Cần hoàn thiện Luật Quảng cáo

Thứ Sáu, 03/11/2023, 18:23

Ngay sau khi câu chuyện Ngọc Trinh bị truy tố được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao, hai “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ - Quốc Nghiệp lại trở thành tâm điểm gây tranh cãi lớn với hình ảnh biểu diễn chồng đầu mạo hiểm khi đang điều khiển phương tiện xe động cơ điện hai bánh. Lập tức, có một câu hỏi được không ít người đặt ra là “Liệu Quốc Cơ - Quốc Nghiệp có bị xử lý tương tự?”.

Các cơ quan hữu trách đã nhanh chóng bắt tay vào xác minh vụ việc và phía ê kíp Quốc Cơ - Quốc Nghiệp cũng đã có thiện chí tham gia quá trình xác minh. Cuối cùng, sự việc được minh định rằng hình ảnh đó được lấy ra từ một quảng cáo; khi thực hiện nó có đầy đủ các biện pháp bảo hộ, an toàn; đoạn video quảng cáo được ghi hình ở khu đường nội bộ của một khu dân cư và có giới hạn phạm vi…

Sau minh định trên, có thêm thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao cũng như Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết về tình trạng cấp phép của quảng cáo này. Cụ thể, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao xác định phạm vi của quảng cáo (quảng cáo sử dụng cho các nền tảng xem video trực tuyến trên mạng và mạng xã hội) nằm ngoài thẩm quyền cấp phép của họ trong khi Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định việc cấp phép cho các quảng cáo kiểu này vượt quá chức năng của Sở và cụ thể hơn là cần phải được một cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

Quảng cáo của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp dù sao cũng có vi phạm điều 8 của Luật Quảng cáo 2012 (cụ thể là mục 4: Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội) và hai nghệ sĩ xiếc sẽ phải rút kinh nghiệm sâu sắc mỗi khi định tổ chức thực hiện một pha biểu diễn mạo hiểm nào trong các quảng cáo sắp tới. Tuy nhiên, sai phạm của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp chỉ là nhỏ so với một vấn đề quan trọng hơn có thể được rút ra từ quảng cáo gây ồn ào này. Đó chính là cần phải cập nhật để hoàn thiện hơn nữa Luật Quảng cáo nhằm phù hợp với sức phát triển chóng mặt của môi trường thông tin hôm nay.

Luật Quảng cáo được ban hành năm 2012 đã theo sát tình hình kinh tế, xã hội lúc đó. Nhưng sau hơn 10 năm, sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo sức ép rất lớn lên bộ Luật này cũng như các đơn vị thực hành. Cụ thể như sự loay hoay của hai Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Thông tin và Truyền thông của TP Hồ Chí Minh trong câu chuyện kể trên chẳng hạn. Ở thời điểm 2012, quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Tiktok…), trên nền tảng xem video trực tuyến (Youtube…) thậm chí còn chưa tồn tại như một khái niệm. Còn ở ngày hôm nay, có thể nói các nền tảng đó đã thành kênh quảng cáo chính. Rất nhiều quảng cáo mới xuất hiện mỗi ngày trên các phương tiện này và không ít trong số đó là những quảng cáo có nội dung sai lệch. Đa phần các quảng cáo phát tán ở đó đều không xin phép cơ quan chức năng và nếu có xin phép, thực sự cơ quan chức năng cũng loay hoay vì quy định trong Luật Quảng cáo cũng như nghị định hướng dẫn năm 2013 đều chưa chỉ ra cụ thể tiến trình, thủ tục xin cấp phép cũng như chưa nhắc tới kênh quảng cáo mạng xã hội của ngày hôm nay.

Chính vì còn nhiều kẽ hở trong Luật Quảng cáo 2012 (do tính lạc hậu so với tốc độ phát triển của công nghệ) nên môi trường quảng cáo trên mạng xã hội, trên các nền tảng video trực tuyến đang có xu hướng hỗn loạn, không kiểm soát, không thẩm định. Thậm chí, với việc tránh được sự kiểm soát của các cơ quan hữu trách, khả năng trốn các nghĩa vụ tài chính như thuế cũng không nhỏ chút nào. Do đó, đã đến lúc cần hoàn thiện Luật Quảng cáo để cập nhật với tình hình mới và giúp cho các cơ quan chức năng có thể mạnh tay kiểm soát một hoạt động vốn dĩ đang như “chợ” trên mạng xã hội hôm nay.

Văn Đoàn
.
.