Cần biết tiếc nuối
Tình cờ khi đọc trên báo, tôi được biết đến một dịch vụ có tên là Memory Love Books của CEO Ngô Thùy Anh. Hiểu một cách đơn giản, đây là dịch vụ viết thuê hồi kí cho người già.
Viết hồi kí, nhật kí vốn không phải là điều gì mới mẻ. Kể từ khi Xenophon (430-355 TCN) viết “Những sự kiện đáng nhớ”, người đọc đã bị cuốn hút bởi kí ức được tìm thấy trong câu chữ. Hay, gần đây nhất là cuốn nhật kí của cựu binh Nguyễn Văn Thiện (Thái Bình) được cựu binh Mỹ trao trả chiều 11/9/2023, tại Nhà Quốc hội với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Như ai đó đã từng nói, kho báu lớn nhất của nhân loại không phải là “Núi vàng” trong đền Sree Padmanabhaswamy của Ấn Độ, hay các kho báu Tillia Tepe ở Afghanistan, Nagyszentmiklos ở Romania… mà ở chính ngôn ngữ của loài người, được từng kí tự của chúng ta gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Khác với những cuốn hồi kí có tác giả tự chắp bút, điều thú vị ở Memory Love Books chính là sự tham dự của những thế hệ sau, vào việc thống kê lại và ghi chép, hành văn sao cho toát lên được tinh thần của mỗi cuộc đời ấy. Đương nhiên, đó là một dịch vụ kinh doanh, một công việc mới của các biên tập viên, các nhà văn nhưng không chỉ dừng ở một dịch vụ hộ hỗ trợ thông thường. Khi trí tuệ nhân tạo đang tỏ rõ ưu thế trong các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật thì trí tuệ con người càng cần phải khẳng định vị thế của mình trong đời sống tinh thần. Việc người trẻ tiếp cận như thế nào và dành tâm huyết cho công việc này ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại đó. Phía sau công việc này lại có một câu hỏi đặt ra, từ việc tiếp cận kho tư liệu sống của thế hệ đi trước, mỗi người trẻ nhận ra điều gì, có được trải nghiệm nào cho riêng mình mới là điều đáng lưu tâm.
Đã có lúc nào bạn đồng nhất xu thế thích viết hồi kí, nhật kí với trend “sống chậm”? Hàng ngày vẫn luôn có không ít người trẻ bỏ vài chục triệu đồng để tìm mua một chiếc xe Dream cũ, sưu tầm vài đồ vật cũ hay tìm đến những nơi thôn dã để nhấm nháp sự nhàn tản của “lão giả an chi”… Người viết thì cho rằng, biết tiếc là một nét văn hóa cần có của con người trong thời đại công nghệ, nó không hoàn toàn đồng nhất với sống chậm, với hoài cổ mà là sự trân trọng những giá trị. Khi người ta còn trẻ, điểm khác biệt với lúc “đã toan về già” là không chỉ ở thể chất mang yếu tố sinh học mà ở thái độ với cuộc sống. Thường thì người trẻ hướng đến cái mới bằng sự phủ định dứt khoát với giá trị cũ trong khi người có tuổi lại cân nhắc và lưu luyến có nên giữ, nên nhớ hay không?

Nhà văn người Anh Edward Bulwer Lytton (1803-1873) đã từng nói: “Tuổi của trái tim không được đo bằng tóc bạc”. Vậy chúng ta thử nghĩ xem: Hà cớ gì mà những người còn trẻ lại không thử “tiếc” chính những gì đang có mà phải đợi đến khi “tóc bạc” và chìm đắm trong màn sương quên lãng. Khi đó, chữ “tiếc” ở đây không có nghĩa là hối hận về những gì đã đánh mất mà là sự trân trọng những gì ta đang làm, những gì ta đang có.
Sẽ là rất khó để lí giải động lực nào đã khiến một chàng shipper như anh Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) đã dũng cảm cứu được 9 người mắc kẹt trong đám cháy chung cư mini ngõ 29 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài anh Văn còn những tấm gương anh dũng hy sinh để cứu người như các anh: Nguyễn Hữu Đốn (Ninh Thuận); 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) hy sinh ngày 1/8/2022; Trung tá Trương Hồng Kỳ, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) thị xã Sông Cầu, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên… đã thắp lên một ngọn lửa của tinh thần dũng cảm, tình nhân ái và lòng tin vào những giá trị tốt đẹp. Cũng bởi tiếc sinh mạng của đồng bào các anh đã không quản ngại hiểm nguy và đã hy sinh. Biết “tiếc” bằng một thái độ cao cả đó chính là một giá trị nhân văn mà các anh đã tạo nên trong cuộc đời này.
Trước lúc gác lại công việc để đón kì nghỉ trong năm, chúng ta thường hay hỏi nhau: “Kì nghỉ này bạn và gia đình đi đâu?”. Câu hỏi tưởng như đơn giản đó không ít lần khiến chúng ta khó trả lời giống như câu hỏi: “Tối nay ăn gì?”. Quả thật, với nhiều người việc tắm biển, ăn uống, nghỉ ngơi, check in… đã quá nhàm chán tại các điểm du lịch nhưng họ cũng chưa biết cách nào để thay đổi lối mòn đó. Giờ đây, đã có không ít du khách tìm đến hình thức du lịch race-cation (hoạt động du lịch kết hợp tham gia giải chạy) như một sự lựa chọn: Vừa được tham quan, nghỉ dưỡng, vừa được thử thách bản thân ở một miền đất mới. Cùng với thói quen trekking (đi bộ đường dài, trong nhiều ngày) và hiking (đi bộ theo lộ trình có sẵn)… race-cation đem đến cảm giác thú vị.

Khi nghe nhắc đến các loại hình du lịch mới này, sẽ có người cảm thấy “dị ứng”. Với quản điểm truyền thống, du lịch là sự thưởng lãm nhẹ nhàng, là thời điểm chúng ta tiêu xài thời gian và tiền bạc tích lũy được để phục hồi lại sức lực và tâm lý cho bản thân; giúp các thành viên trong gia đình; trong nhóm hiểu và gắn kết hơn nữa. Nhưng xét cho cùng, văn hóa không chỉ là việc gìn giữ, làm theo lối cũ mà còn là sự tiếp thu có chọn lọc từ cái mới. Việc phát huy “sức mạnh nội sinh” không bó hẹp trong những gì ta có mà còn là sự vận dụng các thành tựu của văn minh vào thực tiễn đời sống để làm mới những gì đã có.
Còn nhớ cách đây ít hôm, người viết vô tình đọc bài viết “Thế hệ yes yes” của doanh nhân Ngô Trọng Thanh trên vnexpress.net. Trong đó có đoạn: “Đâu đó sẽ có sự thái quá của tâm lý đám đông, hay sự quá khích của một vài cá nhân. Sẽ có những giai đoạn mà đứa trẻ biết rõ màu son của thần tượng hơn cả quầng thâm trên mắt cha mẹ. Nhưng dù vậy, câu yes đồng cảm của lớp người đi trước sẽ thực sự cần thiết, như một cái neo bền chặt níu giữ giới trẻ với gia đình, thay vì đẩy chúng ra xa”. Đâu phải ai cũng có dũng khí để phản tỉnh như vị doanh nhân này. Việc mà ông muốn “níu giữ giới trẻ với gia đình” không phải chỉ là đối phó với sự nổi loạn của con cái khi chúng chưa thật sự trưởng thành, hay với những mặt trái của kinh tế thị trường, của thời đại công nghệ mà là cách kết nối giữa các thế hệ với nhau.
Người viết cho rằng: Dù gì, cách chia các thế hệ thành: The Silent Generation (1928-1945); Baby Boomer (1946-1964); Generation X (1965-1980) Millennial (1981-1996); Generation Z (1997-2012) cũng khá thuyết phục bởi có thể giúp chúng ta nhận ra sự khác biệt đến từ hoàn cảnh lịch sử, đặc trưng về kinh tế, xã hội của từng giai đoạn. Tuy nhiên, bên cạnh sự nối tiếp tuyến tính đó vẫn có sự song hành của các thế hệ trong một khoảng thời gian nhất định trong từng gia đình (tam, tứ đại đồng đường), của các lớp người trong cùng cơ quan, đơn vị, trong cùng khu dân cư…
Người già không chỉ cần quay lại kiểm đếm những kí ức của mình mà nên cần hướng tới phía trước để kết nối; người trẻ không chỉ biết cập nhật cái mới mà còn cần biết tiếc những gì đang còn đọng lại, lưu giữ lại của các thế hệ đi trước. Sự gắn kết đó không chỉ thể hiện trong dịch vụ Memory Love Books; trong suy nghĩ của doanh nhân Ngô Trọng Thanh hay sự quả quyết bảo vệ những đứa trẻ của những tấm gương dũng cảm mà còn cần xuất phát từ suy nghĩ của mỗi người.
Môi trường sống trong lành, thực phẩm an toàn, văn hóa giao thông hay lớn lao hơn là phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới… là những điều chúng ta đang hướng tới cùng với sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, nếu như biết “tiếc” những gì đáng tiếc, những gì còn trong tầm kiếm soát, còn có cơ hội níu giữ thì cuộc sống này hẳn sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu. Bởi lẽ, chất lượng cuộc sống đâu chỉ đến với những gì ta sẽ nhận được mà còn từ phía ta biết nhận ra, biết tạo ra cho mình…