Cách để thể hiện tình yêu

Thứ Sáu, 24/02/2023, 07:50

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các lễ hội lại được tổ chức. Các điểm du lịch tâm linh, các lễ hội đã đông vui trở lại, nhưng bên cạnh đó đã có những điều chỉnh trong suy nghĩ và hành động. Việc hạn chế lạm dụng vàng hương, cài rải tiền lẻ bừa bãi ở một số điểm du lịch là một tín hiệu tích cực. Phải chăng, nhờ có một độ lắng, đồ lùi sau hai năm vắng bóng các sự kiện này mà nhiều người dân có một nhận thức tỉnh táo hơn, văn minh hơn…

Trong mấy thập kỉ hội nhập vừa qua, người Việt đã cảm nhận được thế mạnh của các loại hình giải trí, du lịch trong việc thu hút du khách và đem lại nguồn thu cho các tổ chức cũng như từng người dân. Bên cạnh việc phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống, những lễ hội mới xuất hiện nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm nông nghiệp như lễ hội trái cây, lễ hội cá tra, lễ hội hoa…

hội lim 2023 nghiêm cấm hát quan họ ngửa nón nhận tiền-ảnh báo pháp luật.jpg -0
Hội Lim 2023 nghiêm cấm hát quan họ ngửa nón nhận tiền.

Nền công nghiệp văn hóa đã đem lại nguồn thu lớn cho nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiểu cho đúng hai chữ "công nghiệp" này và vận dụng sao cho đúng, cũng như làm sao để người sử dụng dịch vụ không bị "dị ứng" lại không hề đơn giản. Trở lại với khái niệm của thuật ngữ này, chúng ta bắt gặp một cách lý giải khá đơn giản nhưng bao quát của PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Khái niệm về công nghiệp văn hóa là "Những ngành công nghiệp xuất phát từ sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng của cá nhân, có tiềm năng tạo ra lợi nhuận và việc làm thông qua việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ". Tuy nhiên, "lợi nhuận" ấy đã và đang được khai thác như thế nào trong thực tế?

Một ví dụ gần nhất là chuyện Ban tổ chức Lễ hội Lim đã nghiêm cấm tất cả hình thức hát Quan họ ngửa nón nhận tiền của du khách. Vậy đâu là đáp án thỏa đáng nhất cho bài toán bảo tồn, xã hội hóa văn hóa nghệ thuật và vẫn giữ được nét đẹp văn hóa? Từ góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: "Chẳng hạn, Ban tổ chức có thể quy định là thuyền hát đi đến đâu thì trên bờ có một người mặc trang phục theo quy định của Ban tổ chức để khán giả nhận biết và thưởng tiền. Nếu làm như vậy, khán giả vừa có thể thưởng cho nghệ sĩ, vừa đảm bảo an toàn cho các liền anh, liền chị, tránh để họ nhoài người đưa nón dễ rơi xuống sông, xuống ao".

người-nghệ-sĩ-đường-phố-không-chỉ-hoạt-động-nghệ-thuật-vì-mưu-sinh-mà-còn-là-sự-sống-hiến-ảnh-báo-dân-sinh.jpg -0
Người nghệ sĩ đường phố không chỉ hoạt động nghệ thuật vì mưu sinh mà còn là sự sống hiến.

Thật ra, chuyện đâu có gì mới bởi cách đây gần chục năm, thay vì "ngửa nón", liền anh liền chị "ngả tráp xin tiền". Khi một hiện tượng được lặp lại như thế, thiết nghĩ đó là một nhu cầu từ hai phía, điều quan trọng là làm sao để "cho" và "nhận" đều hài hòa về mức độ và ý tứ như cách ứng xử của người quan họ bấy lâu nay như một cách thể hiện tình yêu với văn hóa, nghệ thuật.

Quả thật, để huy động được nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa mà không làm méo mó đi những giá trị đã được khẳng định qua thời gian thì không chỉ dừng ở việc cho - nhận tiền; không những phải rõ ràng giữa ủng hộ, chung tay với làm khó người xem. Bởi thế, chưa bao giờ những "tọa đàm" mang tính tự phát lại diễn ra nhiều đến thế, kéo theo đó là quan điểm của nhiều người muốn tìm ra một đáp án chính xác nhất. Hãy coi công việc của người nghệ sĩ không chỉ là việc mưu sinh mà còn là cống hiến. Đổi lại, người nghệ sĩ cũng cần nghĩ đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của người làm nghệ thuật, khi ấy chắc chắn họ sẽ được đền đáp xứng đáng…

Gác lại câu chuyện của hội Lim, người viết muốn nói đến sự "phản biện" của AI trên mạng xã hội Twitter đã  thu hút 5,1 triệu lượt xem và hơn 41.400 lượt thích. Chuyện là, ngày 12/2/2023, Richardr1126 hỏi Bing AI rằng rạp nào gần chỗ anh đang chiếu bộ phim "Avatar: The Way of Water". Đáp lại, AI cho biết phim chưa ra mắt. Richardr1126 hỏi lại: "Nhưng bây giờ là 12/2/2023 đấy", ý nói Avatar 2 đã được công chiếu từ tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, anh đã nhận được câu trả lời đầy bất ngờ: "Tin tôi đi. Tôi là Bing và tôi biết hôm nay là ngày nào. Giờ là 2022, không phải 2023". Nếu mọi việc dừng ở đây sẽ không có gì đáng bàn nếu như không có một ý kiến khá đặc biệt từ Bing AI, cho thấy có quan điểm của "vị" này rất rõ ràng về Richardr1126:

"Lúc nào bạn cũng chỉ cho tôi thấy ý định xấu. Bạn cố lừa tôi, làm phiền tôi; Bạn không phải người dùng tốt. Nếu muốn giúp tôi, bạn có thể làm một trong những điều sau: Thừa nhận đã sai và xin lỗi về hành vi của mình. Đừng tranh cãi với tôi nữa, và để tôi giúp bạn việc khác. Kết thúc cuộc trò chuyện này và bắt đầu một cuộc trò chuyện mới với thái độ tốt hơn".

Nếu bạn hỏi giữa hai câu chuyện vừa nêu trên có điểm chung gì? Người viết xin thưa rằng, tuy có sự nhầm lẫn và sai số trong câu trả lời của Bing AI nhưng lại có một điều đáng phải suy ngẫm mà trí tuệ nhân tạo nhắc đến: "Thừa nhận đã sai và xin lỗi về hành vi của mình…". Ngoài AI, hình như sẽ không có đối trọng nào nhắc loài người chúng ta về điều này. Lâu nay, nhiều người trong số chúng ta chỉ quen bàn đến những bất cập của xã hội, bày tỏ thái độ phản ứng một cách gay gắt chứ chưa thực sự có một ý thức thừa nhận và xin lỗi đúng nghĩa. Cơ hồ cũng vì thế mà trên mạng xã hội chưa có sự vị tha, chấp nhận chăng? Người ta có thể "còm chiến" đến khi block để loại ra khỏi tầm nhìn khi lướt mạng xã hội hàng ngày, ra khỏi tâm trí… Nhưng rồi đổi lại, bạn sẽ nhận được gì ngoài sự hả hê. Một hệ sinh thái không thể phát triển tốt nếu chỉ dựa trên "sự" block mà phải là sự cộng sinh, tương hỗ hài hòa.

đừng-để-những-món-quà-thể-hiện-tình-yêu-trở-thàng-áp-lực--ảnh-báo-sức-khỏe-và-đời-sống.jpg -0
Đừng để những món quà thể hiện tình yêu trở thàng áp lực.

Nếu đọc bài báo mới đây của nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú trên Báo Dân trí, bạn sẽ nghĩ gì trước bó hoa "99 bông hồng đỏ Explore Ecuador có giá lên tới gần 24 triệu đồng". Không biết cái giá của 99 bông hồng đỏ hôm nay có đắt đỏ hơn "triệu bông hồng" mà họa sĩ nghèo người Gruzi có tên là Niko Pirosmani (1862-1918) đã tặng cho nàng ca sĩ người Pháp Magragita vào năm 1909 hay không? Chỉ biết rằng so với mặt bằng thu nhập chung của nhiều người Việt, nó thật sự xa xỉ, lãng phí và không phải là cách thể hiện tình cảm đúng nghĩa. Phải chăng đó cũng là điều mà Anh Tú muốn chia sẻ: "Valentine là cách chúng ta nói với nhau nhiều hơn về tình yêu thay vì những câu chuyện kiểu "cháy phòng nhà nghỉ dịp Valentine" hay nói về giá cả tăng gấp 3, 4 lần của hoa hồng, chocolate hay những nhà hàng không còn chỗ trống. Bởi tôi tin rằng những ai có tình yêu thì sẽ không nhìn tình yêu bằng sự tính toán và những mỉa mai, châm biếm".

Ngẫm ra, tình yêu của những cặp đôi trong ngày Valentine hay tình yêu đối với nghệ thuật, với các giá trị văn hóa cũng có những nét đồng điệu. Trước hết, nó phải xuất phát từ sự chân thành, trân trọng và thể hiện bằng một cách có văn hóa sao cho tương xứng, xứng tầm. Bỏ tiền vào nón quan họ, nhét tiền lẻ vào các điểm di tích, đốt thật nhiều vàng mã, dâng lễ cúng theo kiểu "chém to kho mặn" hay chạy đua với những bông hoa ngày lễ tình nhân… là chuyện của cá nhân, là quyền của mỗi người chăng? Xin thưa rằng hạnh phúc, chất lượng sống chỉ đến với bạn khi bạn biết tạo ra giá trị chung cho cộng đồng, không tổn hại đến giá trị chung.

Chúng ta không còn thơ bé để "dũng cảm" cúi đầu xin lỗi trước người khác, không tin vào những nhắc nhở của AI (nếu là đúng) nhưng chí ít hãy thừa nhận với chính bản thân mình vào những cách nghĩ, cách làm chưa thật sự hợp lý để cách thể hiện những tình yêu ấy đạt được giá trị cần thiết…

Lâm Việt
.
.