Bài toán thu hút nguồn nhân lực công
Chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế của Đảng ta là hướng đi đúng đắn, tích cực nhằm sử dụng nguồn nhân lực hợp lý nhất, mang lại kết quả lớn nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế đang thực hiện thụ động, chần chừ chờ giải quyết cho những người "đến tuổi nghỉ hưu", còn những người không làm được việc vẫn ung dung ở trong bộ máy nhà nước.
Chúng ta rất khó để tìm được những cán bộ, công chức, viên chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ để cắt, giảm. Chưa kể đến tâm lý nể nang, né tránh, sợ phiền hà vì trong số những người trong diện tinh giản biết đâu họ lại là con cháu của các lãnh đạo thì dại gì đụng vào, có khi chưa tinh giản được họ, "họ đã tinh giản mình rồi".
Trong lúc khó khăn thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì xuất hiện làn sóng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc đồng loạt. Đơn cử trong ngành Y tế đã có gần 10 nghìn cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc và chỉ riêng TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 670 cán bộ, công chức xin nghỉ theo nguyện vọng để đi tìm công việc khác. Phải chăng đây là dấu hiệu thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn? Chúng ta đều cảm nhận được là không phải vậy, bởi trong những người chủ động xin thôi việc có nhiều người năng lực làm việc tốt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.

Nêu quan điểm của mình với báo chí, bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ "thực sự rất đáng tiếc" trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức khu vực công nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, đặc biệt là với ngành y tế và giáo dục. Đây là với nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chuyên môn, đã được tuyển chọn kỹ càng ở đầu vào, đã nhiều năm công tác nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế.
Làn sóng công chức, viên chức chuyển từ cơ quan nhà nước sang làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có xu hướng tăng lên không ngừng. Hiện tượng bất thường này đang gây tâm lý bất ổn cho xã hội, nhất là những người làm công, ăn lương bị tác động rất lớn khi bạn bè, đồng nghiệp ồ ạt "bỏ công, sang tư" diễn ra sôi động xung quanh họ. Bên cạnh đó, nó tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực không dễ gì bù đắp ngay được và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của cơ quan Nhà nước, chất lượng dịch vụ công, cũng như an sinh xã hội.
Lý do gì khiến cán bộ, công chức nghỉ việc hàng loạt? Cần những yếu tố gì để giữ chân những người có năng lực ở lại làm việc trong khu vực công?
Thu nhập thấp, áp lực công việc cao là những nguyên nhân chính mà báo chí và cả người lao động luôn nói đến. Nếu chỉ làm mỗi một việc cơ quan thì đồng lương không thể đủ sống nên buộc công chức phải xoay xở, phải kiếm thêm những công việc khác ở bên ngoài. Đi làm chân trong chân ngoài thì không thể tập trung cho công việc chính, ảnh hưởng đến công việc chính. Có người đã lợi dụng vị trí công việc của mình để nhũng nhiễu, tiêu cực, để kiếm thêm, đảm bảo cuộc sống của gia đình. Không ai có thể cống hiến hết mình với cái bụng đói cả. Bên cạnh đó việc đánh giá trình độ, năng lực chưa công tâm, khách quan, thiếu bình đẳng về cơ hội thăng tiến… đôi khi gây ra mâu thuẫn nội bộ dẫn đến người có năng lực, chuyên môn giỏi chán nản, giảm động lực nên đã quyết "dứt áo ra đi".
Còn ở khu vực tư nhân, người sử dụng lao động trả lương cho nhân viên theo trình độ, năng lực, theo yêu cầu của công việc, đồng thời thực hiện các chính sách phúc lợi khác nhằm tìm kiếm sự phù hợp giữa doanh nghiệp và người lao động. Những ai làm việc tốt, có những đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp thì sẽ được đối xử xứng đáng.
Đa phần các nước trên thế giới, những người sẵn sàng làm việc cho nhà nước không nhằm mục đích làm giàu, nhưng luôn đủ sống ở mức khá giả. Họ làm việc với mong muốn được cống hiến cho cộng đồng và họ được mọi người thừa nhận uy tín và vị thế. Công chức nhà nước vẫn là một giá trị được xã hội, được mọi người đề cao.
Vậy để có đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, chất lượng cao, các cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đồng thời giữ lại được những người có năng lực, trình độ ở khu vực công.
Ưu tiên hàng đầu là phải giải quyết được vấn đề chế độ đãi ngộ, cải cách tiền lương. Bên cạnh yếu tố vật chất thì cần phải quan tâm tới yếu tố phi vật chất, đó là đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động và tạo môi trường làm việc bình đẳng, công bằng, công khai các cơ hội để cán bộ, công chức phát triển, thăng tiến. Nếu không thì có tuyên truyền, giáo dục, làm công tác tư tưởng giỏi tới cỡ nào đi nữa thì cũng không thể giữ chân được những người tài năng, nhiệt tình, tâm huyết. Tất cả đều nhằm tới mục tiêu quan trọng nhất là dùng người hiệu quả để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.