Các cây viết nhí - Những mầm xanh hy vọng

Thứ Năm, 05/08/2021, 12:02

Những năm gần đây, văn học thiếu nhi đã được quan tâm một cách cụ thể và thiết thực thông qua những cuộc thi, trại sáng tác, giao lưu độc giả... Bên cạnh đội ngũ người viết là người lớn, chúng ta còn phát hiện ra những cây bút nhí với những tác phẩm được đánh giá cao, tạo nên những tín hiệu đáng mừng cho nền văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng.

Nhà văn Lê Phương Liên, một trong những thành viên Ban giám khảo của nhiều cuộc thi viết cho văn học thiếu nhi đã có những chia sẻ về nội dung này.

Các cây viết nhí - Những mầm xanh hy vọng -0
 Nhà văn Lê Phương Liên.

- Sự quan tâm của xã hội đối với văn học thiếu nhi những năm gần đây rất được chú trọng, đặc biệt là đối tượng các cây viết nhí. Theo quan sát của nhà văn thì cụ thể đó là gì?

+ Trong 10 năm trở lại đây, việc quan tâm đến văn học thiếu nhi, đến đội ngũ sáng tác nhỏ tuổi rất được chú trọng. Cụ thể là vào năm 2009 - 2010, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức cuộc thi “Cây bút tuổi hồng”. Các nhà văn đã tập hợp bản thảo của các em, đọc và tuyển chọn.

Thêm nữa là tổ chức các chuyến đi sáng tác thực tế cho các em và gặt hái những thành công. Chúng tôi đã từng đi Hà Tĩnh, đến các địa danh như Ngã ba Đồng Lộc, khu tưởng niệm Lý Tự Trọng… và khi trở về thì các em đều có tác phẩm. Những sáng tác mới ấy được Báo Thiếu niên Tiền phong dành một trang đăng tải, rất kịp thời nhằm khích lệ, động viên các em.

Năm 2018, cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” mở ra hàng năm, do Nhật Bản tài trợ, đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn nhỏ. Cuộc thi này có 3 hạng mục dành cho cấp tiểu học, trung học và tự do. Rất vui là cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” trong 4 năm nay đã có nhiều kết quả đáng mừng, phát hiện nhiều cây bút triển vọng.

Các em ở độ tuổi 6, 7 cũng có tác phẩm đoạt giải. Những tác phẩm đoạt giải 3 trở lên thì được Nhà xuất bản Kim Đồng in sách, hoặc các tác giả đoạt giải Nhất như em Cao Khải An, giải Nhất năm 2020 được tuyển chọn in một cuốn riêng. Tôi nghĩ đây là những hình thức thiết thực nhằm khuyến khích cho các em sáng tác và dự thi.

- Các cuộc thi về văn học thiếu nhi như “Giải thưởng Dế Mèn”, “Đóa hoa đồng thoại”, “Sách hay thường niên”… được đánh giá cao. Là một trong những thành viên Ban giám khảo, nhà văn Phương Liên có những đánh giá như thế nào về chất lượng các cuộc thi?

+ Tôi đã tham gia chấm các cuộc thi của các giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, đặc biệt là giải thưởng “Đóa hoa đồng thoại”. Có lẽ là do cơ cấu của giải thưởng mở hơn nên giải thưởng “Đóa hoa đồng thoại” đã phát hiện nhiều tác giả nhí viết rất hồn nhiên với đôi mắt trẻ thơ khi nhìn vạn vật. Thêm nữa, các em thể hiện sâu hơn trí tưởng tượng của mình so với những sáng tác của thời kỳ trước.

Những gì mà các em viết như gia đình, nhà trường, cuộc sống sinh hoạt… trong cuộc thi đã mở ra những khía cạnh mới, mở ra những không gian tưởng tượng rất thú vị. Ví dụ như giải Nhất năm 2018, truyện “Trận mưa rào” rất đặc sắc, nó thể hiện sự tưởng tượng và miêu tả lôi cuốn, hấp dẫn vô cùng. Đề tài mở, khuyến khích các em đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống đời thường hoặc là thế giới loài vật vv. Hay như năm 2020 khi mà dịch COVID - 19 lan nhanh ở nước ta thì các em cũng có nội dung để thể hiện như truyện “Hai chiếc khẩu trang” kể về cuộc đối thoại của hai chiếc khẩu trang khá hấp dẫn. Và cái được nhất là hầu hết các tác phẩm đều hướng đến tính thiện, nhân văn. 

- Sau các cuộc thi, các cây bút nhí đã được phát hiện. Để các cây bút này tiếp tục đi đường dài, ban tổ chức có quan tâm định hướng gì không?

Các cây viết nhí - Những mầm xanh hy vọng -0
 Em Cao Khải An nhận giải thưởng "Khát vọng Dế mèn" năm 2020.

+ Tôi thấy sự thực còn có một cái gì đó chưa thấu đáo, vẫn còn rời rạc giữa ban tổ chức và các em, đặc biệt là các em đoạt giải từ các cuộc thi. Có những em ở rất xa, ít liên hệ với ban tổ chức, hay ban giám khảo là những nhà văn. Dần dần sự tương tác với các tác giả cũng trở nên rời rạc. Tôi nghĩ rằng, các tác giả đoạt giải cần chủ động hơn trong việc liên hệ với các nhà văn hay ban tổ chức, có rất nhiều phương tiện như điện thoại, zalo, facebook… để kết nối.

Tôi cũng là thành viên ban giám khảo của nhiều cuộc thi, tôi nhận thấy rằng, các nhà văn cũng cần có sự liên hệ, tương tác hơn với các em để khuyến khích, động viên, theo dõi sự trưởng thành của các em. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, đó là các em phải thực sự nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo không ngừng và chủ động liên hệ với ban tổ chức, các nhà văn để luôn luôn có sự phản hồi, tương tác. Các em phải chủ động hơn để có sự liên kết, điều này sẽ giúp các em có thêm động lực để viết tốt hơn, có nhiều tác phẩm hay hơn.

- Trên thực tế, có những cây bút nhí sáng tác chỉ được một giai đoạn nhất định. Vậy thì cần có những định hướng và hình thức khuyến khích như thế nào để các em gắn bó với văn chương?

+ Chúng ta cũng biết rằng, một sự trưởng thành của con người cũng như sự trưởng thành của một cái cây, đều cần được chăm bẵm, có một môi trường tốt để phát triển. Ban đầu các em viết chỉ là bản năng thôi, hoàn toàn tự nhiên nhưng muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp thì bạn phải đam mê, nuôi dưỡng khát vọng đó. Bằng cách nào, đó là phải học, đọc nhiều, trải nghiệm với cuộc sống, vun đắp vốn sống… để từ đó, bạn mới có vốn để chắt lọc và sáng tạo.

Muốn đi thật dài lâu trên con đường văn chương thì các em phải nỗ lực thôi, như thế hệ chúng tôi đã từng. Nhằm động viên, khuyến khích cho các em thì tôi nghĩ rằng, hiện nay những sân chơi rất bổ ích đã mở ra, nhằm thúc đẩy, khích lệ các em rất lớn, như báo Thiếu niên Tiền phong, Báo Nhi đồng, chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam… Những kênh báo chí, truyền thông ấy sẽ giúp các em có thêm nhiều động lực để sáng tạo.

- Bên cạnh các cuộc thi gần đây còn có các hoạt động khác như tổ chức trại sáng tác, mở các lớp bồi dưỡng, giao lưu giữa các cây viết nhí với độc giả… nhằm tạo ra một sân chơi thiết thực cho lực lượng sáng tác ở lứa tuổi này. Nhà văn Phương Liên đánh giá như thế nào về các hoạt động này?

+ Những năm trước, vào mùa hè, các hội văn học từ trung ương đến địa phương, các tòa soạn báo… đều có những hoạt động như trại sáng tác, mở các lớp học ngắn hạn, giao lưu giữ các nhà văn với các em… Nhưng hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 nên nhiều hoạt động phải chuyển đổi sang hình thức online. Chúng tôi vẫn làm việc, trao đổi với các bạn trên mạng, có thể sẽ không được như mong muốn nhưng vẫn có sự kết nối, tương tác. Tôi nghĩ rằng, các em vẫn rất quan tâm đến văn học vì thế mà qua những cuộc thi, qua các hoạt động đã diễn ra nhằm phục vụ cho các cây viết nhí thì chúng tôi nhận những tín hiệu rất vui mừng. Chúng tôi vẫn hy vọng có một thế hệ viết mới trưởng thành bắt đầu từ những mầm xanh đầy hy vọng ấy.

- Quá trình bồi dưỡng, kiến tạo nên một cây bút nhí cần có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa nhà văn?

+ Đầu tiên là phải bắt đầu từ các em, từ những thiên bẩm văn chương mà các em có, điều này rất quan trọng bởi viết văn mà không có cái tài hoa vốn có thì khó trở thành nhà văn chuyên nghiệp sau này. Nhưng cái tài năng bẩm sinh ấy phải được rèn giũa, bồi dưỡng, tích lũy. Các em cần phải học, phải đọc và trải nghiệm. Viết văn là một con đường dài lâu, phải trải qua những trải nghiệm thực tế, qua vốn sống, từ đó các em sẽ viết hay hơn, sâu sắc hơn.

Thứ hai là những người đi trước, là nhà văn quan tâm, dìu dắt các em qua những tác phẩm. Đọc tác phẩm của các em và có những chia sẻ, phản hồi, trao đổi… để các em học tập. Tiếp nữa là các tác phẩm của các em khi đoạt giải, hoặc những sáng tác sau này cũng cần được đăng tải, in ấn thường xuyên. Ví dụ như em Cao Khải An đã được Nhà xuất bản Nhi Đồng in tuyển tập truyện ngắn. Đó là những hoạt động thiết thực để các em có thêm động lực để viết hay hơn, nhiều hơn trong tương lai.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên! 

Vân Khánh (thực hiện)
.
.