Bài toán ly nông không ly hương

Thứ Năm, 28/10/2021, 11:08

Trong vòng hai tháng qua, dòng người lũ lượt trên những chiếc xe máy từ các thành phố, khu công nghiệp phía Nam chở gần như hầu hết những gì mình có, cùng vợ con, người ruột thịt… lầm lũi đi suốt ngày, suốt đêm, phơi mình trong mưa, nắng, đói, khát, nguy cơ tai nạn giao thông và cả dịch COVID-19 rình rập, nhưng vẫn không ngăn nổi quyết tâm trở về quê hương của những người mưu sinh nơi đất khách.

Trước đây, cứ sau mỗi Tết Nguyên Đán, sân bay, ga tàu, bến xe đều đông nghẹt người chờ đợi vào các tỉnh, thành phía Nam làm việc. Một cuộc dịch chuyển giúp giải quyết được bài toán việc làm trước mắt cho nhiều địa phương. Nhưng trong vòng hai tháng qua, dòng người lũ lượt trên những chiếc xe máy từ các thành phố, khu công nghiệp phía Nam chở gần như hầu hết những gì mình có, cùng vợ con, người ruột thịt… lầm lũi đi suốt ngày, suốt đêm, phơi mình trong mưa, nắng, đói, khát, nguy cơ tai nạn giao thông và cả dịch COVID-19 rình rập, nhưng vẫn không ngăn nổi quyết tâm trở về quê hương của những người mưu sinh nơi đất khách.

Theo Tổng cục Thống kê, đợt dịch thứ tư, trong khoảng 2 tháng, từ tháng 7 đến ngày 15-9-2021, có hơn 1,3 triệu lao động từ các đô thị lớn và các tỉnh có các khu công nghiệp đã về quê tránh dịch. Con số này chưa bao gồm dòng người hồi hương sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.

Bài toán ly nông không ly hương -0
Nông sản Việt Nam góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.

Khi trở lại quê hương, nhiều người còn chưa hết bàng hoàng với những gì vừa diễn ra thì ngay lập tức họ phải đối mặt với thách thức mới “mình sẽ làm gì để sống trong thời gian tới?”. Nếu ở lại quê, gắn bó với mảnh vườn, ao cá, cuộc sống lay lắt thì kinh tế của gia đình cũng khó phát triển được. Trong khi đó nhiều ngành ở các tỉnh phía Nam đang khát lao động sau khi nới lỏng giãn cách. Câu hỏi lớn nhất là “có nên quay lại hay không?”.

Còn với chính quyền địa phương, cuộc di cư không mong muốn này sẽ kéo theo những hệ lụy phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, trong khi cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị y tế của tỉnh còn hạn chế nên không thể kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi người dân quyết định ở lại quê cũng sẽ tạo ra thách thức lớn về hạ tầng xã hội, gồm: Trường học, cơ sở y tế, an ninh trật tự... việc làm và thu nhập cũng là vấn đề lớn khi dân số đột ngột tăng lên.

Khi dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới, thực tế cho thấy những nước nào chỉ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch thì đều rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Những nước có sản xuất nông nghiệp thì dường như mức độ tổn thương ít hơn và lấy lại cân bằng nhanh hơn. Chính vì thế mà nông nghiệp được coi là bệ đỡ, nền tảng, là cái “đệm” giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế.

Việt Nam là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 2,9%, thuộc nhóm có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong đó nông nghiệp là một trong những ngành đóng góp quan trọng nhất, đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,65%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Hậu COVID-19 sẽ là một bài toán thực sự đặt ra, đòi hỏi cần phải tính toán để áp lực lao động tại các địa phương vừa đón đồng bào trở về được giải quyết bằng những chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích lao động một cách rõ ràng, cụ thể hơn chứ không nên để người dân trở về rồi lại ra đi trong cái vòng luẩn quẩn của sự mưu sinh bế tắc.

Đã đến lúc phải có các giải pháp đặc biệt, hiệu quả để thực hiện mục tiêu “ly nông không ly hương” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025” với mức đầu tư khoảng 2,45 triệu tỷ đồng sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn mới, với nhận thức nông nghiệp thịnh vượng là kế “sâu rễ, bền gốc” của một quốc gia như cha ông ta từng nhắc nhở.

Làm thế nào để người nông dân “ly nông” nhưng bất “ly hương” đang là bài toán khó cho nhiều địa phương và không phải là chuyện một sớm, một chiều. Trên cơ sở triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần phải có sự quy ết tâm cao độ và các giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp trong nông nghiệp, tạo nên những việc làm phi nông nghiệp... Thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp phải thật sự có sự “liên kết” chặt chẽ với thực trạng đời sống của nông dân, với hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay. Khi những người nông dân thật sự là “công nhân” trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ, thì họ sẽ “ly nông” nhưng sẽ bất “ly hương”, để quê nhà thực sự là nơi bình yên, hạnh phúc chứ không phải là nơi nương náu khi không còn chỗ trú chân, thì bắt buộc mới trở về.

Hiện nay trên địa bàn cả nước có rất nhiều mô hình, điển hình ứng dụng thành công sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều hợp tác xã, tổ hợp, hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình… giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nên không có tình trạng người dân bỏ quê đi làm ăn xa. Các mô hình, điển hình đó cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các địa phương và người dân rút kinh nghiệm, tham khảo vận dụng sát với thực tế của mình.

Mục tiêu quan trọng là từng bước xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành nông thôn đáng sống để mỗi người nông thôn yêu quê hương, gắn bó với quê hương, sống hạnh phúc trên chính quê hương của mình.

Cù Tất Dũng
.
.