Cái khó của người trẻ

Chủ Nhật, 15/12/2024, 14:31

Người trẻ đang gặp những khó khăn gì? Trước câu hỏi đó sẽ có hàng tá câu trả lời thường trực sẵn trong đầu bạn. Đầu năm nay, tại Liên hoan Thanh niên thế giới 2024 ở Sochi, Liên bang Nga, các đại biểu từng bàn luận nhiều về các thách thức như: vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần, áp lực học tập, kỹ năng sống, sự trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, hôn nhân, vấn đề tài chính, giá trị của bản thân...

Có điều, trong bài viết này, người viết sẽ không nhìn nhận vấn đề ấy ở những khía cạnh đó. Mà chủ yếu ở góc độ tiếp cận thông tin và tìm ra hướng đi.

Với các thế hệ trước, dù cũng đang tiếp cận với các nền tảng số nhưng có hay không có, xem hay không xem các nội dung ngắn (TikTok, Instagram Reels, YouTube Shorts...) cũng đâu thành vấn đề. Với người trẻ thì lại khác, nhiều người trong số họ đang thực sự bị cuốn vào một newfeed (nguồn cấp dữ liệu mới) vô hình, ngỡ như một đặc tính của thế hệ. Hay, nói cách khác, họ khó có thể từ chối những nội dung này, thay vì chỉ nghĩ rằng họ mê, "nghiện", đu trend...

Cái khó của người trẻ -1
Người trẻ luôn đứng trước những khó khăn.

Trong sự suy cảm ấy, khi nhìn nhận một hiện tượng mạng xã hội như chàng trai Lê Tuấn Khang - người đang sở hữu kênh TikTok 10 triệu người theo dõi cùng hàng chục triệu lượt xem - người viết chợt thấy băn khoăn trước câu hỏi: Vì đâu mà những ngày qua, keyword (từ khóa) "đám giỗ bên cồn" lại hot đến thế để từ người nổi tiếng cho đến các cư dân mạng phải vội vã bắt trend và chế ra những nội dung với ý nghĩa hài hước.

Có lẽ, trào lưu "ăn đám giỗ bên cồn" hay "qua cồn ăn đám giỗ" được không ít người thích thú vì lạ, vì nó hot. Có không ít ý kiến tỏ ra lo lắng: liệu Lê Tuấn Khang và sự "độc lạ" của những câu chuyện dân dã như "đám giỗ bên cồn" có trụ được lâu trong dòng chảy quyết liệt của đời sống giải trí hay không?

Sau một vài hiện tượng như chàng trai "hát sai nhạc, lệch tông và phát âm ngọng" từ khoảng mươi năm trước và những sự sùng bái lố bịch, cộng đồng mạng xã hội có quyền lo lắng.

Người viết cho rằng, thời điểm xuất hiện của Lê Tuấn Khang đang chứa đựng cả cơ hội và thách thức khác hẳn với những hiện tượng mạng trước đây. Sự đỏng đảnh, kén chọn của người xem trong thời đại bùng nổ nguồn cung cấp thông tin sẽ luôn đe dọa sức hút của một người sáng tạo nội dung số ngày nay. "Khẩu vị" của công chúng vẫn khó đoán định và chưa bao giờ hết bất ngờ.

Nhưng, ở chiều ngược lại, phía sau Tik Toker trẻ của miền Tây này là sự bất ngờ của chính những điều tưởng đã rõ rành rành. "Đám giỗ bên cồn" chứa đựng phong tục đặc biệt chưa nhiều người biết. Đọc bài viết "MC Quyền Linh, Noo Phước Thịnh, Quốc Trường đồng loạt "đi đám giỗ bên cồn" của Lê Tuấn Khang" của tác giả Thủy Vũ (Báo điện tử Dân Việt), người đọc mới hiểu, "đám giỗ bên cồn" của miền Tây không chỉ đơn giản là đám giỗ được tổ chức ở cồn nổi giữa sông như ở bất cứ vùng sông nước nào khác. Cụ thể là: "Ngày đầu tiên (người dân miền Tây gọi là người tiên thường) thường bày chén bát ra rửa, gói bánh tét, gói bánh ít và sơ chế các nguyên liệu cần thiết. Ngày thứ hai là ngày giỗ chính, vào ngày này, bà con dòng họ cùng nhau nấu nướng, ăn uống, đặc biệt nhất là sau khi khách ăn xong còn có quà mang về là bánh tét, bánh ít đã gói ngày hôm trước. Ngày thứ ba (người dân miền Tây gọi là ngày hậu thường) sẽ bày những thức ăn còn lại trong ngày giỗ chính".

Nhìn ở góc độ văn hóa, phong tục này không chỉ là dịp để mọi người tưởng nhớ người đã mất mà còn gắn kết cộng đồng, chia sẻ thành quả vật chất sau mùa vụ lao động vất vả. Nhưng, điều mà người viết lo ngại là những ý nghĩa văn hóa từ đời sống bình dị, gần gũi thiên nhiên của bà con miền Tây có thực sự thu hút được sự chú ý hay chỉ "nóng" vài ngày bởi thú vui lựa chọn nội dung ngắn của cư dân mạng.

Ngày 2/12/2024, Đại học Oxford của Anh đã thông báo: "brain rot" (thối não) được chọn là từ của năm 2024. Được biết, "brain rot" lần đầu xuất hiện vào năm 1854 trong cuốn sách Walden của Henry David Thoreau, có đoạn viết: "Tại sao người Anh chú tâm cứu khoai tây thối rữa mà không quan tâm đến khắc phục tình trạng thối não, vốn phổ biến hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn" (theo: Đức Trung-vnexpress.net).

Cái khó của người trẻ -0
Lê Tuấn Khang và “đám giỗ bên cồn” đang được chú ý trên mạng xã hội liệu có phải chỉ là hiện tượng nhất thời?

Bản chất của “brain rot” là sự suy giảm trí tuệ do con người tiêu thụ quá nhiều nội dung nhỏ nhặt, độc hại trực tuyến với chiếc smartphone luôn khư khư trên tay từ ngày này qua ngày khác. Vô hình trung, chúng ta đang thường trực để nắm bắt các kênh thông tin mà đôi khi lãng quên việc phải làm giàu có thêm tâm hồn mình. Trong thời đại phát triển của internet và mạng xã hội, lướt nhiều, đọc nhiều mà hóa ra tâm hồn lại nghèo nàn từ lúc nào không hay...

Nếu bạn để ý sẽ thấy: như một phản ứng tự nhiên, không dừng ở hội chứng sợ nghe điện thoại (telephobia), nhiều người thuộc thế hệ Gen Z ngày nay đang quay lại với điện thoại cơ bản, thậm chí cổ xúy cho "cục gạch". Ông Ernest Doku, chuyên gia từ trang so sánh giá Uswitch nhận định: "Với nhiều người, điện thoại “cục gạch” là chiếc điện thoại đầu tiên trong đời, nên hình ảnh những chiếc di động đơn giản này gợi nhớ về một thời quá khứ đáng nhớ". Thực ra, đó chỉ là một phản ứng nhất thời chứ chúng ta không thể chối bỏ sự kết nối đó trong xã hội ngày nay. Kể cả khi các nhà sản xuất sáng tạo ra the Light Phone - mẫu điện thoại dành cho những người chán dùng smartphone.

Qua những câu chuyện kể trên, bạn sẽ thấy người trẻ đang đứng trước một bài toán hóc búa. Tuổi trẻ chính là người đang và sẽ phải lựa chọn cách nghĩ, cách sống. Dù là người nắm quyền chủ động sáng tạo nội dung số hay thụ hưởng các nội dung đó, họ đều đứng trước những câu hỏi đặt ra cho chính thế hệ mình.

Cái khó của người trẻ -2
The Lighr Phone là mẫu điện thoại đang dần tạo ra xu hướng, dành cho những người chán dùng smartphone.

Cuộc sống vốn dĩ luôn mở ra những hướng đi và cơ hội. Chiều 5/12/2024, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Thật đáng mừng, từ trước đó đã có nhiều bạn trẻ chủ động lựa chọn AI để khởi nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực thiết yếu trong đời sống. Được biết, tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024 (CamaUP'24) vừa qua, giải Nhất đã thuộc về DA Mud Bot-Clean - robot tự động vớt rác trên sông của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau. "Nhóm phát triển DA đã ứng dụng AI, IoT và năng lượng tái tạo để giúp robot tự hoạt động thông qua bộ điều khiển từ xa. Robot được lấy cảm hứng từ cá thòi lòi ở Cà Mau, thiết kế giống đầu cá đang há lớn miệng để ăn mồi. Hiện, nhóm tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm để phù hợp với thực tế, đạt hiệu quả cao hơn" (theo: Gia Bách-Báo Thanh niên).

Tương tự như nhóm sinh viên vừa kể trên, Hợp tác xã thanh niên Thành Sen do anh Đặng Văn Cường (32 tuổi, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) lại cho thấy tư duy và bản lĩnh của người trẻ khi biến 4,3 ha đất ruộng bỏ hoang thành nơi trồng rau củ quả hữu cơ và chăn nuôi tiền tỉ. Những người trẻ đã tự khẳng định chẳng cái khó nào ngăn cản được quyết tâm của họ và giá trị đích thực, hiệu quả thiết thực và sự cống hiến âm thầm vẫn là kim chỉ nam cho cuộc đời.

Tỷ phú, doanh nhân Jack Ma (Mã Vân) từng khẳng định:  "Chúng tôi sẽ thành công bởi vì chúng tôi trẻ và chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc". Người trẻ luôn đứng trước thách thức của thế hệ mình, trước những lợi ích nhất thời và sự khắt khe của thị hiếu, thị trường. Lê Tuấn Khang, Đặng Văn Cường hay bất kì thanh niên nào khác có quyền mơ ước, thực thi các ý tưởng và đón nhận những thành quả hạnh phúc. Có điều, những người trẻ phải tỉnh táo nhận ra con đường xa phía trước để lựa chọn, chỉ có sự sáng tạo ra các giá trị tốt đẹp mới lâu bền và giúp cho họ thêm vững bước...

Lương Việt
.
.