Bài toán ngân sách cho giáo viên còn để ngỏ

Thứ Năm, 10/10/2024, 10:04

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm luôn là dịp của những buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới. Và, một tất nhiên kéo theo của những buổi họp này chính là tình trạng đây đó vẫn còn lạm thu các loại quỹ. Đây thực sự là một tồn tại nhiều năm mà lẽ ra cần phải được giải quyết rốt ráo từ lâu rồi nhưng không hiểu sao vẫn chưa thể có một giải pháp triệt để nào được đưa ra cho tới lúc này.

Khi nhiều địa phương đưa ra chính sách miễn học phí cho cấp tiểu học, các bậc phụ huynh tưởng như đã bớt đi một phần nỗi lo hằng tháng nhưng số tiền phải nộp các khoản khác gộp lại vẫn nhiều.

Bài toán ngân sách cho giáo viên còn để ngỏ -0
Các chính sách về phụ cấp, trợ cấp ngoài lương cho giáo viên cần được phê duyệt thông thoáng hơn.

Câu chuyện hi hữu một giáo viên tiểu học ở TP Hồ Chí Minh dỗi phụ huynh học sinh vì không nhận được hỗ trợ bằng tiền để mua laptop đã đẩy mọi thứ lên đỉnh điểm. Cô giáo đã rất sai và bị chỉ trích nặng nề cũng rất nhiều. Nhưng, dường như chưa một ai nhìn sâu vào tận cùng của vấn đề để tìm ra nguyên nhân cốt lõi. Mà, một khi không tìm ra nguyên nhân cốt lõi, chắc chắn sẽ không thể hình thành được giải pháp triệt để cuối cùng.

Cô giáo gây ồn ào kia sai rành rành rồi nhưng ít ai trong chúng ta nhìn vào câu chuyện việc giảng dạy hôm nay đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn mà trong đó, máy tính và máy chiếu là phổ biến nhất. Không có phương tiện ấy, giáo viên không thể thực hiện bài giảng theo đúng tiêu chuẩn cập nhật nhất của ngành giáo dục. Nhưng, nhà trường thì lại không có nguồn ngân sách để đầu tư. Vô hình trung, giáo viên giống như những tân binh được tuyển vào một đơn vị mà họ không được cung cấp khí tài vậy.

Một khi sử dụng lao động để làm công việc đặc thù mà không cung cấp trang thiết bị đặc thù, lao động ấy sẽ làm việc thế nào? Trong cái luẩn quẩn này, các trường đành phải chọn giải pháp im lặng, để hội phụ huynh lên tiếng về chuyện đóng góp dưới hình thức mang tên tự nguyện. Gọi là tự nguyện đấy, nhưng chẳng phụ huynh nào nỡ không tham gia. Thế là chuyện kêu ca, phàn nàn về lạm thu cũng từ đó bắt đầu.

Ngân sách cho giáo dục thật ra không thiếu. Căn cứ Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục 2019, quy định ngân sách Nhà nước giành cho giáo dục và đào tạo tối thiểu là 20% nhưng nhiều năm qua, chi ngân sách cho giáo dục chưa bao giờ đạt mục tiêu này. Rõ ràng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính cũng như chính quyền các địa phương ngồi lại với ngành giáo dục để giúp tháo gỡ khúc mắc này.

Ngoài ra, giáo dục là một ngành có nhiều đặc thù khó khăn riêng và giáo viên gặp rất nhiều hạn chế trong việc làm thêm để tăng thu nhập. Vì thế, các chính sách về phụ cấp, trợ cấp ngoài lương cho giáo viên cũng cần được phê duyệt thông thoáng hơn để đời sống giáo viên tốt hơn hẳn và nhờ đó, họ có thể chuyên tâm cho nghề. Một khi thu nhập giáo viên tốt, trang bị cho giáo viên đầy đủ, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, thiết bị cho giáo viên đạt tiêu chuẩn, sẽ không còn cảnh phải thu thêm từ phụ huynh và gây ra những bức xúc cũng như hình ảnh thiếu trong sáng của nghề làm thầy.

Văn Đoàn
.
.