Cảm ơn và xin lỗi

Thứ Sáu, 21/07/2023, 19:29

Vụ án liên quan đến "Chuyến bay giải cứu" với 18 bị cáo trong đó có người khả năng đối diện mức án cao nhất đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Những người từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc sau cơn đại dịch COVID -19 chắc hẳn sẽ cảm thấy bị phản bội bởi họ đã từng tin tưởng vào giá trị nhân văn cao đẹp mà những con người trong "đường dây giải cứu" kia mang lại.

Sự phản bội này không lời xin lỗi nào có thể xoa dịu cho đủ, nhất là với những gia đình có thân nhân vĩnh viễn ra đi vì dịch bệnh năm nào.

Và khi nghe những lời biện bạch của một số quan chức dính chàm trong phiên tòa này, chúng ta chắc hẳn sẽ có nhiều suy ngẫm về nhân tình thế thái. Điển hình là lời của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Trước tòa, ông này đã nói đại ý rằng, "Bây giờ bị cáo nhận ra sai phạm, tội của mình nhưng khi triển khai, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm. Bị cáo chỉ nghĩ không làm gì sai theo chủ trương, không bàn bạc với ai, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi tổ chức bay xong bị cáo nhận quà nhưng không xem luôn, sau mở ra mới biết là tiền họ cảm ơn. Sau này bị cáo nhận thức được thì cũng rất ăn năn hối lỗi".

Với 37 lần nhận tiền hối lộ lên tới 21,5 tỷ đồng, lời nói trước tòa của ông Dũng không khỏi khiến người nghe cảm thấy kinh ngạc. Việc ông Dũng khẳng định mình không làm khó doanh nghiệp và luôn tạo điều kiện cho anh em làm việc nên được cảm ơn và cứ nghiễm nhiên nhận "quà" cảm ơn mà không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật cho thấy ông "ngây thơ" hay thực tế, cái chuyện nhận "quà" cảm ơn có giá trị cao đã trở thành "chuyện thường tình ở quan trường"? Đây chính là câu hỏi đủ để làm gương răn đe cho nhiều quan chức khác trong thời buổi mà không ít lần "kim tiền" được đem ra làm thước đo giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài"; "các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân". Câu nói ấy của Bác rất cần được đem ra soi chiếu lúc này. Chưa cần kể đến bối cảnh đại dịch mà chỉ cần xét những việc diễn ra thường ngày, người làm cán bộ, quan chức cần ý thức rõ họ ngồi ở vị trí đó với nhiệm vụ chủ đạo là để phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân, của quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ mình phải làm là điều bắt buộc. Nhận lời cảm ơn cũng là chuyện thường tình có trước có sau, truyền thống ''ăn quả nhớ kẻ trồng cây'' của người Việt Nam ta. Nhưng nhận quà cảm ơn khủng đến mức tổng cộng tới hơn 21 tỷ đồng thì người viết bài này tin chắc rằng, nó không còn đơn thuần là quà cảm ơn nữa mà biến thái sang dạng thức khác là quà hối lộ. Nhiệm vụ đối với nhân dân, với đất nước không phải là sự ban ơn. Và chỉ khi mang trong mình suy nghĩ "tôi đang ban ơn cho các người" thì mới dẫn tới hành vi dễ dàng "nhận quà cảm ơn to đùng" như một sự đáp lễ.

Người cán bộ, viên chức, quan chức trong bộ máy dứt khoát không thể mang thái độ ban ơn khi đang thực hiện trách nhiệm mà Đảng và Chính phủ giao cho. Đó là thái độ quan cách của thời phong kiến hủ lậu khi mà tầng lớp quan lại xem mình là "cha mẹ" của dân. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo đúng quy định pháp luật là việc mà quan chức các bộ, ngành, địa phương "phải làm" chứ không phải là chuyện họ đang "giúp đỡ" để rồi cần được biết ơn "nặng mùi kim tiền" như cách ông Tô Anh Dũng đã trình bày.

Đại án này lần nữa là một cảnh báo thực sự đối với ý thức nhiệm vụ của quan chức nhà nước và có lẽ, những người đương chức nên biết cảm ơn những người điều tra, phá án và xét xử đã cho họ cơ hội để nhận thức lại nghĩa vụ của mình đối với dân, với Đảng và với nước nhà.

Văn Đoàn
.
.