Cần rà soát bằng cấp

Thứ Năm, 03/11/2022, 07:28

Lâu nay chúng ta đã nghe nói nhiều đến cụm từ “học giả bằng thật” và thời gian qua cũng đã có không ít người là cán bộ, đảng viên đang làm việc trong bộ máy Nhà nước bị phát hiện dùng bằng giả; gian lận trong thi cử; chưa có bằng cử nhân đã có bằng tiến sĩ… để tiến thân. Những vấn đề này trước chỉ là xôn xao trong dư luận và thỉnh thoảng xuất hiện trên một số mặt báo.

Chiều 28/10, tham gia thảo luận tại Quốc hội, ông Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nói: vừa qua cơ quan đảng các cấp đã kỷ luật nhiều cán bộ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi được coi là "lò ấp" đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. Vì vậy, ông đề xuất kiểm tra toàn bộ bằng tiến sĩ, thạc sĩ của cán bộ nhằm sàng lọc, đảm bảo chất lượng quản lý, điều hành của hệ thống chính trị.

Vâng, đã kỷ luật những người “ấp trứng”, vậy có cần kỷ luật những “con gà” không? Câu hỏi cũng là câu trả lời, là rất nên một lần nữa rà soát và kiểm tra lại tất cả những bằng cấp của những người đã được cơ sở đào tạo này cấp trong thời gian qua, việc làm này chắc không mấy khó khăn, hãy bắt đầu từ chính Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi đến Đại học Đông Đô, vì vụ việc ở Đại học Đông Đô đã ầm ĩ một thời gian dài nhưng hình như việc công khai những nhân vật đã trót cầm bằng thật mà học giả ở đây vẫn chưa được như kì vọng của đông đảo người dân quan tâm, đang có dấu hiệu “chìm xuồng” và sau đấy sẽ lần lượt rà soát sang các cơ sở đào tạo khác, tin chắc rằng sẽ còn nhiều vị “tiến sĩ giấy” lộ diện.

Có nhiều cách để rà soát, mà cách đơn giản nhất và đầu tiên có lẽ là cho bản mềm của luận văn, luận án chạy trên phần mềm của DoIT (của Trường Đại học Công nghệ); Small SEO Tool; Plagium,… sẽ dễ dàng phát hiện được tỷ lệ phần trăm đạo văn; kiểm tra trực tiếp về ngoại ngữ, viết một đoạn văn, trò chuyện trôi chảy với hội đồng thẩm định bằng chính ngoại ngữ mà thí sinh đã đăng kí; bảo vệ lại chính cái luận văn, luận án của thí sinh trước một hội đồng chuyên môn khác (không phải hội đồng đã từng “cho điểm đẹp” trước đấy) và cuối cùng là hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lại những luận văn, luận án đã được bảo vệ.

Đó là nói về các “ông nghè” tốt nghiệp các cơ sở đào tạo trong nước, còn đối với những “ông nghè” được đào tạo ở nước ngoài thì thực sự là khó khăn hơn, vì ở nhiều quốc gia có các điều khoản cụ thể bảo hộ học vị trong Luật Giáo dục của họ. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là sẽ không làm được, vì không ít “ông nghè” bảo vệ thành công luận văn, luận án của mình ở một nước nào đó nhưng không thể nói và viết được chính ngôn ngữ của nước đó. Mà từ nói thông đọc thạo đến nghiên cứu khoa học còn là một khoảng cách rất xa.

Vẫn biết rằng, để rà soát được tất cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ trên cả nước sẽ rất tốn kém và muôn phần khó khăn, nhưng thiết nghĩ đây là một việc làm rất cần thiết để trả lại sự công bằng, danh dự và danh giá cho những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thật và đem lại niềm tin cho nhân dân.

Nguyễn Thế Hùng
.
.