Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình: Góp phần nâng cao văn hóa gia đình

Thứ Năm, 03/03/2022, 12:56

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Mặc dù vẫn còn một số băn khoăn xung quanh việc làm thế nào để bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình phát huy được hiệu quả nhưng chắc chắn sự ra đời của bộ Tiêu chí này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, là chiếc cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng, là hạt nhân tế bào của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò quan trọng của gia đình: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với 5 nguyên tắc chung.jpg -0
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình với các nguyên tắc chung.

Năm 1993, Liên Hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15 - 5 hàng năm là ngày “Quốc tế gia đình” để nâng cao nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Việt Nam cũng có ngày 28 - 6 là ngày “Gia đình Việt Nam”. Điều đó cho thấy, gia đình là vấn đề mà cả nhân loại quan tâm. Xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nguyện vọng của tất cả mọi người. Một trong những biện pháp lớn để thực hiện chủ trương đó là nâng cao nhận thức và thực hiện nghĩa vụ gia đình đối với mọi công dân.

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được ra đời với mục đích xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nâng cao nhận thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Bộ Tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam, bao gồm những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.

Ngoài các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình bao gồm: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”. Bộ tiêu chí đặt ra các tiêu chí riêng cho các mối quan hệ trong gia đình. Cụ thể, giữa vợ, chồng phải chung thủy, tình nghĩa. Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính. Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu theo nguyên tắc "Gương mẫu, yêu thương". Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói. Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu, giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong… Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình… Anh chị em trong gia đình phải hòa thuận, chia sẻ. Anh chị em tôn trọng bảo nhau điều hay lẽ phải. Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn…

Được biết, năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành thí điểm bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. So với bộ Tiêu chí thí điểm, bộ Tiêu chí vừa ban hành năm nay có các tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn. Để ra đời Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình hoàn chỉnh này, công tác xây dựng từ năm 2019 đến năm 2020 – 2021 được triển khai thí điểm ở 12 tỉnh, thành trong cả nước. Các tỉnh còn lại triển khai bằng nhiều hình thức như tuyên truyền ở CLB tại xã, huyện… hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa địa phương.

gia đình việt nam hiện nay là sự kết hợp giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.jpg -0
Gia đình Việt Nam có sự kết hợp giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Được ban hành trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh, đặc biệt, một số vụ án xảy ra trong gia đình, bạo hành con riêng của vợ, chồng… cho thấy bộ Tiêu chí thực sự cần thiết. Liên tục trong thời gian ngắn, nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, nhất là bạo hành trẻ em. Từ vụ bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị mẹ kế bạo hành tới chết, em bé 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu. Hay vụ án cô gái 21 tuổi giết bố bằng hóa chất rồi đổ bê tông phi tang ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu…

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều giá trị truyền thống trong gia đình có dấu hiệu mai một. Đặc biệt, dịch bệnh COVID – 19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống. Và mỗi gia đình không phải là ngoại lệ. Ngoài sức khỏe của từng thành viên bị ảnh hưởng thì công việc ít đi, thu nhập giảm sút đã tác động trực tiếp đến sự bình an trong gia đình. Thời gian ở nhà nhiều khiến tâm lý thay đổi, bức bối trong cuộc sống, dẫn đến mâu thuẫn.

Một trong những vấn đề vẫn còn tồn tại trong gia đình hiện nay là tình trạng bạo lực giới. Trong đó đa phần nữ giới bị đánh đập ngược đãi. Hình thức của bạo lực gia đình rất đa dạng: bao gồm cả bạo lực thể chất và tinh thần. Từ đánh đập, đến việc sỉ nhục, chửi bới, thờ ơ, lãnh đạm…Tình trạng trẻ em hư, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn hay những vùng nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa. Đây thực sự là nỗi lo của mỗi gia đình và toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự giảm sút vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ em, truyền thống và kỷ cương, nền nếp của gia đình bị coi nhẹ, cha mẹ không quan tâm đến con cái…

Bộ tiêu chí ứng xử được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi được hành vi, nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về tính khả thi và làm thế nào để đạt được hiệu quả trong đời sống. Theo đại diện cơ quan ban hành thì hình thức phổ biến truyền thông chủ yếu qua loa đài, truyền hình, báo chí, tờ rơi. Khuyến khích các địa phương có hình thức khen thưởng, biểu dương cho những gia đình gương mẫu thực hiện.

Thực tế, trong quá trình triển khai thí điểm, bộ Tiêu chí đã vướng phải không ít hạn chế như ở các vùng xa do địa hình, dân cư thưa gây khó khăn trong việc triển khai, tuyên truyền. Số lượng hộ gia đình tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều. Một bộ phận người dân với trình độ hạn chế, chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc thực hiện bộ Tiêu chí này cũng như chưa coi trọng các giá trị chuẩn mực, đạo đức, còn sống bảo thủ, lạc hậu… Mà đây lại là những nơi có nhiều đối tượng cần được tuyên truyền để thay đổi hành vi nhất.

Một trong những vấn đề mà nhiều người băn khoăn là làm thế nào để những quy định trong bộ Tiêu chí ứng xử đến được với từng gia đình, từng thành viên để thực sự phát huy được hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài các biện pháp như tuyên truyền qua báo chí, truyền hình thì việc thông qua các hội nhóm mà các thành viên tham gia như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội hưu trí, các CLB Phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống tệ nạn xã hội… cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng về hình thức, phong phú, sinh động về nội dung. Gắn bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Khen thưởng kịp thời cho các tập thể cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo, triển khai, thực thiện bộ tiêu chí này. Chỉ có như vậy mới từng bước nâng cao văn hóa gia đình, là nền tảng vững chắc giúp con người hoàn thiện nhân cách, hướng đến Chân – Thiện - Mỹ.

Khánh Thảo
.
.