Cách đón nhận thành công

Thứ Năm, 02/06/2022, 07:00

“Việt Nam vô địch” không còn là “giấc mơ vàng” trên băng rôn của các cổ động viên bóng đá mà hiện hữu trên các Sân vận động Cẩm Phả, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Còn lúc này, thay vì nhắc đến chiến thắng ấy như thế nào, chúng ta đang nhắc đến cách đón nhận niềm vui ấy ra sao. 

Vào những ngày tháng năm này, hai chữ “chiến thắng” không chỉ xuất hiện liên tục trên các trang báo, trên sóng truyền hình mà cả những người dân cũng đang bàn luận sôi nổi về những chiến tích của thể thao nước nhà. “Việt Nam vô địch” không còn là “giấc mơ vàng” trên băng rôn của các cổ động viên bóng đá mà hiện hữu trên các Sân vận động Cẩm Phả, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Còn lúc này, thay vì nhắc đến chiến thắng ấy như thế nào, chúng ta đang nhắc đến cách đón nhận niềm vui ấy ra sao. 

Đọc đến đây, hẳn nhiều người còn nhớ đến pha ăn mừng bàn thắng của tiền đạo Tiến Linh trong trận bán kết bóng đá nam SEA Games 31 giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia, tối 19/5. Sở dĩ hành động cởi áo ăn mừng của chàng tiền đạo số 9 trên Sân vận động Việt Trì bỗng thành một đề tài “hot” vì nó nằm giữa lằn ranh giới của lí trí và cảm xúc, tạo ra dấu hỏi đầy mơ hồ với nhiều cư dân mạng. Thực ra điều này đã được FIFA quy định trong “Điều luật 12” (công bố ngày 22/6/2004) như sau: “Một cầu thủ cởi áo sau khi ghi bàn sẽ bị cảnh cáo vì hành vi phi thể thao".

Nhìn lại những giây phút đón nhận chiến thắng của các danh thủ trên thế giới như: Robbie Fowler (khi khoác áo Câu lạc bộ Liverpool năm 1997) đã bị phạt nặng khi vạch áo để lộ thông điệp nói về cuộc đình công ở Anh; Lionel Messi cởi áo để lộ áo đấu Newells Old Boys mùa giải 1993/1994 và giơ tay lên trời nhằm tưởng nhớ Maradona ở trận Barcelona gặp Osasuna hay Cristiano Ronaldo cởi phăng áo khi ghi bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 cho MU trước Villarreal vào tối 29/9/2021… mới thấy ranh giới ấy mong manh và nhạy cảm như thế  nào.

image001.jpg -0
Màn ăn mừng của Nhâm Mạnh Dũng - người đã đánh đầu đưa bóng vào lưới Đội tuyển U23 Thái Lan ở trận chung kết bóng đá nam tại SEA Games 31 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Thái Lan.

Trước chiến thắng, khó ai kìm nén được cảm xúc, với bóng đá sân cỏ cũng là sân khấu để họ thăng hoa. Nhưng, để có thể trường tồn, thể thao trước hết phải là sự công bằng và minh bạch. Để bóng đá giúp con người xích lại gần nhau thì phải cần những luật chơi riêng, quy định nghiêm ngặt để tất cả những người yêu môn thể thao vua cùng hướng đến những mục tiêu chung…

Chiếc thẻ phạt không chỉ mang ý nghĩa là sự trừng phạt, răn đe những hành động thô bạo, phạm luật mà còn là một bài học để người chơi bóng biết tiết chế. Hay nói cách khác, nó tựa như một sợi dây giữ cho cánh diều, một điểm tựa để cánh diều ấy có thể tiếp tục bay cao, bay xa hơn. Mất đi sợi dây, cánh diều không còn trên bầu trời nữa.

Ngẫm ra, có một giá trị lớn hơn một chiến thắng chính là thành công của trận chung kết một giải đấu. Góp sức vào thành công đó còn có cả cách ứng xử của đội U23 Thái Lan trước thất bại. Thay vì đổ lỗi cho trọng tài hay phạm lỗi thô bạo khi bị dẫn bàn, họ đã thi đấu đẹp mắt, đúng luật và trân trọng thắng lợi của U23 Việt Nam. Bà Nuanphan Lamsam, Trưởng đoàn bóng đá U23 Thái Lan đã thẳng thắn chia sẻ: “Mọi người lúc này đều rất buồn nhưng tôi phải nói rằng U23 Thái Lan thua là thua, đừng có lời bào chữa nào cả. Đây thực sự là một trận đấu trong mơ tại Đông Nam Á". Có lẽ, thể thao không chỉ rèn luyện thể chất, phát huy ý chí, nghị lực ở con người mà còn là bài học quý cho cuộc sống. Cả người chiến thắng và người thất bại đều trở thành bài học quý để chúng ta nhận ra những điều bổ ích và hướng đến một cuộc sống ý nghĩa và nhân văn hơn.

Khi tất cả trở lại nhịp sống bình thường, người viết chợt có một liên tưởng đến trào lưu nghỉ hưu sớm của giới trẻ với tên gọi FIRE (Financial Independence, Retire Early: Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) đang được bàn luận khá sôi nổi. Hiện tượng này ít nhiều có nguyên nhân sâu xa từ sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nó hàm chứa những lo âu, tính toán và cả những rủi ro không ngờ đến.

Khi đã tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu ở độ tuổi 30, blogger Mad Fientist chia sẻ: “Hãy nhìn vào sự sụp đổ tài chính toàn cầu, sự bùng nổ của bong bóng dotcom và bây giờ là P&O Ferries. Thế hệ của tôi nhận thức rất rõ rằng công việc văn phòng 8 tiếng một ngày không mang lại sự đảm bảo tài chính".

Cũng theo thống kê của GOBankingRates, “tỷ lệ Gen Z muốn nghỉ hưu sớm là 59,4%, Gen Y là 59,5%. Nhìn chung, độ tuổi trung bình người trẻ muốn nghỉ hưu tại Mỹ giảm nhẹ từ 63,4 xuống 62,6”. Việc đã có một khoản tài chính đảm bảo cuộc sống sẽ giúp giới trẻ thoát ra khỏi guồng quay mưu sinh. Hoặc có thể với họ, lao động và sự nghiệp không phải là tất cả động lực trong cuộc sống hôm nay. Giờ đây, khi họ đã sớm đạt được mục tiêu, họ sẽ dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời để nhấm nháp hương vị của “chiến thắng” đó chăng?

khi con người đứng trên đỉnh cao của sự thành công.jpg -0
Khi con người đứng trên đỉnh cao của sự thành công.

Thực ra, giữa FIRE và cách đón nhận những chiến thắng có những nét tương đồng, đặc biệt là ở người trẻ. Khi đứng trên đỉnh cao, cũng là lúc con người ta đơn lẻ nhất, thiếu những điểm tựa nhất và dễ dàng bộc lộ những hạn chế bởi tầm suy nghĩ, phông văn hoá của mình. Điều mà chúng ta đón nhận ở một người trẻ ấy là họ sẽ bước tiếp như thế nào từ đỉnh cao đó. Hay nói cách khác, chúng ta chờ đợi để nghe xem họ sẽ nói “không” với điều gì và “sẽ” là như thế nào. 50 Cent - Curtis James Jackson III, Rapper, diễn viên nổi tiếng từng chia sẻ - “Công chúng không bao giờ sai. Nếu mọi người không có phản hồi gì về điều mà bạn làm, đó là một thông điệp rõ ràng. Bạn chỉ cố tình không lắng nghe thôi”.

Trong khi đó, Larry Page - người đồng sáng lập Google - trong bài phát biểu tại Đại học Michigan, năm 2009 thì lại cho rằng: “Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ cảm thấy dễ đạt được hơn khi có những ước mơ đầy tham vọng. Có thể nghe điều này hơi điên rồ nhưng vì không ai khác đủ điên rồ để làm điều đó nên bạn chẳng cần phải cạnh tranh. Có quá ít người dám làm những việc điên rồ như thế này, thậm chí tôi có thể đếm được trên đầu ngón tay trong khi những người khác đều thích làm việc tập thể và dính với nhau như keo. Những người giỏi nhất sẽ dám đương đầu với những thách thức lớn nhất. Đây chính là trường hợp của Google”.

Triết lý: “người giỏi nhất sẽ dám đương đầu với những thách thức lớn nhất” mà Larry Page nhắc đến sẽ là câu trả lời cho điều mà chúng ta băn khoăn: Sau chiến thắng/ thành công ta sẽ phải làm gì? Cuộc thi nào cũng đều có giới hạn, giới hạn đó chính là tấm huy chương, là chức vô địch, là danh hiệu… chỉ có thách thức là chưa bao giờ có mốc cuối cùng.

Người viết có một liên tưởng thú vị như thế này: Chiếc thẻ vàng được những vị trọng tài rút ra khi các cầu thủ cởi áo ăn mừng chiến thắng dường như không làm giảm bớt cảm xúc thăng hoa bay bổng của họ. Cũng như, khán giả, cổ động viên cũng dễ dàng tha thứ cho sự bột phát đó bởi ngay cả đến vị trọng tài  Mateu Lahoz (điều hành trận Barcelona gặp Osasuna) cũng từng ân hận về điều này.

Trong báo cáo gửi BTC giải La Liga, ông đã viết: “Khi rút thẻ vàng ở tình huống đó, trái tim tôi thực sự đau đớn. Tôi nghĩ FIFA nên có ngoại lệ cho những trường hợp này" (theo Báo Lao động). Biết đâu, chính chiếc thẻ vàng ấy cũng là một cảnh giới, một thách thức với người vừa đặt chân lên đỉnh vinh quang như để nói rằng: cả một con đường chông gai nhưng đầy hứa hẹn đang đợi anh ở phía trước. Hãy đón nhận thành công bằng một quả quyết như thế chăng? 

Lâm Việt
.
.