Cần nghiêm trị căn bệnh “Tiến sĩ giấy”
Công cuộc hội nhập, phát triển đất nước đang đòi hỏi phải có một tầng lớp trí thức, các nhà khoa học ngang tầm quốc tế và khu vực. Như vậy, chúng ta cần trị căn bệnh “Tiến sĩ giấy” thì hãy trị từ gốc chứ đừng trị ngọn nữa.
Luận án tiến sĩ giáo dục học “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” được công bố trên trang luanvan.moet.edu.vn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là có thật. Không biết nội dung nghiên cứu là gì, nhưng khi báo chí, truyền thông phản ánh thì bất kỳ ai khi đọc tiêu đề của luận án cũng phải bật cười: “Rất mới mẻ đấy chứ? Đề tài dành cho công chức toàn tỉnh cơ mà, cũng cần phải có kế hoạch cho công chức chơi thể thao để có sức khoẻ tốt phục vụ nhân dân...”. Kiểu này mai mốt chắc chắn sẽ có thêm tiến sĩ bóng bàn, tiến sĩ bida, tiến sĩ karate, tiến sĩ bơi lội...?.
Nghe các danh hiệu “tiến sĩ” kiểu này, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh cậu bé nhặt banh quần vợt Xuân tóc đỏ nhờ sự lưu manh, giảo hoạt từng bước ngoi lên để trở thành “Me sừ” Xuân rồi “Giáo sư quần vợt” trong tiểu thuyết nổi tiếng “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Thiết tưởng, những câu chuyện đau lòng, cười ra nước mắt ở trong “Số đỏ” chỉ có ở thời phong kiến nửa thực dân, nhưng soi vào thực tế hiện nay, những mẫu người như nhân vật Xuân tóc đỏ hình như lại đang có cơ hội nổi lên khi gặp một mảnh đất vô cùng thuận lợi là sự háo danh, chuộng hư danh của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thành đạt trong xã hội.
Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc học bậc tiến sĩ quá đơn giản. Người học chuyên tu, tại chức cũng có thể bảo vệ thành công luận án trong 3 đến 4 năm. Bằng Tiến sĩ “hấp dẫn” cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước chủ yếu chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” cho sự đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc. Chính vì vậy, số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.
Đã từ lâu, việc đào tạo tiến sĩ ở nước ta đã được dư luận báo động. Báo chí đã nhiều lần phê phán hiện tượng "Lò sản xuất Tiến sĩ” và đả kích cái nạn "Tiến sĩ giấy" vì chất lượng công trình quá yếu. Điều này cho thấy, hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, nghiệm thu… dẫn tới sẽ có thêm nhiều tiến sĩ kém chất lượng nhưng vẫn được ''ra lò''. Xin dẫn ra đây một ví dụ, chỉ trong năm 2015, riêng Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cho “ra lò” 165 tiến sĩ, tính theo ngày làm việc thì chỉ cần 1 ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò 1 tiến sĩ. Những người có tâm huyết với nền khoa học cho rằng: "Nếu làm tiến sĩ như thế này thì chỉ lãng phí tiền của, vô bổ, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước”.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thì nước thịnh, nguyên khí yếu thì nước suy”. Bởi thế, Nhà nước Việt Nam từ xưa cho tới nay luôn luôn lo chăm sóc, vun xới cho những tài năng của đất nước. Nhờ có chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, không phân biệt xuất thân sang, hèn nên đã tuyển dụng được nhiều người đích thực tài năng, tạo dựng được thể chế của các vương quyền, tồn tại mấy nghìn năm. Những người đỗ đạt đều phải trải qua các kỳ thi nghiêm ngặt, như: Thi hương, thi hội, thi đình, để chọn ra các tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên. Đặc biệt, phải chọn người có phẩm hạnh trong sáng, trung thực, vô tư mới được triều đình giao trọng trách.
Bởi vậy, những người đỗ đạt đều thực học và các chức vụ cao, thấp của họ đều do thứ hạng đạt được trong các kỳ thi để bổ nhiệm. Do đó các quan lại đều phục tài nhau về học vấn, tài năng và đức độ... nên ít xảy ra trường hợp “trên bảo, dưới không nghe”. Đặc biệt, tuyệt nhiên không có trường hợp làm quan rồi mới đi học và vì vậy không có các trường lớp "chuyên tu”, "tại chức", rồi mới làm cao học, thạc sĩ, lại càng không có tình trạng tiến sĩ “giấy” như ngày nay.
Công cuộc hội nhập, phát triển đất nước đang đòi hỏi phải có một tầng lớp trí thức, các nhà khoa học ngang tầm quốc tế và khu vực. Như vậy, chúng ta cần trị căn bệnh “Tiến sĩ giấy” thì hãy trị từ gốc chứ đừng trị ngọn nữa. Nhiệm vụ đó thuộc về Nhà nước và các cấp quản lý. Còn nếu vẫn không trị được căn bệnh “Tiến sĩ giấy” thì tương lai xã hội Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát sinh thêm những căn bệnh mới, đó là “Phó Giáo sư giấy”, “Giáo sư giấy”. Lúc đó, chẳng biết đất nước rồi sẽ đi về đâu?
Xin lấy bài thơ "Tiến sĩ giấy" - một bài thơ trào phúng độc đáo của nhà thơ Nguyễn Khuyến thay cho lời kết:
"Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!".