Cần nhìn từ phía gia đình
Hình ảnh một em nam sinh lớp 8 bị nhóm bạn tấn công vào vùng kín nhiều lần đã khiến nhiều người không kìm được sự nổi giận. Đó là hành động xâm phạm và bạo hành thân thể, thể hiện sự tha hóa đạo đức trong xã hội ngày hôm nay, dù thực hiện hành vi chỉ là những thiếu niên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Câu hỏi được đặt ra nhiều năm qua là “làm sao để giải quyết triệt để bạo lực học đường?” vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Khi những đứa trẻ chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm về việc hành hung bạn của mình, kỷ luật nặng nhất đối với chúng chỉ đến mức độ đuổi học. Áp dụng kỷ luật đuổi học cũng đồng nghĩa với sự bất lực của giáo dục. Rõ ràng, khi buộc một đứa trẻ ở tuổi có quyền được học không thể tiếp tục đến lớp nữa, công tác giáo dục riêng đối với đứa trẻ đó đã thất bại. Không một hiệu trưởng nào muốn ký quyết định buộc thôi học một học sinh của mình cả. Đó là một nỗi đau thầm kín của người làm nghề giáo. Phần lớn, các trường hợp xử lý bạo lực học đường cũng mới chỉ dừng ở mức độ đình chỉ học tập có thời hạn. Đình chỉ không có nghĩa là hành vi bạo lực ấy sẽ kết thúc. Nó có thể vẫn sẽ xảy ra, nhưng kín đáo hơn mà thôi.
Khi những đứa trẻ chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hành hung bạn của mình, sự non nớt của kinh nghiệm, kiến thức có thể sẽ làm chúng không lường được hậu quả để lại lớn đến mức độ nào. Đó mới là điều đáng ngại nhất trong vấn nạn bạo lực học đường hôm nay. Quá tay có thể khiến bạn thương tật vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhưng đại đa số, cái hậu quả để lại rõ ràng nhất chính là tâm lý của nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khi hình ảnh mình bị hành hung được phát tán trên mạng xã hội.
Đối diện với vấn nạn ấy, nhiều người cho rằng trách nhiệm của nhà trường rất lớn, vì nhà trường quản lý học sinh đa phần thời gian trong ngày. Điều đó không sai. Nhưng nếu chỉ nhìn từ phía học đường, chúng ta có thể sẽ không bao giờ ngăn chặn được bạo lực học đường.
Chúng ta từng biết các cách giáo dục ở những quốc gia láng giềng châu Á. Hóa ra, hiện đại đến mấy, họ cũng vẫn giữ nền nếp Á Đông trong giáo dục là sự nghiêm khắc nhiều khi đến khắc nghiệt của người thầy. Sự nghiêm khắc ấy làm học sinh nể sợ. Và khi đã nể sợ, học sinh dễ đi vào khuôn khổ hơn. Trong khi đó, hiện nay tình trạng học sinh không còn nể sợ thầy cô giáo của mình lại đang có chiều hướng gia tăng.
Nhiều trường hợp, chỉ vì nghiêm khắc với học sinh mà giáo viên bị khiển trách, bị công kích và vì cha mẹ học sinh quá bênh con, coi hành vi của thầy cô giáo là phản giáo dục, là không văn minh so với các nước phương Tây. Đúng là ở các nước phương Tây, giáo dục không đặt nặng tính răn đe như Á Đông nhưng có bao giờ các bậc phụ huynh Việt Nam tự so sánh xem mình đã có cách hành xử văn hóa như phụ huynh phương Tây hay chưa, nhất là ở các trường hợp sai phạm liên quan đến con cái mình.
Vì thế, có lẽ cần nhìn từ phía gia đình trước tiên. Nếu gia đình chấp thuận một sự nghiêm khắc, khả năng học sinh Việt Nam sẽ vào khuôn phép hơn là có hay không?
Câu trả lời đó, cũng chính là câu trả lời mang trách nhiệm xây dựng một xã hội văn minh của chính từng người chủ gia đình.