Cảm xúc của tiện ích

Thứ Năm, 16/03/2023, 13:59

Nếu ai hỏi tôi: “Điều gì khiến anh phải bận tâm nhất trong hai tuần qua?” thì thật đáng tiếc phải nói rằng đó là vụ việc bé trai 17 tháng tuổi ở Thường Tín - Hà Nội bị hai bảo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong. Ở đây, người viết không có ý nhắc lại một nỗi đau xót đã khiến dư luận bức xúc trên báo chí, mạng xã hội mà chỉ muốn nhắc đến vai trò của cảm xúc trong cuộc sống hôm nay.

Nếu người trông giữ trẻ, người tham gia hoạt động giáo dục trẻ không kiểm soát được cảm xúc thì sẽ ra sao? Đâu là nhất thời, đâu là bản tính hung ác cần phải ngăn chặn?

Để tìm một câu trả lời nhằm trấn tĩnh lại, người viết tìm đến sự phân tích của Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, anh chia sẻ: “Khi đã ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích của mình thì con người ta thường phản ứng cực đoan trước những điều không như ý, ở đây là việc trẻ quấy khóc. Những bức xúc tâm lý hình thành rất nhanh và họ đã làm mọi cách để giải tỏa nó". Anh còn phân tích thêm: “Khi mầm ác đã có ở trong tâm, người ta thường hướng đến việc sử dụng vũ lực, thay vì lựa chọn các cách giải quyết khác phù hợp với đòi hỏi của pháp luật và xã hội".

capture.jpg -0
Sự vô tâm của con người trong thời đại công nghệ từng được các nhà khoa học cảnh báo.

Trong cách lí giải này, người viết chú ý đến các cụm từ: “tuyệt đối hóa lợi ích” và “bức xúc tâm lý” vì nó đâu chỉ thuộc về một vụ việc, một xung đột va chạm mà đã và đang là vấn đề đặt ra trong xã hội hiện đại khi con người đang gắn kết, đang cần đến sự hợp tác trong công việc cũng như sử dụng công nghệ. Bạn thử nghĩ xem, chính những tiện ích sẽ đem lại lợi ích và từ đó tạo ra cảm xúc cho bản thân chúng ta như thế nào? Khi thấy mọi thứ tiện lợi con người ta sẽ ra sao và ngược lại.

Nếu một ngày, bạn đọc bài viết của nhà báo Khương Nha trên vnexpress.net sẽ thấy giật mình bởi nhan đề: “Đọc cảm xúc - làn sóng AI mới đang hình thành”, trong đó, tác giả viết: “AI (trí tuệ nhân tạo) đọc cảm xúc có thể "hiểu suy nghĩ" của người dùng qua văn bản, giọng nói, nét mặt, cử chỉ và điều chỉnh thái độ. Nó có thể nghe và phát hiện các ngữ điệu tương ứng với sự tức giận, căng thẳng... Công nghệ này cũng có thể phát hiện biểu hiện vi mô trên khuôn mặt vốn biến mất nhanh đến mức mắt người không thể nắm bắt được”.

Thật ra lâu nay các công ty như Waymo, LLC; IBM Corporation; Intel Corporation; Microsoft Corporation; Nvidia Corporation... đã phát triển các ứng dụng để tiện ích hơn trên các lĩnh vực như: giao thông vận tải, nông nghiệp, khoa học đời sống, y tế... nhưng điều đặc biệt, nó ngày càng gần với người hơn về mặt cảm xúc. AI thu thập dữ liệu như một người “trợ lý” lắng nghe, thấu hiểu, thậm chí các nhà khoa học còn cảnh báo đến việc “quyền riêng tư vẫn sẽ là thứ con người phải hy sinh” trong tương lai...

Vậy tại sao khi máy móc đã và đang sống tình cảm hơn, chu đáo hơn với chúng ta thông qua tiện ích thì con người lại trở nên lạnh lùng, vô cảm như thế đối với nhau? Hay con người đang từ bỏ và nhường cho AI phần cảm xúc, tình cảm đó?

ai có thể đọc cảm xúc bằng việc phân tích dữ liệu về biểu cảm theo thời gian thực-ảnh perkinswill.jpg -0
AI (trí tuệ nhân tạo) có thể đọc cảm xúc bằng việc phân tích dữ liệu về biểu cảm theo thời gian thực.

Mọi chuyện không đơn giản như thế. Người viết xin kể thêm một câu chuyện cũng đang nóng hổi: Trong 4 ngày vừa qua đã có 7 phụ huynh bị kẻ xấu lừa đảo với chiêu trò gọi điện thông báo: "Con cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy", yêu cầu phụ huynh chuyển khoản tiền mổ gấp với tổng số tiền bị lừa gạt lên đến 240 triệu đồng.

Có thể thấy, thủ đoạn của kẻ lừa đảo chỉ tập trung vào sự lo lắng của phụ huynh học sinh. Khi không còn giữ được sự bình tĩnh, nhiều người đã mất cảnh giác, mất khả năng suy đoán, nghi ngờ ở những điều rất vô lí như thế. Chắc hẳn, nhiều người sẽ cho rằng ở vào hoàn cảnh của 7 vị phụ huynh kia ai cũng sẽ bị lừa như vậy, rằng tất cả đều nằm ở sự tin tưởng người xưng danh là thầy giáo bởi lẽ lâu nay chỉ có kẻ mạo danh là Cảnh sát, nhân viên hải quan, bưu điện… chứ thầy giáo thì lừa được ai?

Xin thưa rằng, bên cạnh sự tin tưởng đó, nguyên nhân của sự việc này còn xuất phát từ sự tiện ích. Sự tiện ích của giao dịch online gắn liền với cảm xúc bột phát, tức thời. Xuất hiện trên thế giới từ 1989 (tại ngân hàng Tait, Fand Davis - Scotland), dịch vụ banking trở thành một trong các tiện ích cho con người trong xã hội hiện đại. Không chỉ có Internet-banking, mobile-banking mà người ta còn nhắc đến cả Facebook – banking… nhưng đi kèm với nó là những chiêu trò lợi dụng cảm xúc khi người ta tin vào người tình qua mạng, tin vào tin trúng thưởng... giả sử, nếu không có tiện ích đó mà chỉ có giao dịch trực tiếp, chúng ta có tránh khỏi điều đó không? Vậy lỗi thuộc về tiện ích hay do chính chúng ta?

Công bằng mà nói: công nghệ với tiện ích của mình khiến con người thuận tiện hơn nhưng ít nhiều cũng tạo ra những “khoảng trống” giữa các mối quan hệ, giữa người với người. Vấn đề này từng được chúng ta đặt ra như một sự cảnh báo cho tương lai gần. Còn nhớ, trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018, phần thi ứng xử, thí sinh Nguyễn Thị Thúy An đã nhận được câu hỏi: “Người ta nhận xét ở thời đại công nghệ ngày nay, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Bạn nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng lòng nhân ái sẽ không còn?”. Có lẽ câu hỏi này đã thật sự đặt thí sinh và khán giả theo dõi cuộc thi vào một sự lựa chọn nghiệt ngã chăng?

con người cẩn làm chủ cảm xúc của mình-ảnh ghichu.vn.jpg -0
Con người cần làm chủ cảm xúc của mình.

Người viết cho rằng, tiện ích của công nghệ đã làm thay đổi cảm xúc của con người. Chúng ta đã tự nâng cao được chất lượng cuộc sống của mình bằng các phát minh, được tận hưởng sự phục vụ của AI, được bớt đi những căng thẳng, lo âu trong công việc nhờ tiện ích… tác giả Mỹ Hạnh (Kinh tế và Dự báo) đã từng viết: “Cuộc sống đã trở nên phức tạp hơn, nhưng hầu như mọi người không nhận thấy được điều này bởi vì công nghệ đã và đang khiến cho những thứ phức tạp trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Xu hướng của trí tuệ nhận dạng (Fuild intelligence) có khả năng thu thập và xử lí thông tin. Như đối với máy tính nó giống tốc độ xử lí và dung lượng RAM - bạn càng dung nạp được nhiều kiến thức và kĩ năng thì khả năng làm việc nhanh và hiệu suất cũng cao hơn”.

Chỉ có điều, dù AI hay sự ứng dụng công nghệ nào cũng thay thế được tình cảm, lòng nhân ái và niềm tin của con người. Chúng ta từng tạo ra các giá trị văn hóa từ chính đời sống lao động, tạo ra “phương thức sinh hoạt thực hành” với những câu hò, điệu lý… mang giá trị nhân văn sâu sắc. Vậy thì, khi đã được sống trong một hệ sinh thái nhàn nhã hơn, tiện dụng hơn, không còn phải lo “mưa nắng phải thì”, “xuôi chèo mát mái”, “trông trời trông đất trông mây”… liệu có tạo ra giá trị nhân văn mới hay lại phải hoảng hốt lo âu khi ngó vào camera hay chứng kiến những chia sẻ đầy bức xúc về cách hành xử thông qua mạng xã hội?

Tiện ích và cảm xúc luôn đồng hành, tiện ích nào cũng cần dựa trên nền tảng vì con người, bảo vệ con người, đảm bảo sự công bằng, văn minh của loài người mới mang lại những cảm xúc tốt đẹp và ngược lại. Chúng ta hãy cùng tận hưởng những tiện ích mà các nhà phát minh, các nhà cung cấp mang đến ngày càng nhiều nhưng cũng đừng quên trách nhiệm tạo ra những cảm xúc tích cực cho xã hội lại đến từ bản thân mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay…

Lương Việt
.
.