Cần giải cứu y tế công
Khi tiếp Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - đã chia sẻ hàng loạt khó khăn mà lực lượng y, bác sĩ tại đây đang đối diện. Những khó khăn ấy tập trung chủ yếu ở sự thiếu hụt trang thiết bị y tế, thiếu hụt dự trữ thuốc. Và tình trạng này không chỉ cá biệt xảy ra ở một mình bệnh viện Chợ Rẫy.
Đó là hiện trạng chung của y tế công Việt Nam hôm nay mà việc Bệnh viện Việt Đức hạn chế phẫu thuật từ 1/3/2023 chính là hồi chuông báo động xót xa nhất.
Cái thế khó khăn của ngành y hôm nay chủ yếu bắt nguồn từ các quy định ngặt nghèo về việc xây dựng gói thầu mà Thông tư 68 của Bộ Tài chính vô tình là rào cản. Có thể nói, Thông tư 68 chưa theo sát được thực tiễn cá biệt của ngành y khi có rất nhiều trang thiết bị vốn được phân phối độc quyền bởi một nhãn hàng mà thôi, nên không thể nào thiết lập một cuộc mở thầu đủ 3 bảng báo giá. Mua sắm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thì có thể sẽ vi phạm, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Không mua sắm thì không thể tiếp tục phục vụ người bệnh và điều đó trái với đạo đức của người lương y. Tiến thoái lưỡng nan, y tế công rõ ràng đang ở trong tình trạng như vậy.
Đã có làn sóng các y, bác sĩ xin nghỉ việc sau đợt dịch COVID-19 vừa rồi. Và điều xót xa nhất họ chính là lực lượng bác sĩ ở các bệnh viện công có tay nghề vững, chuyên môn cao. Họ đáng được xem là một tài sản quý giá của ngành y tế Việt Nam nhưng thực tế, tài sản ấy vẫn chưa được chú trọng cả ở đãi ngộ lẫn điều kiện làm việc. Điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng vẫn còn hạn chế đã khiến chất lượng y tế công bị kêu ca nhiều năm qua. Còn thu nhập của bác sĩ thì vẫn như câu nói tiếu lâm cửa miệng là "lương y như tháng trước" nên từ đó dẫn tới việc các bác sĩ phải làm thêm bên ngoài và từ đó không đảm bảo được đầy đủ nhiệm vụ ở bệnh viện mà họ lẽ ra nên gắn bó.
Không ít người Việt có tiền của hôm nay có xu hướng sang các nước láng giềng như Singapore để chữa bệnh, bởi ở đó họ được hưởng một dịch vụ y tế hoàn hảo hơn rất nhiều. Nhưng ít ai biết, nhiều ca phẫu thuật khó, các bệnh viện ở Singapore vẫn mời các bác sĩ giỏi từ Việt Nam sang thực hiện. Điều đó cho thấy ngành y ở Việt Nam luôn có người tài nhưng chưa trọng dụng hết và khai thác một cách hiệu quả nhất, nếu như kết hợp thêm với cơ sở vật chất hạ tầng của các bệnh viện công được đầu tư tốt hơn, chắc chắn khâu khám chữa bệnh dịch vụ của các bệnh viện này sẽ dư sức mang lại nguồn thu rất lớn để chính các bệnh viện có thể tái đầu tư và các y, bác sĩ yên tâm gắn bó với nơi tuyển dụng mình.
"Giải cứu" y tế công là nhiệm vụ cấp thiết và dồn lực đầu tư cho y tế chỉ là một trong những nhiệm vụ mà thôi. Còn lại phải là gỡ bỏ cơ chế, hiểu được đặc thù ngành và hơn tất cả, hãy để y, bác sĩ, những người thực ra đang làm trong môi trường độc hại, được cảm thấy xứng đáng với mức thu nhập hàng tháng chính đáng của mình…