Cái gì ở đâu nên ở đấy

Chủ Nhật, 24/12/2023, 15:05

Cách đây chưa lâu, dư luận tranh cãi khá ồn ào xoay quanh triển lãm của một nghệ sĩ với chủ đề là chân dung các cá nhân nổi tiếng. Tranh cãi chủ yếu tập trung vào việc có một số chân dung không được trưng bày. Thực chất vấn đề thế nào, không mấy ai tỏ tường nhưng vẫn như thường lệ, khách quan vẫn thích bàn tán, suy luận những thứ mà mình chẳng nắm rõ.

Đúng hay sai chưa bàn nhưng việc cơ bản nhất thì không thấy mấy ai bàn. Đó chính là chất lượng nghệ thuật của các chân dung.

Tranh, tượng xấu hay đẹp tuỳ nhãn quan mỗi người và trưng bày là quyền của tác giả. Song, điều đáng nói từ triển lãm này chính là hiện trạng trình bày, trình diễn nghệ thuật ở Việt Nam hôm nay đang khá tuỳ tiện khi có nhiều thứ không xứng đáng được đưa vào các "thánh đường" nhưng vẫn nghiễm nhiên xuất hiện ở những "thánh đường" ấy.

Ví dụ như triển lãm kể trên, với nơi trưng bày là Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia.

Ở các quốc gia khác, những địa điểm trình diễn, trưng bày như Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, nhà hát Opera quốc gia, nhà hát nhạc giao hưởng quốc gia… là những chốn cực kỳ khắt khe trong việc tuyển lựa nghệ sĩ và tác phẩm được giới thiệu. Ở Việt Nam thì sao? Chính những nơi được xem là "thánh đường" như Nhà hát Lớn Hà Nội hay Nhà hát TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, nhiều khi chỉ cần có tiền trả mặt bằng là có thể xuất hiện ở đó bất chấp chất lượng tác phẩm không xứng tầm.

Tình trạng này phổ biến đã lâu năm và nó làm rẻ rúng đi giá trị thực tế của những ''thánh đường'' nghệ thuật vốn dĩ đã ít ỏi ở Việt Nam. Ví dụ gần nhất chính là Nhà hát TP Hồ Chí Minh, ngay cuối tuần vừa rồi, mặt tiền nhà hát được trưng dụng cho… Liên hoan Võ thuật. Thực sự tính chất sự kiện và giá trị địa điểm chẳng hề liên quan tới nhau. Đó là còn chưa kể đã có nhiều lần Nhà hát TP Hồ Chí Minh còn được cho thuê để làm… hội nghị khách hàng hoặc hội nghị tổng kết các công ty.

Những sự xuất hiện đã trở nên bình thường ấy chính là các hành vi vô hình trung đã "xúc phạm nghệ thuật" một cách thản nhiên nhất và hơn thế vô tình, nó khiến nghệ thuật trở nên tầm thường trong mắt công chúng. Cộng hưởng với nó là việc tôn xưng nhiều nhân vật giải trí vào vai nghệ sĩ suốt nhiều năm qua một cách lệch lạc dẫn tới hệ luỵ nhận thức về nghệ thuật của công chúng cũng tương đối lệch lạc.

Đã đến lúc cần thắt chặt lại các tiêu chuẩn cho các "thánh đường nghệ thuật" và trả các thứ chưa xứng tầm về đúng chỗ của nó. Xuất hiện đúng chỗ cũng đã là một "nghệ thuật" rồi. Chỉ cần thực hiện được chút "nghệ thuật" ấy thôi, sau một thời gian, đời sống văn nghệ chắc chắn sẽ có thay đổi tích cực.

Văn Đoàn
.
.