảo vệ cũng không bao giờ cho phép họ lọt qua cổng ngoài chứ đừng nói đến chuyện vào ngồi trong khán phòng.

TP Hồ Chí Minh được xem là một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của cả nước và ở trung tâm ấy, Nhà hát TP Hồ Chí Minh lại chiếm vị thế trung tâm nhất. Đó là nơi dành cho những chương trình phải giàu tính nghệ thuật nhất, phù hợp không gian và không khí văn hóa nhất. Tuy nhiên, tình trạng "nhếch nhác hóa" này đã tồn tại quá dài mà không một cảnh tỉnh, một nhắc nhở nào được đưa ra. Chính sự tồn tại kéo dài này đã vô tình hạ thấp tiêu chuẩn và thước đo văn hoá của TP Hồ Chí Minh và nó ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự và niềm tự hào của những nghệ sĩ cũng như những công dân của thành phố được xem là trái tim của phía Nam.

Văn Đoàn
.
.